Thứ 7, 11/01/2025, 18:51[GMT+7]

Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 Ngành y tế Thái Bình vững bước đi lên

Chủ nhật, 27/02/2022 | 19:51:32
4,236 lượt xem
Năm 2021 đã đi qua với nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Song với nỗ lực của toàn ngành, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo Sở Y tế tiếp nhận trang thiết bị, vật tư y tế ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

10 kết quả nổi bật của ngành 

Một là, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Y tế đã tham mưu kịp thời các văn bản, phương án, kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với chỉ đạo của Trung ương, diễn biến dịch bệnh và điều kiện của tỉnh, bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, vừa ngăn chặn, khống chế vừa thu dung, cách ly, điều trị, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hai là, từng bước củng cố, nâng cao năng lực mạng lưới xét nghiệm Covid-19. Toàn tỉnh hiện có 7 cơ sở đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị để triển khai xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR. Công suất xét nghiệm có thể đạt hơn 1.900 mẫu đơn/ngày. Bên cạnh đó, triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đúng tiến độ, an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.  

Ba là, ngành y tế đã hoàn thành 2/12 nhiệm vụ trong chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và thực hiện 6/18 nội dung trong chương trình hành động của Sở Y tế thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Một số chỉ tiêu y tế vượt kế hoạch đề ra như: số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 13,5/10.000 dân, số giường bệnh đạt 40/10.000 dân.

Bốn là, 100% thủ tục hành chính về lĩnh vực y dược, an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, y tế dự phòng thuộc thẩm quyền giải quyết được xử lý kịp thời, đúng quy trình. Triển khai 55 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 64 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lên mức độ 4 (đạt tỷ lệ 98%).  

Năm là, tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế; phê duyệt danh mục vị trí việc làm, số lượng người làm việc và hạng viên chức tối thiểu của các cơ quan, đơn vị thuộc Sở; quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của trung tâm y tế huyện, thành phố.

Sáu là, phát triển nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị bệnh như: phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch kín, bít ống động mạch bằng dù trên, chụp mạch xóa nền hai bình diện (DSA), làm cầu nối chủ vành, chụp mạch máu DSA kết hợp can thiệp nội mạch... 

Bảy là, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ hai).

Tám là, tăng cường ứng dụng TeleHealth trong khám chữa bệnh từ xa, đặc biệt là trong tư vấn, hội chẩn điều trị bệnh nhân Covid-19. Tin học hóa các hoạt động chuyên môn. Năm 2021, ngành đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án khám chữa bệnh từ xa.  

Chín là, thực hiện mua sắm vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm và phòng, chống dịch Covid-19 đúng quy định, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở điều trị Covid-19 nặng theo mô hình tháp điều trị 3 tầng.

Mười là, chủ động, linh hoạt phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được đề ra

Năm 2022, đứng trước nhiều cơ hội và khó khăn, thách thức, ngành y tế quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu như: triển khai chiến lược y tế nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ hàng đầu, trên hết, trước hết, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả. Triển khai các giải pháp giúp phục hồi, ổn định và phát triển sau dịch Covid-19; phối hợp tốt với các cấp, ngành, địa phương triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân gắn với chương trình sức khỏe Việt Nam và các đề án, chương trình, dự án. Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới y tế các tuyến; tiếp tục thực hiện đề án phát triển các cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và điều trị ngoại trú một số bệnh không lây nhiễm tại 42 cụm trạm y tế xã trong tỉnh. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh các tuyến. Chỉ đạo các bệnh viện bám sát bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng, chống các dịch bệnh tại tuyến y tế cơ sở. Xây dựng mô hình điểm về khám, điều trị, quản lý một số bệnh tại cộng đồng.

Nhiều kỹ thuật mới được triển khai góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác dân số và phát triển. Tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và truyền thông dân số tỉnh Thái Bình đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án về công tác dân số và phát triển, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em... Phát triển nhân lực y tế, khoa học - công nghệ y tế. Phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực ngành y tế Thái Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế bảo đảm hợp lý về số lượng, cơ cấu, nhất là y tế cơ sở. Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên sâu; triển khai các sáng kiến, đề tài khoa học phù hợp với mục tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật của đơn vị. Phát triển hệ thống thông tin y tế và giáo dục sức khỏe. Thực hiện tốt công tác dược, vật tư, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 68/ QĐ-TTg, ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn. 

Triển khai kỹ thuật phẫu thuật tim mạch cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Thái Bình. 

Ngoài ra, ngành tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế; nâng cao năng lực quản lý hoạt động chuyên môn; thực hiện tốt công tác cấp, quản lý chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; rà soát, bổ sung, bãi bỏ và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực y tế. Kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát của ngành, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng, đủ năng lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Xây dựng y tế dự phòng của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Đổi mới công tác tài chính và đầu tư. Tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho y tế; dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng; bảo đảm đủ kinh phí cho hoạt động thường xuyên của trạm y tế xã, phường và phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, tổ dân phố. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác công - tư. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế. Xây dựng cơ chế kiểm soát giá dịch vụ của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân... 

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, ngành y tế sẽ tích cực chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động sát thực gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, triển khai các hoạt động đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Phạm Quang Hòa

(Giám đốc Sở Y tế)