Thứ 7, 04/05/2024, 07:00[GMT+7]

Lá thư cuối cùng của cháu bé bị ung thư

Thứ 3, 26/02/2013 | 10:37:59
1,175 lượt xem
Theo yêu cầu của chúng tôi, cô giáo Lê Thị Hoài, Trường THCS Thụy Tân (Thái Thụy) nhân vật trong bài báo “Em đã sống, bởi vì em đã thắng” chuyển cho lá thư của cháu Nguyễn Mai Anh, bị bệnh ung thư. Lá thư cháu viết trên giường bệnh đề ngày 18/12/2001, chỉ ít ngày sau đó, cháu mãi mãi đi xa vào cõi vĩnh hằng, khi mới tròn 16 tuổi. Được sự đồng ý của cô giáo Hoài, chúng tôi xin lược đăng lá thư của cháu Mai Anh.

Ngành Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Thái Thụy về thăm và tặng quà cô giáo Lê Thị Hoài, trường THCS Thụy Tân.

 “Hà Nội, ngày 18/12/2001.

Cô kính yêu của con! Con không biết viết gì và nói gì với cô trước lúc chia tay đây nhỉ? Con muốn khóc và ôm chặt cô vào lòng để bớt buồn và quên đi nỗi sợ hãi vì con và cô đã phải chịu biết bao nỗi khổ về bệnh tật và nỗi đau về thân thể khi phải chịu đựng những cơn đau ghê gớm khi phải phẫu thuật cô nhỉ. Con viết bức thư này là con biết lần cuối cùng con sắp phải chia tay cô và có lẽ, có thể con phải vĩnh biệt cõi đời này. Ngày mai, con được bác sĩ cho ra viện, mà nói đúng hơn là bác sĩ trả con về quê mẹ, khi mà không thể cứu được con nữa rồi cô ơi. Con không trách ai cả, cha mẹ con cũng đã vì con hết sức rồi. 5 tháng nằm viện với cô, con cảm phục và quý mến cô nhiều lắm, cô đã yêu thương con như con ruột của mình. Con nhớ lại, khi vào nhập viện người nằm chung một giường lại có cả con trai nữa chứ, con vùng vằng đòi nằm một mình, không phải con tham lam chỗ ngủ đâu, mà con xấu hổ, cô đã nhường giường cho con ra hành làng nằm, giờ con ân hận lắm cô ơi. Con nhớ những buổi tối, con nhớ cha mẹ, thầy cô, con nhớ bạn bè, con đã khóc vì lúc đó con mới 16 tuổi, con đang là học sinh lớp 9, con đã phải nghỉ học để chữa bệnh. Đau lắm, sợ lắm khi con và cô phải truyền hóa chất, cứng hết  người, tóc rụng không còn một sợi, khóc xong lại nhìn nhau cười, cứ như vậy, ngày tháng trôi đi, trôi mất cả tuổi học trò; còn cô trôi mất tuổi xuân đang rực rỡ. Con thích học bằng bạn bè nên con khóc suốt và thế là cô đến bên con bắt đầu dạy con học. Lúc đầu là cô dạy còn đọc thơ, làm thơ con cóc, rồi cô dạy con học bài từng chương một. Cô giỏi văn thật đấy, cô dạy con làm toán... Thế là cô, cháu mình thành lớp học; cô đùa con bảo đấy là lớp bình dân học vụ. Con chẳng hiểu gì, về nhà hỏi mẹ và con đã hiểu lớp học đầy tình yêu thương mà cô dành cho con. Nhiều đêm, con biết cô nhớ hai em nên cô không ngủ, cô đã ra hành lang khóc suốt đêm, còn con thì cứ tưởng cô đau, có đêm cô ôm con vào lòng hát ru để con ngủ, nhưng cô lại khóc, con nhớ lắm, khi con truyền hóa chất cả con và cô đều sợ, cô yếu nên ngất đi nhiều lần, nhưng khi tỉnh dậy cô lại hát cho con nghe, con bớt tủi thân, bớt nhớ nhà, bớt sợ hãi và quyết tâm chữa bệnh. Mỗi chiều thứ 7 cả con và cô chỉ mong nhận thư nhà, nhưng con thấy cô nhận được nhiều hơn con và rồi con và cô cùng đọc thư chung, vui thật cô nhỉ. Chữa bệnh mãi hết cả tiền, tiền ăn không có, cùng buồng bệnh hai cô cháu mình là nghèo nhất phải không cô. Nhiều lúc hết tiền ăn rồi mà người nhà chưa gửi lên cho, ăn củ khoai tạm qua ngày, nghĩ cực lắm cô nhỉ... Nhưng mà, cô cháu mình nghèo mà lại chê không ăn thịt mới lạ chứ, có người tưởng ta oai, nhưng thực tế truyền hóa chất rồi không ăn được nữa. Cả hai cô cháu uống chung ly sữa, ăn chung cái bắp ngô mà vui. Con nhớ đêm trước khi cô mổ lại, con đã ngồi cầu nguyện để cô được sống. Một đêm con không sao chợp được mắt, con chỉ sợ cô ra đi, để lại mình con trên cõi đời này. Nhưng trời đã phù hộ cô và cô đã tỉnh lại, con mừng rơi nước mắt. Cô đã nằm bất động 6 ngày trời, con thương cô lắm. Lúc nào tỉnh, cô lại gọi tên hai em, gọi tên con. Đúng ngày sinh nhật con, cô đã nhờ người mua tặng con 2 cái bím tóc và cả một quyển sổ tay, cô bảo: Con tập làm thơ và từ ngày đó, ngày nào con cũng có bài thơ tặng cô. Con biết, cô đã bán hết tất cả để chữa bệnh rồi, nhiều ngày cả con và cô ở đây một mình tự phục vụ nhau. Ông trời sinh ra con và cô sao không cho mạnh khỏe mà bắt tội con và cô không biết. Con nhớ chiều thứ 7, con nhanh chân chạy lon ton, mang thẻ bệnh nhân ra lấy cơm và cháo nhân đạo do nhà chùa Quán Sứ và các nhà hảo tâm phát. Con và cô ăn cơm nắm ngon thật đấy, nhưng con buồn nên con khóc, cô hỏi con: Ăn cơm không ngon sao, thì con lắc đầu, vì con nhớ bữa cơm gia đình. Cô nghẹn ngào và không nuốt nổi nữa vì nhớ hai em, con lại tưởng cô chê cơm không ngon. Người ta đến thăm nhau và tặng hoa thì con và cô ra hành làng ngồi, cô sợ tủi thân nên đã kéo con ra cùng, lúc đó con không hiểu ý, nhưng rồi con hiểu là ở đó còn khổ hơn nhiều. Hứa với cô là con sẽ về thăm quê cô, nhưng không được nữa rồi cô ơi. Con bị di căn phổi mất rồi. Cô bảo con là do bị cảm lạnh, nhưng con biết mà, ngày mai con về rồi, ai lấy cơm nhân đạo chiều thứ 7 cho cô, ai dắt cô đi chơi, ai kể chuyện cô nghe, ai... Cô ơi, con nhớ cô hơn cả bố mẹ mình. Con không dám nói vì sợ cô khóc, nhưng con viết thư này con tặng cô tài khoản có giá trị nhất cuộc đời cho cô, cái thẻ bệnh nhân để lĩnh cơm ấy mà. Cô cầm lấy cho con để lấy cơm chiều thứ 7. Cô cứ lấy xuất của con ăn cho khỏe cô nhé, hoặc cho một bệnh nhân nào nghèo như con nhé. Giá con có tiền con tặng hết cho cô, nhưng sao nhà giáo mà nghèo thế cô nhỉ. Chiếc áo ấm cô cho con, bây giờ con gửi lại cô để chống chọi cái rét Hà Nội cô nhé. Con biết con đường cô đi còn vất vả, nhưng cô cố gắng lên, nhớ là không được khóc đấy; cô bảo khóc là hèn nhát mà. À cô ơi, con về nhưng con cũng không khóc đâu, con sẽ đi thăm bạn bè, gia đình, thăm cô giáo của con và kể cho họ nghe về cô nữa. Bác sĩ họ quan tâm đến cô cháu mình, nhưng không có tiền là hết thuốc. Cô ơi, con sắp chết mất rồi, con sợ lắm, nhưng cô lại bảo con là chết là vĩnh hằng, con muốn sống khỏe mạnh, con đi lĩnh thuốc để ra về, mà lòng con không sao rời nổi hình ảnh của cô, người mẹ hiền. Con còn 13 nghìn đồng, con gửi cô mừng tuổi hai em bé nhé; chắc nó nhớ cô lắm đấy, cô không được buồn. Con mong con sống được mấy tháng nữa, con sẽ trở lại thăm cô. Nếu sau này, con được sống, con cố gắng sẽ là người vĩ đại; con sẽ xây bệnh viện chữa bệnh cho người nghèo. Con phải về rồi, cô ơi! Con nhớ cô lắm. Con cảm ơn cô là những tháng, ngày con bên cô chữa bệnh, cô là bạn, là cô giáo dạy con, chỉ khác là lớp học của con và cô không có bảng đen, phấn trắng. Con đường con đi đã hết mất rồi. Con chúc cô mạnh khỏe ra viện về với hai em bé. Cô ơi con nhớ cô lắm. Cả con và cô không được chết đâu nhé, nhớ ăn khỏe. Cô ơi, hãy ôm chặt lấy con một lần cuối cùng cô ơi, con thương cô nhiều: “Đêm Hà Nội đầy thương nhớ/ Đêm Hà Nội không ngủ/ Đêm Hà Nội không quên cô”.

Con gái nuôi của cô!

Nguyễn Mai Anh

Phạm Viết Thanh

(Lược ghi)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày