Thứ 6, 22/11/2024, 01:13[GMT+7]

Công tác hiến máu tình nguyện năm 2012

Thứ 2, 04/02/2013 | 08:21:28
911 lượt xem
Năm 2012, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, nhà trường, sự hưởng ứng tham gia của nhân dân, công tác hiến máu tình nguyện đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: THÀNH TÂM

Số người tham gia hiến máu tình nguyện và chất lượng máu được nâng lên so với những năm trước; tình trạng khan hiếm máu trong các dịp cao điểm đã được khắc phục; Ban chỉ đạo Hiến máu tình nguyện của tỉnh đã tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ và phối hợp tốt với ngành Y tế, các bệnh viện, đặc biệt là các ban, ngành, đoàn thể có liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức vận động hiến máu, tiếp nhận, bảo quản máu… Ngày hiến máu đã thực sự trở thành ngày hội của những người có nghĩa cử cao đẹp.

Tính đến 25/12/2012, tổng lượng máu thu nhận trên toàn tỉnh là 9.314 đơn vị, đạt 103,4% kế hoạch năm, tăng 614 đơn vị so cùng kỳ năm 2011; số thu nhận máu tình nguyện năm 2012 là 40 cuộc bằng 7.432 đơn vị, đạt 98,8% kế hoạch năm, tăng 750 đơn vị so cùng kỳ năm 2011; có 8/8 huyện, thành phố tổ chức thu nhận được máu vượt chỉ tiêu so với năm 2011. Các huyện, thành phố thu nhận máu đạt kết quả cao như: Quỳnh Phụ 115,8% kế hoạch, Thành phố 114,2% kế hoạch, Hưng Hà 100,8% kế hoạch, Kiến Xương 113,3% kế hoạch, Đông Hưng 100,4% kế hoạch...

Đặc biệt, huyện Vũ Thư trong năm đã tổ chức được 14 cuộc hiến máu, thu được 531 đơn vị. Công tác hiến máu tình nguyện ở các trường đại học, cao đẳng được triển khai có hiệu quả với nòng cốt là các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, lập ngân hàng máu sống với hàng trăm tình nguyện viên trẻ hoạt động thường xuyên. Trong thực tiễn phong trào hiến máu tình nguyện đã xuất hiện nhiều điển hình như: hai bố con ông Trần Công Minh (Phú Châu - Đông Hưng), bố con ông Đỗ Văn Thực (Tự Tân - Vũ Thư), hai anh em Đặng Văn Linh và Đặng Thị Lan Hương (Tam Quang - Vũ Thư), vợ chồng anh chị Nguyễn Bá Tuấn - Nguyễn Thị Duyên (An Quý - Quỳnh Phụ), … đều tham gia từ 5 lần trở lên. Đặc biệt, sinh viên Nguyễn Việt Triều (Đại học Y Thái Bình) đã 20 lần hiến máu và vận động được hàng trăm người tham gia. 

Công tác tổ chức và chỉ đạo hoạt động của Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện luôn được cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm, củng cố, kiện toàn. Để công tác hiến máu tình nguyện có hiệu quả, Ban chỉ đạo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn Ban vận động hiến máu các địa phương, đơn vị thực hiện việc tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện, chuyển tải được tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia và tổ chức thu nhận máu đảm bảo an toàn. Phong trào vận động hiến máu tình nguyện của các huyện, thành phố từng bước được củng cố, hoạt động nền nếp, tích cực; chỉ đạo thành lập Ban vận động Hiến máu tình nguyện tới cấp xã, phường, thị trấn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính nhân đạo của việc hiến máu cứu người. Năm 2012 thành lập một câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, nâng tổng số câu lạc bộ hiến máu trong tỉnh lên 6 câu lạc bộ, huy động thường xuyên lực lượng tình nguyện viên tham gia tuyên truyền vận động và thu nhận máu.

Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ban Chỉ đạo tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình chỉ đạo hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; đưa tin, bài về các hoạt động hiến máu tình nguyện; nêu gương các đơn vị, cá nhân điển hình trong phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt vào các đợt cao điểm như: Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4), lễ hội Xuân Hồng, Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu (14-6)…, các đơn vị, địa phương đã tiến hành kẻ vẽ hàng nghìn khẩu hiệu, băng biển, panô, áp phích tuyên truyền về công tác hiến máu tình nguyện. Tổ chức dựng phim tài liệu, in, phát hành hàng trăm cuốn sách và hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền về hiến máu nhân đạo cấp phát cho các địa phương, đơn vị.

Đồng thời, mở các lớp truyền thông, tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt tập thể chia sẻ kinh nghiệm về vận động hiến máu tình nguyện với hàng nghìn người tham gia. Nhờ vậy, phong trào hiến máu nhân đạo đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức trong các cơ quan và các tầng lớp nhân dân, mà tích cực nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.

Hiến máu nhân đạo là hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp đầy tính nhân văn, đem lại niềm tin, hy vọng và sự sống cho những người thiếu may mắn. Với ý nghĩa “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, những hoạt động nhằm huy động các nguồn lực tham gia hiến máu nhân đạo ở Thái Bình đã, đang thực hiện là cần thiết, cần được duy trì thường xuyên và nhân rộng.

Phạm Tiên

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

  • Từ khóa