Thứ 5, 01/08/2024, 13:18[GMT+7]

Những cặp vợ chồng bộ đội - y tế chung trận tuyến chống dịch

Thứ 7, 25/12/2021 | 09:51:07
1,387 lượt xem
Nước ta đã trải qua đại dịch lần thứ 4 với nhiều hy sinh vất vả của các lực lượng, trong đó có lực lượng quân đội, y tế. Giữa những ngày cao điểm khốc liệt của cuộc chiến với đại dịch Covid-19, đã có nhiều cặp vợ chồng bộ đội – y tế gác lại chuyện riêng, gửi con nhỏ nhờ ông bà chăm giúp để lao vào trận chiến nơi tuyến đầu chống dịch, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng giữ cuộc sống bình yên cho mọi nhà

Ông Phạm Đình Trùm chăm nom các cháu học bài.

Chúng tôi đến thăm gia đình thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Phạm Đình Chiến, công tác tại Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, ở tổ 7 phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình trong một ngày đông lạnh giá... Trong nhà, cậu con trai hơn 3 tuổi, con út của anh chị đang chơi đồ chơi cùng bà nội. Trên bàn học, các cháu lớn của anh chị dưới sự kèm cặp chỉ bảo của ông nội đang chăm chú học bài. Theo chúng tôi được biết, kể từ ngày 10/11 thiếu tá QNCN Phạm Đình Chiến lên đường đi làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 tại biên giới Tây Nam. Ngay sau đó, vợ anh là chị Phạm Thị Duyên, nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cũng được điều động tham gia chống dịch tại bệnh viện dã chiến số 2 của tỉnh Thái Bình. Vì nhiệm vụ nên bao công việc chăm lo gia đình, chăm sóc, đưa đón, dạy bảo các con học hành… anh chị đành nhờ cậy sự giúp đỡ của bố mẹ.

Ông Phạm Đình Trùm, bố đẻ của anh Chiến tâm sự: Kể cũng tội, bố các cháu đi công tác xa hẳn thì không nói, mẹ các cháu tuy làm ngay trong tỉnh thôi mà do đặc thù công việc nơi cách ly cũng chẳng được tranh thủ về thăm con. Chúng tôi cũng cố gắng chăm sóc các cháu hết mình, nhưng các cháu còn nhỏ, nhớ bố mẹ là chúng khóc đòi, tôi và bà ấy phải thay nhau dỗ dành. Thương các cháu còn nhỏ, cần vòng tay, hơi ấm của bố mẹ nên bao tình thương ông bà đều dành tất cho việc chăm sóc các cháu để bố mẹ các cháu yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cũng là cặp vợ chồng bộ đội – y tế đang nơi tuyến đầu chống dịch, vợ chồng thiếu tá QNCN Phạm Trung Kiên đang làm nhiệm vụ chống dịch trên tuyến biên giới Tây Nam và chị Trần Thị Hòa, bác sĩ Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải cũng là điển hình của sự hy sinh tình cảm gia đình để thực hiện nhiệm vụ tham gia chống dịch. Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Hòa bộc bạch: Khi chưa đi tăng cường vào biên giới Tây Nam, anh cũng tranh thủ ngày nghỉ giúp đỡ gia đình được nhiều việc. Nay anh đi xa, bản thân em cũng tối ngày tham gia chống dịch nên không có nhiều thời gian chăm lo đến gia đình. Tuy nhiên đã xác định là vợ bộ đội, em cố gắng sắp xếp, chu toàn việc nhà để anh an tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bác sĩ Trần Thị Hòa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Hoàng chăm sóc bệnh nhân.

Hiện nay BĐBP tỉnh có gần 100 cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các tuyến biên giới của Tổ quốc. Nhiều gia đình cán bộ chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn như con nhỏ, bố mẹ già cả, nhiều người vợ, con ốm đau, thậm chí mắc bệnh hiểm nghèo; có người cả 2 vợ chồng đều cùng trên tuyến đầu chống dịch, để lại con cái cho ông, bà trông nom. Nhớ con cái, gia đình, họ chỉ có thể tranh thủ “gặp nhau” sau giờ làm việc qua zalo, facebook, động viên nhau để mỗi người là điểm tựa vững chắc của nhau, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại tá Vũ Kim Tấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP cho biết: Đến nay BĐBP tỉnh đã có 3 đợt cán bộ chiến sĩ đi tăng cường cho các tuyến biên giới. Qua nắm bắt tâm tư thì 100% cán bộ chiến sĩ đều xác định rõ nhiệm vụ của mình. Số được điều động đi tăng cường đều an tâm về tư tưởng, trong đó có gần 30 đồng chí tự nguyện viết đơn xung phong vào tuyến đầu chống dịch, qua đó thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cũng như hiệu quả công tác tuyên truyền, học tập, giáo dục chính trị tư tưởng ở mỗi cấp đơn vị.

Nhớ lại khi đến thăm gia đình thiếu tá Phạm Đình Chiến, thấy chúng tôi mặc bộ đồ quân phục thân quen, cháu nhỏ con anh Chiến cũng chỉ tay lên bức ảnh của bố bi bô: “Bố cháu cũng là bộ đội. Hôm nào bố về sẽ mua kẹo và đồ chơi cho cháu”. Câu nói ngây thơ của con trẻ cũng làm chúng tôi xao lòng và hiểu các cháu luôn đợi chờ, mỏi mong bố mẹ về, được sà vào vòng tay ôm ấp của bố mẹ, cảm nhận hơi ấm tình cảm gia đình để xua đi chiều đông lạnh giá. Thế nhưng các cháu vẫn phải tiếp tục chờ, bởi dịch Covid-19 đang còn diễn biến vô cùng phức tạp, cả bố và mẹ các cháu đều vẫn đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch để góp phần mang lại hạnh phúc, bình yên cho nhân dân.

Lại Hợp Khánh

(BĐBP Thái Bình)