Thứ 5, 28/11/2024, 17:59[GMT+7]

Sáng tạo trong tuyên truyền mùa dịch

Thứ 2, 20/12/2021 | 11:22:58
1,094 lượt xem
Để người dân tiếp cận kịp thời các thông tin liên quan đến dịch Covid-19, nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố đã sử dụng mạng xã hội truyền tải tình hình dịch bệnh, các trường hợp nguy cơ trên địa bàn, các biện pháp phòng, chống dịch, thông báo công tác tiêm chủng... Cách làm tuy đơn giản nhưng lại mang hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của người dân.

Bà Nguyễn Thị Dung, Tổ trưởng tổ dân phố, Tổ trưởng tổ Covid-19 số 9, phường Trần Lãm thông tin tình hình dịch bệnh tới người dân.

Làm công việc lái taxi, thường xuyên vắng mặt ở nhà nên ông Nguyễn Đình Huyền, tổ 9, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) không thể cập nhật kịp thời những thông tin về tình hình dịch, những trường hợp nguy cơ trên địa bàn… Thế nhưng, từ ngày là thành viên của “Nhóm thông tin chính quyền tổ 9 phường Trần Lãm” do bà Nguyễn Thị Dung, Tổ trưởng tổ dân phố, Tổ trưởng tổ Covid-19 số 9, phường Trần Lãm thành lập qua ứng dụng zalo, ông Huyền có thể nắm được khu vực nào có F0 và trường hợp nào đang phải cách ly, các biện pháp phòng dịch người dân trong tổ dân phố cần thực hiện, ngày tiêm chủng... 

Ông Nguyễn Đình Huyền phấn khởi chia sẻ: Các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, phường, tổ dân phố và diễn biến dịch bệnh tại phường, tổ đều được bà Dung cập nhật lên kịp thời. Do đó, người dân chúng tôi nắm được ngay và nghiêm túc thực hiện. Tôi thấy đây là một sáng kiến tuyệt vời mùa dịch, vừa thông tin kịp thời, đầy đủ, vừa hạn chế tiếp xúc nên người dân chúng tôi phấn khởi lắm, ai cũng hào hứng tham gia nhóm.

Bà Nguyễn Thị Dung cho biết: Việc thành lập “Nhóm thông tin chính quyền tổ 9 phường Trần Lãm” trên zalo xuất phát từ tình hình thực tế, đó là địa bàn rộng, loa tuyên truyền ở nhà văn hóa thuộc đầu tổ dân phố nên những hộ giữa và cuối tổ thường không nghe được thông tin dịch bệnh. Bên cạnh đó, khoảng tháng 10/2021, người ở khu vực miền Nam về đông, dịch diễn biến phức tạp. Để kịp thời thông tin tới người dân những trường hợp, khu vực nguy cơ và các công văn hỏa tốc về những biện pháp phòng, chống dịch của các cấp, tôi đã nghĩ ra việc thành lập nhóm. Sau đó, đến từng gia đình trong tổ xin số điện thoại, kết bạn zalo rồi đưa vào nhóm. Ở tổ dân phố có 301 hộ thì đến nay có gần 200 thành viên tham gia, mỗi thành viên thường đại diện cho 1 gia đình. Những thành viên còn lại chưa tham gia chủ yếu là người không có điện thoại thông minh hoặc người cao tuổi có điện thoại nhưng không biết sử dụng ứng dụng. Việc thông tin qua nhóm rất hiệu quả, những vấn đề phát sinh liên quan đến dịch bệnh đều được cập nhật, chuyển tải kịp thời tới người dân nên họ rất phấn khởi, có ý thức tốt hơn trong phòng, chống dịch. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ngoài việc tuyên truyền trên nhóm zalo, tổ dân phố vẫn duy trì tuyên truyền trên loa phát thanh và lưu động ở các khu vực trọng điểm.

Một trong những nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch được đăng tải trên nhóm. 

Không chỉ ở tổ 9, phường Trần Lãm, một số địa phương trên địa bàn thành phố Thái Bình cũng tận dụng mạng xã hội để thông tin về tình hình dịch Covid-19 hay thông báo các nội dung liên quan đến hội họp, hiếu hỉ. 

Ông Nguyễn Kim Môn, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 4, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Từ lâu, tổ dân phố đã thành lập các nhóm zalo để thông tin về các hoạt động hội họp hay thăm hỏi, hiếu hỉ trên địa bàn. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi thường đăng các thông tin liên quan đến dịch bệnh, việc hướng dẫn cách ly tại nhà, xử lý rác thải… lên các nhóm. Cụ thể, nếu nhà có người cách ly phải sử dụng túi nilon màu vàng, không có túi màu vàng thì dùng màu đen nhưng phải ghi rõ rác thải có nguy cơ lây nhiễm còn rác thải ở những nhà bình thường không cách ly thì đựng vào túi màu trắng hoặc xanh. Nhờ đó, mọi người nắm bắt được ngay, có ý thức hơn trong phòng, chống dịch. Việc tiêm vắc-xin cũng vậy, chúng tôi chỉ cần nhắn trên nhóm là người dân biết, tham gia không phải đến từng nhà thông báo. Tham gia vào nhóm, các thành viên đều phải tuân thủ nội quy rõ ràng, đó là chỉ nhắn vào nhóm theo thời gian nhất định (thường là từ 17 – 21 giờ), trừ trường hợp đặc biệt tránh làm ảnh hưởng đến người khác; việc tham gia nhóm để đánh giá tiêu chí gia đình văn hóa; bỏ giấy mời, thông báo mời họp tận nhà, chỉ nhắn tin trên nhóm khi có việc thực sự cần thiết... Do đó, ai cũng tích cực tham gia. Bên cạnh đó, thông qua nhóm zalo chúng tôi cũng tiếp nhận sự tương tác từ phía người dân khi hỏi về vấn đề tiêm chủng, khai báo y tế…

Với sự tương tác đa chiều, thông tin nhanh nhạy, kịp thời, mạng xã hội đã trở thành một trong những kênh thông tin hiệu quả, là sợi dây kết nối, tạo sự đồng thuận giữa các cấp chính quyền tới người dân. Qua đó, cùng chung sức, đồng lòng thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Hoàng Lanh