Thứ 6, 22/11/2024, 00:09[GMT+7]

Nữ CNVCLĐ ngành Giáo dục  “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”

Thứ 2, 04/02/2013 | 08:39:47
2,186 lượt xem
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Việt Nam phát động đã được Công đoàn ngành giáo dục chỉ đạo Ban nữ công triển khai, cụ thể hóa thành phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” thu hút đông đảo chị em tham gia, coi đó là mục tiêu phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Giờ lên lớp của cô và trò Trường Tiểu học An Khê (Quỳnh Phụ). Ảnh: NGỌC LINH

Công đoàn giáo dục hiện có trên 26 nghìn người, trong đó nữ là hơn 21 nghìn, chiếm tỷ lệ 81%. Trong những năm qua, phong trào giỏi việc nước, đảm việc nhà của công đoàn ngành giáo dục đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý, cải thiện đời sống vật chất tinh thần, động viên nữ cán bộ, giáo viên, công nhân viên tích cực phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp “trồng” người.

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Việt Nam phát động đã được Công đoàn ngành giáo dục chỉ đạo Ban nữ công triển khai, cụ thể hóa thành phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” thu hút đông đảo chị em tham gia, coi đó là mục tiêu phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và xây dựng gia đình hạnh phúc. Đến nay, toàn ngành giáo dục có tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn là 98,5%, trên chuẩn là 43,6%; tỷ lệ đạt chuẩn của giáo viên các cấp tiểu học, THCS, THPT là 100%. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của ngành được quan tâm xây dựng qua nhiều năm đến nay đã  bảo đảm về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đã được nâng lên. Các chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước được quan tâm vì vậy đời sống của cán bộ giáo viên công nhân viên đã được cải thiện, dần ổn định, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Hưởng ứng phong trào đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng công nghệ thông tin, công đoàn đã phối hợp với chính quyền chỉ đạo các đơn vị trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, dạy học phù hợp với đối tượng học sinh trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông tạo được sự chuyển biến cơ bản trong kiểm tra đánh giá cũng như chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, ban nữ công các cấp luôn quan tâm động viên chị em tham gia viết sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác. Hàng năm, toàn ngành có từ 2.500 – 3.000 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm do nữ làm chủ được ứng dụng trong thực tiễn giảng dạy.  

Song song với  giảng dạy, công tác xây dựng đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa,  phong trào xanh - sạch - đẹp; an toàn vệ sinh lao động được các cấp công đoàn  hưởng ứng. Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở thường xuyên tuyên truyền công tác phòng chống ma tuý - tệ nạn xã hội trong cán bộ công nhân viên chức. Một số công đoàn cơ sở còn tổ chức lồng ghép giáo dục phòng chống ma tuý, HIV/AIDS trong nội dung các môn học có liên quan, giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản và kỹ năng sống cho học sinh. Thực hiện cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kết quả cán bộ, giáo viên, nhân viên đã luôn phấn đấu rèn luyện vươn lên nêu cao ý thức phê bình tự phê bình, luôn tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức thẳng thắn trung thực, chấp hành tốt mọi nội quy, quy định của cơ quan nơi công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, yên tâm công tác yêu nghề gắn bó với ngành, trường lớp.

Giỏi việc trường, các chị còn luôn làm tròn trách nhiệm của người dâu hiền, con thảo, người vợ, người mẹ trong gia đình. Nhiều chị đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo dựng mái ấm gia đình ổn định.Ngoài ra, các chị còn dành thời gian để tham gia các hoạt động xã hội và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tích cực vận động và tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, ủng hộ các loại quỹ như: Quỹ tình nghĩa, Quỹ phụ nữ nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa…Hiện toàn ngành có 8.900 nữ giáo viên đỡ đầu trên 9.600 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật.

Thông qua phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” các nữ nhà giáo, lao động trong ngành đã được rèn luyện, bồi dưỡng và trưởng thành về nhiều mặt. Nhiều nữ nhà giáo từ phong trào đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, nêu cao trách nhiệm của mình đối với gia đình và học sinh. Họ không chỉ làm tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm cô mà còn tổ chức cuộc sống gia đình theo tiêu chí ấm no - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc. Hàng năm, toàn ngành có 87 - 90% tập thể, 90 - 93% cá nhân đạt danh hiệu “Hai giỏi”. Để phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”  tiếp tục đạt được nhiều kết quả cao hơn trong giai đoạn tới, các cấp công đoàn ngành giáo dục tiếp tục  tập trung tham gia với các cấp chính quyền cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập ổn định cho lao động nữ. Trong đó, quan trọng nhất là phải đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của phong trào cho phù hợp với tâm lý của nữ nhà giáo. Gắn kết phong trào với các cuộc vận động lớn trong ngành, đặc biệt là cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và tự sáng tạo” và phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”. Tăng cường vai trò, vị trí của công tác nữ trong các trường học, các cơ sở giáo dục, đồng thời thường xuyên tổ chức, sơ kết, tổng kết phong trào để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến mà cũng để rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục nghiên cứu và chỉ đạo phong trào ngày càng hiệu quả hơn.

Ngọc Mai

 

  • Từ khóa