Thứ 5, 01/08/2024, 09:12[GMT+7]

“Chị phụ nữ”

Thứ 3, 18/01/2022 | 08:22:36
1,780 lượt xem
Đó là cách gọi thân thương mà nhiều hội viên, phụ nữ và người dân dành cho các chi hội trưởng chi hội phụ nữ. Họ là những cán bộ nhiệt tình, tận tâm với công việc, gần chị em nhất, xây dựng phong trào của phụ nữ ở cơ sở với nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả.

Gia đình chị Phạm Thị Họa thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm từ sản xuất nông nghiệp.

Làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lại Xá, xã Minh Lãng (Vũ Thư) đã hơn 10 năm, bà Lại Thị Rự đã triển khai nhiều phong trào, mô hình ý nghĩa, trong đó phải kể đến mô hình thu gom phế liệu gây quỹ tình thương. Bà cho biết: Chi hội Phụ nữ thôn Lại Xá triển khai mô hình thu gom phế liệu gây quỹ tình thương từ năm 2019. Ban đầu, nhiều chị em chưa ủng hộ. Tôi và các chị trong Ban Chấp hành Chi hội xác định để xây dựng được mô hình bền vững, hiệu quả, trước hết cán bộ phải gương mẫu, làm sao để chị em cũng như người dân biết và được hưởng lợi từ mô hình. Khoảng 2 - 3 tháng một lần, Chi hội đi thu gom phế liệu tại các gia đình và mang bán, lấy tiền đó tặng phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Mỗi lần như thế, nguồn thu phải được công khai, minh bạch. Đến nay có khoảng hơn 70% hội viên phụ nữ ở thôn Lại Xá tham gia mô hình này. 

Bà Bùi Thị Tuất cho biết: Thấy bà Rự thu gom chai lọ nhựa, giấy loại, tôi và nhiều người khác cũng làm theo. Chúng tôi chỉ việc để gọn các vỏ chai, lon bia vào, vừa sạch sẽ nhà cửa mà cũng đóng góp được chút ít cho phong trào. Việc trồng, chăm sóc đường hoa cũng thế, các chị phụ nữ thôn, xã đều gương mẫu đi đầu, sạch làng, đẹp ngõ nên chúng tôi phấn khởi, tự giác làm theo.

Cũng như bà Rự, nhiều chi hội trưởng phụ nữ không có phụ cấp, ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng có chung nhiệt huyết, lòng thương yêu mọi người, nhất là với những trường hợp hoàn cảnh khó khăn. Qua thực tiễn từng lúc, từng nơi, từng trường hợp cụ thể, các chị tự trau dồi kỹ năng, trở thành bạn của những hoàn cảnh khó khăn, đồng thời là cầu nối gần nhất, tuyên truyền nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, các phong trào, hoạt động hội tới chị em, lắng nghe tâm tư chị em và cộng đồng. 

Chị Phạm Thị Họa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bương Hạ Tây, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) cho biết: Tôi có 30 năm sinh hoạt hội, 5 năm làm Chi hội trưởng. Lúc đầu chỉ nghĩ mình vào hội cho có đoàn thể thôi, dần dần được chị em tín nhiệm, bầu làm Chi hội trưởng. Để đưa phong trào tới chị em, phải hiểu từng hoàn cảnh, gắn hoạt động, phong trào đó với từng người. Ví như trong cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới, phải để chị em hiểu, gắn cụ thể vào mỗi gia đình như phát triển kinh tế, giữ vệ sinh môi trường cũng là góp phần xây dựng nông thôn mới. Bản thân là Chi hội trưởng, trước tiên tôi phải am hiểu, gương mẫu đi đầu trong các phong trào. Tích cực hưởng ứng các nhiệm vụ công tác hội, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 200 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp và có 1 xưởng mộc tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động. Với tinh thần “Thương người như thể thương thân”, tôi vận động thành lập “Hội tình nghĩa”, quy tụ 60 thành viên với gần 100 triệu đồng tiền quỹ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế; thăm hỏi, động viên hội viên và người thân khi ốm đau, qua đời...

Thực tế, nếu trước kia ít địa phương có nhà văn hóa thôn thì chi hội trưởng tổ chức sinh hoạt hội ngay tại nhà mình hay nhà chị em nào đó trong thôn. Các chị bàn từ việc nhỏ là vận động trẻ đi uống vitamin A đến việc hiến đất làm đường, xây “Mái ấm tình thương” cho hội viên, phụ nữ khó khăn... Những việc không ít người cho là “bao đồng”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thì các chị nhận về mình: quét đường, trồng cây, phân loại rác, bán phế liệu tạo quỹ... Hiện nay, các chị đang là những người hăng hái, tận lực trong tuyên truyền, vận động phụ nữ, người dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại địa bàn. Nhiều chi hội trưởng còn tham gia tổ hòa giải, gia đình các chị trở thành “địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”. Các chị có cách làm riêng của mình để nắm bắt thông tin, tiếp cận, chia sẻ, động viên, phân tích để đối tượng hiểu được đúng, sai, phải, trái, từ đó nhiều gia đình tránh được đổ vỡ, nhiều chị em vượt qua được áp lực tinh thần để xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

Toàn tỉnh hiện có 1.797 chi hội trưởng phụ nữ thôn, tổ dân phố. Sự tham gia của các chị trên nhiều mặt trận đã khẳng định đội ngũ cán bộ phụ nữ cơ sở có bản lĩnh, tâm huyết, có khát vọng cống hiến cho công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.


Xuân Phương