Thứ 7, 10/08/2024, 20:13[GMT+7]

Thị trấn Hưng Hà Vui thế - Sáng xuân nay

Thứ 6, 25/01/2013 | 07:59:31
809 lượt xem
Cận kề với năm Quý Tỵ, chia tay năm con Rồng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Hưng Hà vui niềm vui nhân đôi: Vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho những thành tích đạt được. Kết quả đó là kết tinh sức mạnh của toàn Đảng bộ, là ý chí của tất cả người dân, là tư duy năng động của đội ngũ cán bộ. Họ chính là những người thợ tài hoa dệt nên bức tranh làm nao lòng người; ấm lòng những người con thị trấn đang làm ăn xa quê

Thị trấn Hưng Hà. Ảnh: Ngọc Linh

Không còn nhiều thời gian nữa để đón mùa xuân mới, đón niềm vui lớn, chủ tịch UBND thị trấn Hưng Hà – Nguyễn Hữu Điển vẫn dành khoảng thời gian quý báu để nói với chúng tôi về hành trình đi tới vinh quang hôm nay. Anh thuộc thế hệ cán bộ chính quyền thứ ba của thị trấn mà tôi từng quen biết. Sau các anh Lê Hữu Thành, anh Phạm Ngọc Dũng bây giờ là anh trên cương vị Chủ tịch Ủy ban thị trấn.

Gần 23 năm gắn bó với thị trấn Hưng Hà, tôi có may mắn được hiểu, được chứng kiến mảnh đất và con người nơi đây. Họ đi lên từ một  xã thuần nông có tên là An Đồng. Xa xưa An Đồng là Phố Thá của vùng đất Duyên Hà kiên trung, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1989, chính thức trở thành thị trấn, gánh trên vai trọng trách lớn là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Hưng Hà. Năm 1990, trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Thái Bình khi được Ban Biên tập Báo giao cho về Hưng Hà viết về cây lúa vùng đất cổ, tôi thực sự ngỡ ngàng trước một thị trấn: không có nhiều nhà cao tầng, một cửa hàng ăn uống của “ Mậu dịch quốc doanh”; một hiệu sách nghèo nàn về cơ sở vật chất; phố xã lèo tèo, không bảng hiệu… Vậy mà chỉ 10 năm sau, thập kỷ 90, thị trấn Hưng Hà được thay da, đổi thịt hoàn toàn. Đến nay, cũng ngần ấy năm nữa, một thị trấn xứng tầm với trọng trách trung tâm của huyện Hưng Hà đường như hẹp hơn bởi có quá nhiều nhà cao tầng mọc lên. Đời sống nhân dân khấm khá hơn. Hình ảnh thị trấn của cuối thập kỷ 80, chỉ còn là kỷ niệm, để các thế hệ người dân thị trấn kể chuyện cho con cháu mình nghe.

Anh Điển tâm sự rằng: các thị trấn ở huyện bạn có bề dày năm tháng xây dựng, trưởng thành. Điểm khởi đầu họ không giống thị trấn Hưng Hà. Làm thế nào để đưa thị trấn trở thành đô thị như mong muốn của nhân dân và sự kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền huyện, đó là điều mà các thế hệ lãnh đạo thị trấn luôn suy nghĩ, tìm câu trả lời, tìm con đường đi ngắn nhất. Khai thác lợi thế tiềm năng đất đai, đó là giải pháp thật cần thiết. Nhưng còn có một tiềm năng mà không phải ở đâu cũng có được chính là tư duy năng động, nhạy bén của người đô thị. Cha ông ta từng nói: Phi thương bất phú; người thị trấn phải giỏi kinh doanh. Bây giờ đi dọc đường 39 ở trung tâm thị trấn đã có các tiệm vàng của Xuân Trường, Mão Thiệt; có văn phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại và các cửa hàng kinh doanh, buôn bán của hộ cá thể. Một quần thể văn hóa, một trung tâm giáo dục được đầu tư xây dựng từ trước khi có trụ sở làm việc của chính quyền thị trấn. Khu nào cũng có nhà trẻ, mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia. Cả ba nhà trường đều đạt chuẩn quốc gia, là đơn vị duy nhất của huyện đạt tiêu chí trên; luôn dẫn đầu các ngành học, góp phần đưa giáo dục Hưng Hà từ tốp dưới lên thứ 3 của tỉnh trong năm học 2010 – 2011. Một năm học dành tới 300 triệu đồng để khen thưởng cho giáo viên và 310 học sinh có thành tích cao, cũng là điều hiếm thấy.

Nét nổi bật nhất của thị trấn Hưng Hà là đầu tư xây dựng công trình phúc lợi nhiều, nhưng vẫn là đơn vị duy nhất của tỉnh Thái Bình từ năm 1995 đến nay tự cân đối được thu chi ngân sách. Liên tục 5 năm 2007 – 2011 tổng thu chi ngân sách đạt 99,3 tỷ đồng, bình quân thu chi 19,9 tỷ đồng/năm. Năm 2011 có số thu thường xuyên cao nhất 4,2 tỷ đồng. Bài học của thị trấn là biết phát huy và khai thác triệt để các nguồn thu, nuôi dưỡng các nguồn thu nên cơ cấu thu thường xuyên ngày càng tăng. Đó là lý do hai lần Bộ Tài chính khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác quản lý thu – chi ngân sách.

Một nền kinh tế phát triển, thước đo chính là cơ cấu kinh tế. Một thị trấn có đúng nghĩa là Trung tâm của huyện cũng nhìn từ cơ cấu kinh tế. Nếu như năm 1990, cơ cấu nông nghiệp của thị trấn Hưng Hà chiếm 90% thì đến 2012: cơ cấu công nghiệp – TTCN – XD là 48,8 %; thương mại – dịch vụ 36,9 %, nông nghiệp thủy sản chỉ còn 14,3%. Điều đó, đồng nghĩa với tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế là 5 – 4 – 1. Giá trị sản xuất bình quân 5 năm gần đây đạt 75,5 triệu đồng/ha/năm, năng suất lúa đạt 133,6 tạ/ha/năm. Xây dựng 55 mô hình kinh tế gia trại, trang trại tổng hợp, trồng, cây, con theo quy hoạch vùng tập trung xa khu dân cư. Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm trên 40% giá trị sản xuất nông nghiệp. Cây màu, vụ đông chiếm 50% đến 70% diện tích đất canh tác.

Thế chân  kiềng kinh tế của thị trấn được xem là phát triển khá đồng đều. Nông nghiệp dù chỉ chiếm gần 15% nhưng cũng đã cho kết quả đáng khích lệ như trên. Đối với công nghiệp – TCN – XD đang chiếm xấp xỉ 50% chứng minh hướng đi của thị trấn là đúng quy luật của sự phát triển: Cụm công nghiệp Đồng Tu 26,7 ha đã có 7 doanh nghiệp  đầu tư, tạo việc làm mới và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế của thị trấn theo hướng CNH – HĐH. Thế chân kiềng thứ 3 rất quan trọng là thương mại dịch vụ. Đây là thế mạnh “trời cho” của tất cả các thị trấn.

Ở thị trấn Hưng Hà, do biết khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển, bình đẳng. Đến nay, sau hơn 20 năm từ lèo tèo vài hộ buôn bán nhỏ, thị trấn có trên 1000 hộ kinh doanh, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, tạo ra cho thị trấn một sắc thái riêng. Năm 2010, đã quy hoạch xong Trung tâm thương mại đô thị với quy  mô 15ha, tạo điểm nhấn của bức tranh kinh tế - xã hội của thị trấn, đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán của nhân dân trong và ngoài huyện. Các dự án lớn đang triển khai: Tuyến đường bộ Thái Bình – Hà Nam , các tuyến đường trục huyện Nam Long Hưng – Bắc Long Hưng; Trung tâm thương mại; điểm dân cư đô thị, khu liên hợp thể thao, Trung tâm văn hóa vui chơi,… sẽ tạo nên diện mạo mới của một thị trấn đa sắc màu, hướng tới đô thị hiện đại, văn minh.

Quy luật “gái có công, chồng chẳng phụ” những thành tích đạt được là kết tinh sức mạnh của toàn Đảng bộ, là ý chí của tất cả người dân thị trấn. Là tư duy năng động của đội ngũ cán bộ. Họ chính là những người thợ tài hoa dệt nên bức tranh làm nao lòng người; ấm lòng những người con thị trấn đang làm ăn xa quê. Thị trấn xứng đáng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Phần thưởng của các Bộ, ngành, Trung ương; của tỉnh và huyện Hưng Hà.

Bước vào năm 2013, trước thềm kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển, thêm một niềm vinh dự lớn: Đảng bộ và nhân dân thị trấn Hưng Hà đón nhận Huân chương Độc lập hạng 3, phần thưởng cao quý mà Chủ tịch nước dành cho một đơn vị cấp cơ sở - như thị trấn Hưng Hà.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa