Thứ 6, 17/05/2024, 07:42[GMT+7]

Tết sớm cho những “bệnh nhân đặc biệt”

Thứ 2, 04/02/2013 | 08:25:28
902 lượt xem
Tết sớm ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công dẫu là những suất ăn đơn giản nhưng cũng có đầy đủ hương vị ngày xuân: thịt gà, thịt bò, bánh chưng, miến nấu…

Anh Bùi Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng Nuôi dưỡng Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công chuẩn bị suất ăn cho bệnh nhân

Những “bệnh nhân đặc biệt” này thực tế là những người mà Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công (Sở Lao động – TBXH) đang đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc hàng ngày. Đa phần với họ, ý thức về ngày tết cũng như bao ngày đã qua không có sự khác biệt. Nhưng trong suy nghĩ của lãnh đạo Trung tâm, dù có như thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn có quyền được cảm thụ, được hưởng không khí tết như bao người. Chính vì vậy mới có cuộc điện thoại của Giám đốc Trung tâm Phạm Xuân Vỵ cho tôi: Mời phóng viên về để cùng dự tết sớm đơn vị tổ chức cho bệnh nhân.

Tết sớm ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công dẫu là những suất ăn đơn giản nhưng cũng có đầy đủ hương vị ngày xuân: thịt gà, thịt bò, bánh chưng, miến nấu… Để chuẩn bị, anh Bùi Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng Nuôi dưỡng của Trung tâm cùng các đồng nghiệp của mình – những người trực tiếp đảm nhiệm công tác hậu cần, phải đến sớm hơn thường lệ. Yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Làm việc ở bộ phận này, ai cũng mong bệnh nhân ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn. Trong hơi nóng hầm hập tỏa ra từ chiếc bếp than đỏ rực, mỗi người xắn tay vào một việc, và đến 10 giờ thì gần 150 suất ăn đã hoàn tất.

Tết sớm đến với các “bệnh nhân đặc biệt” đã khép lại năm Nhâm Thìn với nhiều nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công. Môi trường làm việc, đặc thù công việc vốn đã “không giống ai”, chế độ, chính sách còn nhiều bất cập, lại thêm hậu quả của cơn bão số 8…, tất cả những yếu tố đó khiến cho một đơn vị vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhưng không vì thế mà các nhiệm vụ chính trị của cả Trung tâm hay của từng phòng, từng khoa bị sao nhãng hay rơi vào tình trạng “làm cho xong”. Dù vất vả, thậm chí độc hại (do hàng ngày vẫn phải nấu nướng bằng bếp than) song anh Nghĩa và 5 người khác ở bộ phận nấu ăn vẫn cần mẫn với nhiệm vụ của mình, lo đủ hai bữa chính, một bữa phụ trong ngày cho cả trăm con người. Động lực làm việc, theo anh Nghĩa, thì không gì khác ngoài tình cảm, trách nhiệm với những người đang được gia đình, xã hội gửi gắm nơi đây.

Công việc mà anh Nghĩa đảm nhiệm không chỉ liên quan trực tiếp đến sức khỏe bệnh nhân mà còn tác động đến chất lượng công tác điều trị. Chị Phạm Thị Hường, Trưởng phòng Y vụ xác nhận điều này: Bệnh nhân có ăn uống tốt thì việc điều trị mới thuận lợi. Điều trị, điều dưỡng được cấp ủy, ban giám đốc Trung tâm xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Cho dù trang thiết bị phục vụ công việc chuyên môn còn thiếu song bộ phận y tế của Trung tâm vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ: làm tốt công tác quản lý bệnh lý chuyên khoa tâm thần và bệnh lý đa khoa. Duy trì thường xuyên công tác khám bệnh, luôn sát sao với bệnh nhân từ đó phát hiện bệnh kịp thời, điều trị phù hợp, hiệu quả, đã hạn chế được được tình trạng bệnh nhân tái phát cơn tâm thần đồng thời giải quyết được các bệnh lý đa khoa trong điều kiện, khả năng có thể. Điều quan trọng nhất là không để xảy ra tai biến, biến chứng trong quá trình điều trị. Thật hiếm có nơi nào như ở đây, khi mà nhân viên y tế vừa làm nhiệm vụ chuyên môn vừa phải đề phòng bệnh nhân tấn công mình (khi lên cơn, bệnh nhân không làm chủ được hành vi của mình). Chị Hường giải thích rằng, ngoài tâm huyết với công việc, các anh, các chị còn có được sự ủng hộ, động viên từ gia đình, đó là sự cổ vũ tinh thần lớn lao để ngày qua ngày các anh, các chị vẫn gắn bó với công việc được giao.

Nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện, anh Phạm Xuân Vỵ, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công vẫn thường nói những người làm việc ở đây phải có lương tâm và tình yêu thương đồng loại. Và anh nói thêm, lương tâm không phải là cái gì đó quá cao siêu mà ở ngay trong suy nghĩ, hành động hàng ngày, mỗi cán bộ, nhân viên hãy tự hỏi mình đã làm gì được cho bệnh nhân hay chưa, đơn giản vậy thôi. Riêng tôi thì nghĩ rằng, nếu không vì những “bệnh nhân đặc biệt” thì họ đã tìm đường đi khỏi nơi này, để thoát khỏi những công việc nặng nhọc, thậm chí độc hại, để không còn phải làm việc trong điều kiện trang thiết bị thì thiếu thốn, cơ sở vật chất thì xuống cấp, chế độ, chính sách còn nhiều bất cập… 

Bài, ảnh: MINH SƠN

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày