Thứ 5, 28/11/2024, 05:46[GMT+7]

Covid-19 từ góc nhìn của mẹ

Thứ 2, 07/03/2022 | 18:19:06
9,855 lượt xem
Mẹ chồng tôi năm nay đã sang tuổi 85. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng “trộm vía” mẹ vẫn luôn chân luôn tay gần như ngày nào cũng vườn tược. Mẹ bị huyết áp cao, tim mạch nên với suy nghĩ của người có bệnh nền thì Covid-19 là điều rất đáng lo ngại.

Mẹ trò chuyện video qua messenger khi con, cháu bị cách ly vì Covid-19.

Nỗi sợ Covid-19 bớt dần theo thời gian

Năm 2021, khi dịch Covid-19 lên đỉnh điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh Trung (con bác ruột tôi) sau 3 ngày phát hiện bị Covid-19 thì qua đời. Anh Trung bị huyết áp cao thời điểm đó chưa được tiêm phòng vắc-xin, khi đưa vào bệnh viện thì đang quá tải. Anh Trung ra đi ai cũng bàng hoàng bởi anh vốn dĩ to khỏe (nguyên là võ sư, đại tá công an nghỉ hưu 57 tuổi). Với gia đình tôi, và nhất là với mẹ thì Covid-19 rất đáng sợ.  

Tết Nhâm Dần, mặc dù báo chí đưa tin tại TP Hồ Chí Minh số ca mắc Covid-19 thấp kỷ lục; tại Thái Bình dịch tiếp tục được kiểm soát, song với mẹ tôi đó vẫn là cái tết “không trọn vẹn” bởi các con cháu không về đông đủ như mọi năm. Hai vợ chồng cô út và các cháu ở bên Séc không về được do dịch bên đó đang bùng phát. Ở Việt Nam, vợ chồng chị ba ở Long An cũng chỉ điện thoại chúc tết vì nếu về cách ly 14 ngày nên không thu xếp được. Hôm tất niên, mẹ dơ tay nhẩm tính những đứa cháu vắng mặt trong đó nhắc nhiều đến cô cháu gái bên Séc. Mẹ bảo thiệt thòi chỉ vì Covid-19 mà đám cưới không tổ chức được như ý, rồi chẳng biết đến bao giờ mới được về Việt Nam báo hỷ. Mẹ thở dài “đúng là Covid ảnh hưởng quá nhiều”.

Ra Tết 1 tuần, bố mẹ tôi đã tiêm phòng vắc-xin mũi thứ 3. Cuối tuần tôi về quê, hàng xóm vẫn sang chơi chuyện trò. Thấy tôi lo lắng nhắc mẹ bệnh nền tuổi cao nên hạn chế tiếp xúc, mẹ nói: bố con vừa vào Báo Thái Bình điện tử xem bản tin Covid-19 thấy bảo tỉnh mình tỷ lệ người đã được tiêm phòng cao là tốt rồi. Tôi hiểu thông tin đó chỉ là phần nào cho sự yên tâm của mẹ, cái chính là mọi người trong gia đình và bà con trong xóm vẫn ổn.

Nỗi lo lớn dần khi ảnh hưởng hệ lụy của Covid-19

Bước sang tuần thứ 2 sau tết Nguyên đán, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Bắc, số ca dương tính với Covid-19 đã tăng lên đột biến. Vì số lượng ca F0 tăng quá nhanh, các bệnh nhân F0 ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng được điều trị tại nhà và được hướng dẫn điều trị theo phác đồ của y tế cơ sở. Có nhiều gia đình, số người F0 đông hơn người F1. Gia đình tôi và các anh chị của mình cũng nằm trong số đó. Cũng vì thế đã 3 tuần nay, bố mẹ tôi không gặp các con cháu. Đối với gia đình tôi, sau khi con trai nhiễm Covid-19 từ trường học về, mặc dù đã cách ly phòng riêng song 2 ngày sau thì tôi lại trở thành F0 do bị cảm sức đề kháng kém nên nhiễm bệnh trong lúc chăm sóc con. Hai mẹ con F0, chồng tôi F1 nên đều phải cách ly. Gia đình chị cả vất vả hơn, đang chăm hai cháu nhỏ cho vợ chồng đứa con lớn thì chồng mắc Covid-19, mà mắc trong hoàn cảnh đứng ở sân phơi đồ sơ ý quên không khẩu trang trò chuyện với ông hàng xóm F1, bức tường ngăn đã thấp khoảng cách tiếp xúc lại gần vậy là sau khi ông hàng xóm F1 trở thành F0 thì anh xét nghiệm cũng dương tính với Covid-19. Con gái anh chị đang làm ở Hà Nội đành phải thu xếp nghỉ việc về Thái Bình chăm 2 cháu chứ mình chị không kham nổi. Rồi gia đình chị hai ở Hà Nội cũng mắc Covid-19, đầu tiên là dọn nhà con trai để tách riêng F0, sau 1 ngày thì có triệu chứng, các thành viên đều test, kết quả 9/11 người trong gia đình đã thành F0. Mấy anh chị em tôi đều thống nhất thông tin với bố mẹ vừa đủ để các cụ đỡ lo lắng. Nào là các con, các cháu đều được tiêm phòng thì không đáng lo ngại, mấy đứa chắt dù chưa đến tuổi được tiêm cũng chỉ ho hắng qua loa. Tôi hiểu mẹ không còn nỗi sợ Covid-19 như trước, nhìn thấy con cháu qua màn hình điện thoại đứa thì đang học online, đứa đang làm việc qua mạng nên mẹ yên tâm phần nào. Tuy vậy, tôi biết mẹ buồn lắm. Đặc biệt hôm cuối tuần, các con cháu không về thăm bố mẹ như thường lệ. Nói chuyện tôi cảm nhận rất rõ mẹ không chỉ buồn mà nỗi bất an hiển hiện trong ánh mắt, giọng nói. Nỗi bất an của mẹ đã chạm đến nỗi day dứt trong tôi. Gần chục đứa con, mấy chục đứa cháu, vậy mà gần tháng nay chẳng ai có thể về thăm bố mẹ vì Covid-19 bởi không F0 thì cũng F1. Tần tảo bao năm nên khi các con cháu nói là “không sao” nhưng mẹ biết nói “không sao”để trấn an bố mẹ. Thực tình với bản thân tôi F0 cộng với bị cảm nên rất mệt, con trai tôi vốn đã bị viêm mũi từ trước nên khi nhiễm Covid-19 bệnh viêm mũi lại nặng hơn. Bác sĩ chỉ định phải uống kháng sinh vì đã có đờm xanh. Còn đứa cháu 3 tuổi của chị tôi khi mắc Covid-19 đã phải nhập viện vì tiền sử cháu bị hen phế quản khó thở… Khi nhà có F0, bạn sẽ hiểu gặp khó khăn nhường nào vì cuộc sống bị xáo trộn, nhất là với gia đình có con nhỏ và người già. Sau 10 ngày, hai mẹ con tôi khỏi bệnh, rồi thêm một tuần nữa gia đình nhà anh chị tôi lần lượt khỏi bệnh, hết thời gian cách ly. Song bản thân tôi và các anh chị mình đều có cảm giác cơ thể yếu hơn. Tôi cũng như những người bạn cùng chia sẻ trong nhóm và được biết không phải mắc bệnh không có triệu chứng thì không để lại di chứng. Bạn tôi làm trong ngành Y tế cho biết: đã có những F0 khỏi bệnh rồi mà ho kéo dài cả tháng, có người bị rối loạn thần kinh thực vật sau Covid-19 gây ra do căng thẳng, stress dẫn đến rối loạn co thắt mạch máu… Còn bạn tôi dù không mắc Covid-19 song từ tết đến giờ vẫn chưa thể về quê thăm bố mẹ bởi mỗi ngày số lượng người dương tính cứ tăng lên, bạn tôi cũng như các lực lượng tuyến đầu làm việc không ngừng nghỉ bất kể ngày đêm…. Vậy là chẳng riêng mẹ tôi, nhiều bà mẹ đã buồn tẻ với những ngày dài đằng đẵng đợi cháu, con về. Đấy là chưa nói tới các gia đình bố mẹ bị ốm đau. Chỉ thoáng qua ý nghĩ nếu bố mẹ ốm mà các con đang cách ly vì Covid-19 thì xoay xở ra sao! lòng tôi quặn lại, nặng trĩu.    

Giờ đây số người tử vong do Covid-19 đã giảm đáng kể nhờ tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin đạt cao, song với người tuổi cao, bệnh nền thì vẫn thường trực sự nguy hiểm. Rõ ràng chúng ta không nên lo sợ, hoang mang khi bị nhiễm Covid-19, phải bình tĩnh, lạc quan trong mọi tình huống nhưng nhất định không được chủ quan. Bởi thực tế cho thấy hệ lụy của Covid-19 là rất đáng lo ngại. Do đó cùng với tiêm phòng vắc-xin đầy đủ thì ý thức thực hiện nghiêm khuyến cáo phòng dịch sẽ là một trong những loại “thuốc” ngăn chặn dịch bệnh hữu hiệu nhất.    

Món quà quý nhất, mẹ cần nhất là vui cùng con cháu.

Sau 3 tuần, nay vợ chồng tôi đưa con về thăm bố mẹ. Tôi biết với mẹ, niềm vui cùng con cháu là món quà quý giá nhất trước thềm ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8/3.

Thái An