Thứ 7, 18/05/2024, 02:05[GMT+7]

Chúng tôi làm báo Tết

Thứ 4, 06/02/2013 | 15:53:40
990 lượt xem
Làm báo nói chung, làm báo Tết nói riêng ngày nay ở Báo Thái Bình có nhiều thuận lợi hơn so với những năm trước đây.

Tác nghiệp. Ảnh: DUY ĐÔNG (Thành phố Thái Bình)

Hàng năm, từ rằm tháng Chạp trở ra, các toà soạn đồng loạt phát hành báo, tạp chí, nguyệt san… chào mừng Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Đúng là trăm hoa đua nở, ấn phẩm nào cũng đẹp, bởi nhiều tranh, ảnh minh họa, màu sắc tươi tắn, sáng sủa. Nhiều tờ báo dày hàng chục trang, gần trăm trang đóng thành quyển. Tờ báo nào cũng mong thu hút được sự chú ý của bạn đọc. Đóng góp vào sự thành công của mỗi tờ báo, tạp chí là đội ngũ những người cầm bút chuyên nghiệp.

Làm báo nói chung, làm báo Tết nói riêng ngày nay ở Báo Thái Bình có nhiều thuận lợi hơn so với những năm trước đây. Đường từ toà soạn xuống cơ sở (thôn, làng hay doanh nghiệp) đã được nhựa hóa và bê tông hóa. Điểm xa nhất, cách toà soạn chỉ hơn 40 km, phóng viên có thể đi xe gắn máy, xe buýt  về ngay trong ngày. Cũng địa điểm lấy tài liệu  như  vậy, ngày xưa phóng viên phải mất 2 ngày. Công cụ hỗ trợ hành nghề nay cũng hiện đại. Phóng viên chỉ việc mở máy tính xách tay là có thể chuyển tin, bài, ảnh về toà soạn, trước khi người về đến nơi. Phóng viên thời cũ chủ yếu là đi xe đạp, viết tay và nộp bản thảo cho toà soạn… Hoàn cảnh, điều kiện hành nghề xưa và nay khác nhau một trời một vực; nhưng bản chất “say” nghề và nhiệt huyết của người làm báo chắc chắn không thay đổi.

Cũng chính điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên ngày xưa các toà soạn chuẩn bị ấn phẩm Tết rất sớm. Báo Thái Bình, thường là lo từ tháng 10 âm lịch. Thư ký toà soạn giúp Ban Biên tập xây dựng chủ đề và các trang chuyên đề, chuyên mục. Sau hội nghị toà soạn để mọi người góp ý và chỉnh sửa mới trở thành chính thức. Căn cứ vào đó, Ban Biên tập giao số lượng tin, bài cho từng phòng nghiệp vụ và từng phóng viên. Khâu chế bản và ấn loát trước đây cũng lạc hậu, không được hiện đại hóa như ngày nay. Đặc biệt là việc phân màu điện tử chỉ có thể làm ở Hà Nội và các thành phố lớn. Cơ sở phân màu lại có ít, nên các tờ báo cứ phải xếp hàng.

Trong khó khăn, những người cầm bút càng phát huy kinh nghiệm. Ngay từ đầu năm năm mới, để có tư liệu cho báo Tết Nguyên đán, từng người “ngấm ngầm” chuẩn bị tư liệu riêng. Những năm đầu mở cửa “toàn dân đục tường, xuống đường làm dịch vụ”, một diễn viên đoàn nghệ thuật chuyên đóng vai “mẹ Đốp” trong vở “Thị Màu lên chùa” tham gia phường hụi không chỉ mất cửa nhà mà làm tiêu tán tiền của người khác. Diễn viên này mang tội lừa đảo phải vào trại giam. Phóng viên Nguyễn Đình Tuyến theo dõi khối Nội chính nắm bắt được tư liệu này khá sớm, anh khoe với chúng tôi và quyết định để dành cho bài báo Tết. Báo Tết năm ấy, có bài “Tết này mẹ Đốp đi đâu?”, vừa cảnh tỉnh những người say sưa với vận “đỏ đen” trong dịp Tết đến xuân về, vừa gây tiếng vang với bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Được phân công theo dõi lĩnh vực CN-TTCN, tôi thường xuyên xuống các làng nghề truyền thống viết bài tuyên truyền. Một lần về xã nghề thêu xuất khẩu Minh Lãng (Vũ Thư), tôi chăm chú nhìn vào đôi tay người thợ, phát hiện ra rằng mỗi mũi kim, đường chỉ của người thợ hoàn thành là cảnh sắc hiện ra liền rút bút ghi lại 4 chữ: “Bàn tay hoa nở”, và để dành viết bài cho số báo Tết Nguyên đán.

Năm 1991, tỉnh ta bước vào thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về việc khoán sản phẩm nông nghiệp đến với người lao động (chia ruộng cho các gia đình sản xuất, nộp sản phẩm khoán cho tập thể). Nghị quyết đi vào lòng dân nên sản lượng lương thực tăng rất cao. Nhà nhà vượt sản lượng khoán đã chấm dứt tình trạng đói giáp hạt. Ngay từ khi thu hoạch vụ xuân, tôi đã chuẩn bị tư liệu để viết bài cho báo Tết Nguyên đán với tựa đề “Bát cơm thơm từ mảnh ruộng khoán 10”. Cuối những năm 1990 phong trào nuôi tôm, nuôi ngao ở huyện ven biển khởi sắc. Lợi ích kinh tế từ biển có sức quyến rũ cả những người từ nhiều địa phương khác về với các xã ven biển Tiền Hải. Tôi chú ý ghi lại các tư liệu, các nhân tố điển hình, để rồi Tết Nguyên đán 2001 viết bài “Biển gọi”. Chính vì có ý thức từ sớm và tích luỹ được nhiều tư liệu nên trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn, anh em chúng tôi luôn  hoàn thành sớm kế hoạch nộp bài cho các ấn phẩm Tết.

Hoàng Duy

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày