Thứ 6, 22/11/2024, 06:01[GMT+7]

Hội Phụ nữ xã Tân Bình Hướng về hội viên để xây dựng tổ chức hội vững mạnh

Thứ 2, 21/01/2013 | 08:16:13
1,102 lượt xem
Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã Tân Bình luôn xác định: Phải xây dựng tổ chức hội vững mạnh, trở thành địa chỉ tin cậy của chị em. Để làm được điều này phải hướng hoạt động về hội viên, kề vai, sát cánh, đem lại những lợi ích thiết thân cho họ, chỉ có thế, chị em mới tích cực tham gia sinh hoạt. Đến nay, tỷ lệ thu hút hội viên đạt 86,3%. Nhiều năm liền Tân Bình nằm trong tốp dẫn đầu phong trào phụ nữ của thành phố, được các cấp, các ngành khen thưởng.

Thêu áo Ki-mô-nô truyền thống của Nhật ở thôn Đồng Thanh (Tân Bình).

Năm 2008, Tân Bình được sát nhập về thành phố Thái Bình. Cán bộ và nhân dân nơi đây chung một niềm vui, nhưng cũng chung một nỗi lo, đúng như chị Phạm Thị Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tâm sự : trở thành một đơn vị hành chính của thành phố phải phấn đấu thật nhiều để góp phần đưa thành phố xứng đáng với vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của toàn tỉnh. Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã luôn xác định: Phải xây dựng tổ chức hội vững mạnh, trở thành địa chỉ tin cậy của chị em. Để làm được điều này, không có cách nào khác là phải hướng hoạt động về hội viên, kề vai, sát cánh, đem lại những lợi ích thiết thân cho họ, chỉ có thế, chị em mới tích cực tham gia sinh hoạt. Đến nay, tỷ lệ thu hút hội viên đạt 86,3%. Nhiều năm liền Tân Bình nằm trong tốp dẫn đầu phong trào phụ nữ của thành phố, được các cấp, các ngành khen thưởng.

Cũng theo chị Nga, tuyên truyền nâng cao nhận thức về mọi mặt cho hội viên sẽ giúp họ khẳng định vị thế, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Đó là lý do năm 2012, Hội Phụ nữ xã tổ chức 22 lớp học tập chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, kiến thức về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, tránh dịch bệnh… Tổ chức cho chị em ôn lại truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, tổ chức giờ học ngoại khóa “Bác Hồ với nông nghiệp nông thôn”, truyền thông về: Luật Giao thông đường bộ, Luật Bình đẳng giới, rửa tay bằng xà phòng… Vận động chị em tham gia viết bài tìm hiểu quan hệ Việt Nam - Lào, Luật Biên giới…

Bên cạnh đó, Hội phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác bằng nhiều phong trào cụ thể, như: phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, nuôi dạy con tốt, lúc hoạn nạn, khó khăn, thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ… Qua bình xét, toàn xã có 88,5% chị đạt 3 nội dung của phong trào (tăng 3,5% so với năm 2011), 80% cán bộ đạt loại giỏi, 15 chị đạt danh hiệu “Cán bộ hội phụ nữ cơ sở giỏi” cấp xã và thành phố. Các chị thống nhất, mỗi người tiết kiệm từ 10.000 đến 100.000 đồng/tháng, làm vốn lưu động cho các hộ khó khăn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi; duy trì “Hũ gạo tình thương” và mô hình tiết kiệm điện năng… Các phong trào này đã trở thành động lực để chị em Tân Bình thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chị Nga cho hay, để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, từ đầu năm đến nay, Hội Phụ nữ xã Tân Bình kết hợp với Trung tâm dạy nghề Tỉnh Hội mở 3 lớp thêu ren, cho trên 100 chị và vận động các chị mở một lớp tự truyền nghề cho nhau. Kết thúc lớp học, hầu hết học viên đều vững tay nghề, có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị My, là một trong số các học viên được đánh giá là có bàn tay khéo léo, sau khóa học chưa được một tháng đã tham gia thêu áo Kimônô truyền thống của Nhật, nhanh và đẹp không kém những người có thâm niên trong nghề. Tay và mắt vẫn không rời khỏi khung thêu, chị My tươi cười bảo: Lớp thêu ren được mở tại Tân Bình thật sự hữu ích với chị em, bởi đây là nghề nhẹ nhàng, có thể tranh thủ mọi lúc, giải quyết được thời gian nông nhàn, rất phù hợp với chị em, thu nhập cũng khá. Cùng với nghề thêu ren, nghề thêu tranh, nghề đan làn nhựa, làn cói, móc hộp mà Hội Phụ nữ xã vận động chị em du nhập về đang phát triển mạnh mẽ tại Tân Bình, giải quyết việc làm cho hàng trăm chị em vì điều kiện không thể làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp.

Ngoài ra, Hội phụ nữ xã duy trì: 6 nhóm tín dụng tiết kiệm, được trên 55 triệu đồng và vốn vay tín chấp ngân hàng trên 3,6 tỷ đồng, cho các chị em khó khăn vay đầu tư phát triển sản xuất, nuôi con ăn học. Phối hợp tổ chức 8 lớp chuyển giao KHKT về sử dụng thuốc trừ sâu trong phòng, trị bệnh cho lúa, rau màu, cách chăm sóc lúa… thu hút gần 850 chị tham gia. Phong trào cho nhau vay không lấy lãi được đông đảo chị em hưởng ứng, như các chị: Xuân (thôn Tân Quán), Sen, Sỉu, Nga (thôn Đồng Thanh) cho 3 chị khó khăn vay 23 triệu đồng… Luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội phụ nữ, của chị em trong Hội, năm 2012, có 8 hộ phụ nữ nghèo do nữ làm chủ thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo do nữ làm chủ trong toàn xã xuống 114 hộ (chủ yếu là hộ người cao tuổi).

Hàng năm, Hội Phụ nữ đều kết hợp với ban Dân số, Y tế xã khám, tư vấn sức khỏe, tiêm phòng cho phụ nữ và trẻ em, hướng dẫn chị em cách nuôi, dạy con khoa học. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ giảm 3,82% so với năm 2011. Ngày Trung thu, các bà, các mẹ vận động, quyên góp và tự tổ chức nấu ăn phục vụ các cháu, khiến ngày hội trăng rằm thêm vui vẻ, ý nghĩa.  Năm qua, có 87% gia đình phụ nữ đạt 4 chuẩn mực  “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. 

Cuối năm 2012, toàn xã có 3 chi hội đạt loại vững mạnh xuất sắc, 3 chi hội còn lại đạt loại vững mạnh. Hội Phụ nữ xã Tân Bình tiếp tục được bình chọn là đơn vị tiên tiến xuất sắc dẫn đầu xã.

Bài, ảnh: Thu Hiền

  • Từ khóa