Thứ 5, 01/08/2024, 11:18[GMT+7]

60 năm Báo Thái Bình (1/1/1962 - 1/1/2022)

Thứ 7, 01/01/2022 | 16:18:49
3,051 lượt xem
Từ khi xuất bản số đầu tiên (ngày 1/1/1962) đến nay, Báo Thái Bình đã trải qua quá trình xây dựng, phát triển toàn diện về nội dung, hình thức trên cả báo in và báo điện tử, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên luôn đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng Báo Thái Bình xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình.


Ông Phạm Ngọc Đáp, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Báo Tiến Lên

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Báo Thái Bình đều có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung cũng như công cuộc đổi mới, làm tròn sứ mệnh đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh. Từ tờ Tin Thái Bình xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, đến nay Báo Thái Bình phát triển cả báo in xuất bản hàng ngày và báo nói, báo hình trên báo điện tử. Tuy nhiên, để bắt kịp nhịp đập xã hội, lan tỏa, tạo hiệu ứng định hướng dư luận đòi hỏi mỗi phóng viên phải thâm nhập vào thực tiễn, cập nhật thông tin nhanh nhạy, có quan điểm trước các vấn đề xã hội. Đặc biệt, hiện nay công nghệ phát triển vượt bậc thì Ban biên tập, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật cũng phải thích ứng cho nhanh, cho kịp thời thì mới phục vụ tốt được nhiệm vụ chính trị.

Ông Hà Công Toàn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nguyên Tổng biên tập Báo Thái Bình

Báo Thái Bình là báo Đảng địa phương sớm ra đời trang thông tin điện tử. Đặc biệt, ngày 1/8/2014 báo in tăng lên xuất bản nhật báo. Đó là sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể Báo Thái Bình. Song điều rất quan trọng là sự quan tâm, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tăng biên chế cho Báo Thái Bình, bố trí kinh phí, đầu tư trang thiết bị để Báo thực hiện nhiệm vụ. Giờ đây, báo in đổi mới cả nội dung và hình thức, báo điện tử phát huy thế mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình truyền hình trực tiếp, bản tin truyền hình, phát thanh, tăng cường chuyển tải tác phẩm trên các nền tảng xã hội zalo, facebook… giúp người dân tiếp cận nhanh nhất, chân thực nhất. Tôi thấy Ban biên tập đi đúng xu hướng khi xác định báo in là chủ lực, báo điện tử là kênh thông tin mũi nhọn.

Ông Lê Trọng, nguyên Tổng biên tập Báo Thái Bình

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cán bộ, phóng viên Báo Thái Bình bám sát cơ sở, vượt qua bom đạn hiểm nguy để có những tin bài, những bức ảnh sinh động, chân thực. Phóng viên thời đó chủ yếu đi bộ, xuống cơ sở thời gian ít cũng phải hàng tuần, nên tin không cập nhật được như bây giờ, song thế mạnh của Báo là các chuyên đề thảo luận, phản ánh dài hơi, đặc biệt chú trọng các bài xã luận. Bấy giờ cán bộ xã, cán bộ huyện chỉ đạo công việc, chỉ đạo phong trào theo xã luận nên từng câu, từng chữ trên Báo viết gì là người ta làm theo, vì thế thông tin phải bảo đảm tuyệt đối chính xác, đòi hỏi người làm báo phải đề cao trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng.

Ông Bút Ngữ, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Thái Bình

Báo Thái Bình luôn được Bác Hồ quan tâm. Đọc Báo Thái Bình thấy nơi làm sai, người làm sai Bác phê vào đó là “phê bình”; những nơi làm tốt Bác gợi ý tiếp tục làm tốt. Bác đã thưởng Huy hiệu cho 67 người tốt, việc tốt. Ngày 1/1/1962, Báo Tiến Lên ra số đầu tiên, cũng năm đó Thái Bình vinh dự được đón Bác về thăm. Bác góp ý đặt tên như thế nào để cho nhìn qua biết là tờ báo của Thái Bình. Đến đầu năm 1963, Báo Tiến Lên đổi tên thành Báo Thái Bình Tiến Lên. Ngày đó Báo Thái Bình Tiến Lên đã phản ánh kịp thời góp phần cổ vũ, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua ở các địa phương. Tôi rất mừng vì Báo vẫn tiếp nối tinh thần là lấy cái tốt át cái xấu, có nhiều bài viết về gương người tốt, việc tốt, đúc rút, tổng kết thực tiễn nhưng cần nhiều hơn nữa vì báo Đảng thì tính định hướng, tính cổ vũ rất quan trọng.

Ông Thiếu Văn Sơn, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Thái Bình, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Bình

Ngày đó cơ sở vật chất của Báo Thái Bình còn nghèo nàn, thiếu thốn, song anh chị em bó bện, đoàn kết. Mặc dù mỗi người xuất thân trở thành nhà báo ở hoàn cảnh khác nhau, trình độ còn chênh lệch song ý thức trách nhiệm rất cao, luôn ủng hộ, giúp nhau trong công việc. Khi có bài viết thì cùng đọc cho nhau nghe, cùng nhau phân tích, góp ý cho bài viết tốt hơn. Dõi theo Báo Thái Bình tôi rất phấn khởi bởi sự tiến bộ vượt bậc của thế hệ tiếp nối. Như tôi năm 1975 chỉ có một tác phẩm đạt giải báo chí toàn quốc thì nay các phóng viên trẻ mỗi năm đều gặt hái được nhiều tác phẩm đạt giải cao tại giải báo chí quốc gia, giải búa liềm vàng.

Sự ghi nhận, đánh giá cùng những định hướng, góp ý của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương, đơn vị và các đồng chí lãnh đạo Ban biên tập, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên qua các thời kỳ dành cho Báo Thái Bình chính là động lực, nguồn cổ vũ, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay. Kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp 60 năm qua, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên cơ quan Báo Thái Bình tiếp tục đoàn kết, tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững tôn chỉ, mục đích của tờ báo, nỗ lực phấn đấu không ngừng để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, hiện đại, thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, hòa nhịp cùng sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cả nước.

BAN BIÊN TẬP BÁO THÁI BÌNH




  • Từ khóa