60 năm hòa nhịp dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam Kỳ 3: Cùng vượt khó tiến lên đổi mới
Cùng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội
Nhà báo Thiếu Văn Sơn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Bình chia sẻ, ông không thể quên những ngày tháng 4/1975 lịch sử, khi ấy khí thế chiến thắng đã dấy lên trong toàn quân, toàn dân. Tin tức chiến thắng dồn dập từ miền Nam đưa về, các số báo đều đưa tin chiến thắng trên trang nhất, các trang trong cũng mở các chuyên mục mới như: Thêm công chăm bón, thêm tạ thóc vàng, mừng miền Nam đại thắng; thi đua mỗi người làm việc bằng hai, mừng miền Nam đại thắng; mừng miền Nam toàn thắng, tỏ lòng nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại Ngày 30/4/1975, Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn giải phóng, công tác chuẩn bị cho số báo mừng chiến thắng đã được lên kế hoạch từ trước, phóng viên được giao viết bài cho số báo mừng chiến thắng khẩn trương về cơ sở, phỏng vấn lấy tư liệu viết bài trong niềm vui khó tả vì biết ngày chiến thắng đã đến. Tuy nhiên, ngày ấy tuần mới có 2 số báo ra thứ tư và thứ bảy, ngày Sài Gòn giải phóng vào 30/4/1975 đúng thứ tư nên cũng phải đến thứ bảy, ngày 3/5/1975, Báo Thái Bình mới ra được số mừng Sài Gòn giải phóng, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đó là số báo được in hai màu, nổi bật bài xã luận “Bằng hành động cách mạng mừng Việt Nam toàn thắng”.
Các số báo sau tiếp tục dành thời lượng phản ánh khí thế thi đua lao động sản xuất “ngày làm việc bằng hai” và đặc biệt là công tác đón bộ đội, thương binh trở về, công tác thương binh và xã hội sau chiến tranh, công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội giai đoạn mới, công tác vận động nhân dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới...
Phải nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đó là chủ trương lớn của Đảng ta sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 7/1975, diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Đại hội đề ra phương hướng hành động: “Từ đất và sức lao động đi ra, từ lúa và lợn đi lên”.
Ông Phạm Ngọc Đáp, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Khi còn là Trưởng ban Tuyên huấn, tôi được giao Chủ nhiệm Báo Thái Bình. Báo Thái Bình luôn bám sát chủ trương của Tỉnh ủy, tuyên truyền toàn diện các vấn đề mà tỉnh đang tập trung cao độ như: tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp song song với đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Để thực hiện tuyên truyền các nhiệm vụ này, Báo có nhiều chuyên mục mới như: từ đất đi ra, cung cách làm ăn mới trong nông nghiệp... Báo Thái Bình tích cực thực hiện nhiệm vụ phát hiện, biểu dương và tổng kết các định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Các mô hình điển hình thời điểm ấy như: HTX nông nghiệp Vũ Thắng, HTX mua bán xã Tây Giang và Nhà máy Đường - Rượu - Giấy Hưng Nhân thường xuyên được phản ánh để các địa phương thi đua, học tập và làm theo, được nhiều địa phương trong cả nước đến tham quan và học tập. Các vấn đề về kinh tế như khoán sản phẩm, phát triển kinh tế gia đình, phát huy quyền làm chủ của người lao động được phản ánh đậm nét dự báo cho một cuộc đổi mới về quản lý kinh tế và các lĩnh vực xã hội khác đang đến gần.
Đóng góp vào con đường đổi mới
Giữa những năm 1980, tình hình trong nước, thế giới diễn biến phức tạp, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng. Tình hình của Thái Bình cũng không nằm ngoài thực trạng đó. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, các nhà báo cũng không nằm ngoại lệ. Phóng viên đi cơ sở bằng xe đạp cà tàng, đường sá còn khá lầy lội, ổ trâu, ổ gà nên mặc dù từ thị xã Thái Bình về nơi xa nhất cũng chỉ trên dưới 40km song họ vẫn thường mất hàng tuần đi cơ sở. Cũng như đội ngũ nhà báo Việt Nam nói chung, những người làm báo Thái Bình mắt đã thấy, tai đã nghe nhiều điều nên những trì trệ, bảo thủ, hạn chế và bất cập của cơ chế quản lý bao cấp sớm được những người cầm bút phát hiện, phản ánh trên báo trước đòi hỏi cho một cuộc đổi mới cần thực hiện. Tháng 8/1985, thực hiện Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng (khóa V) về thực hiện một bước xóa bỏ quan liêu bao cấp, thực hiện tập trung dân chủ chuyển sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, với định hướng của Tỉnh ủy, Ban Biên tập, các phóng viên đã nhanh nhạy vào cuộc phản ánh về các vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế thời điểm đó. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, trước những định hướng đặt ra về đổi mới đất nước, Báo Thái Bình mở chuyên mục “Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đảng”.
Ông Phạm Văn Bài, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ: Thời gian từ năm 1987 tôi làm Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Trước những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, từ những bài giảng Nghị quyết, tôi thường trực tiếp viết thành bài đăng Báo Thái Bình. Các bài viết ngắn gọn lại, cô đọng và phổ thông hóa tinh thần, nội dung Nghị quyết để cho người dân khi đọc cũng thấy dễ hiểu, dễ nhớ. Các vấn đề về đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, tổ chức lại sản xuất, tự hạch toán kinh tế được chú trọng phản ánh.
Nhìn lại thời gian làm báo sôi nổi đó, nhà báo Hải Đăng, nguyên Trưởng phòng Kinh tế Báo Thái Bình chia sẻ: Tôi vốn học đại học kinh tế nhưng đi làm báo, khi được giao thực hiện những bài viết về xóa bỏ bao cấp, tự hạch toán, kinh doanh... khi ấy thì thấy sung sướng lắm. Được phản ánh, được phân tích những đòi hỏi tất yếu của thị trường, của đổi mới tư duy kinh tế tôi có nhiều cảm hứng làm việc. Vì vậy, trong thời gian ngắn, tôi đã thực hiện nhiều loạt bài phân tích về các vấn đề tìm hướng đi mới, cách làm ăn mới. Các vấn đề về sản xuất nông nghiệp như đổi mới quản lý hợp tác xã, khoán 10, đổi mới cơ cấu giống lúa, chuyển lúa chiêm sang lúa xuân, phát triển vụ đông đã được phản ánh đậm nét cổ vũ cho sự đổi mới toàn diện mọi mặt đời sống xã hội mà Đại hội VI khởi xướng và lãnh đạo.
Đại hội VI chỉ rõ phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, đặc biệt sau các bài viết “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L đăng trên Báo Nhân Dân, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, Báo Thái Bình đã mở chuyên mục “Hưởng ứng những việc cần làm ngay trong đó có “Ý kiến nhân dân” là chủ đạo để tiếp nhận, đăng tải, phản ánh các ý kiến, kiến nghị của đảng viên, cán bộ và nhân dân, biểu dương những việc làm tốt đồng thời phê phán các việc làm sai, vi phạm. Với việc phân công tổ phóng viên phụ trách, chuyên mục cũng nhận được sự quan tâm cộng tác của đông đảo bạn đọc trong tỉnh. Ngay sau 2 chuyên mục đầu tiên phản ánh về một số việc tiêu cực đang xảy ra chưa được xử lý, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cao Sĩ Kiêm đã có thư khẳng định đây là nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cũng là những việc cần tập trung giải quyết của tỉnh, yêu cầu các đơn vị được nêu khẩn trương kết luận, xử lý, trả lời công khai trên báo.
Số báo đầu tháng ra từ tháng 7-1989 là tiền đề để ra Nguyệt san Thái Bình .
Nhà báo Thiếu Văn Sơn chia sẻ: Ban đầu khi đăng tải “Ý kiến nhân dân”, một số đơn vị cũng chưa chịu nhận sai, có đơn vị còn kiện Báo Thái Bình, một số việc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phải tổ chức họp, thậm chí vào cuộc kiểm tra song đều kết luận các nội dung báo nêu là đúng sự thật, yêu cầu các đơn vị có vi phạm tiếp thu, sửa chữa. Còn lại, nhiều đơn vị đã có bài tiếp thu phê bình rất nghiêm túc làm chuyên mục càng có tiếng nói hơn. Cùng với “Ý kiến nhân dân”, Báo vẫn duy trì chuyên mục “Chống - xây”. Cái hay ở chuyên mục này là nhiều cái tồn tại, cái chưa tốt được người viết phổ thơ, đọc vừa dễ nhớ vừa thâm thúy. Cùng với đó, Báo Thái Bình cũng mở chuyên mục “Ý kiến giám đốc” để chia sẻ các kinh nghiệm về đổi mới quản lý, tổ chức sản xuất. Nhà báo Thiếu Văn Sơn chia sẻ đó là thời kỳ làm báo còn nhiều vất vả, thiếu thốn song đoàn kết. Anh em phóng viên đi về, có bài viết mới thường đem cho nhau đọc, góp ý, cùng nhau tranh luận cái hay, cái chưa hay. Vì vậy, tin viết rất cô đọng, súc tích, bài không quá 800 chữ, tính phê bình trên báo cao.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, ở một số năm, một số thời điểm, công tác tuyên truyền trên mặt báo bắt đầu đi vào lối mòn, nội dung mờ nhạt, số lượng chuyên mục giảm so với thời gian trước. Trước công cuộc đổi mới toàn diện trên đất nước và những yêu cầu về thông tin, từ tháng 7/1989, Báo Thái Bình xuất bản thêm số đầu tháng, 8 trang. Đó là số báo viết “thoáng tay”, có trang văn nghệ, nhiều câu chuyện cảnh giác, bài điều tra, phê bình, hình thức trang báo được trình bày hấp dẫn hơn để thấy cùng với đòi hỏi về đổi mới toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Báo Thái Bình cũng đang bước vào công cuộc đổi mới vĩ đại của đất nước.
(còn nữa)
Trần Hương
Tin cùng chuyên mục
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” 03.08.2024 | 20:28 PM
- LỜI CẢM TẠ 05.06.2024 | 12:40 PM
- Lấy ý kiến nhân dân đối với các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, Huân chương các loại, các hạng 06.03.2024 | 11:06 AM
- Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc tết một số địa phương, đơn vị 06.02.2024 | 18:43 PM
- Thăm hỏi, động viên gia đình chiến sĩ công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ 23.09.2023 | 15:05 PM
- Hướng dẫn cách thay ảnh đại diện có kèm avatar frame ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2023 21.09.2023 | 16:00 PM
- Chuyển đổi số báo chí, bài học và kinh nghiệm rút ra 09.08.2023 | 22:20 PM
- Ngày đón anh trở về 26.07.2023 | 16:31 PM
- Hội LHPN huyện Vũ Thư: Tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ 23.07.2023 | 09:50 AM
Xem tin theo ngày
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước