Thứ 7, 03/08/2024, 07:15[GMT+7]

18 năm hành trình với trẻ khuyết tật

Thứ 3, 31/08/2010 | 07:44:34
1,309 lượt xem
Theo báo cáo điều tra của Bộ Giáo dục- đào tạo thì cả nước có 15% trẻ khiếm thính, 12% trẻ khiếm thị, 27% trẻ chậm phát triển trí tuệ… Đáng chú ý, trong đó 28,36% có khó khăn về học tập. Đã có rất nhiều chương trình hành động quốc gia, các đề án giáo dục- đào tạo… đề cập và định hướng cho công tác giáo dục “trẻ khuyết tật”.

Trẻ khuyết tật luôn được sự chăm sóc tận tình. Ảnh: Thành Tâm

Ở Trường Tiểu học Quang Trung (Kiến Xương) cuộc hành trình đem tri thức, ánh sáng văn hóa cho trẻ khuyết tật đã đi qua một quãng thời gian đủ để suy ngẫm, tổng kết mô hình này và cũng cần được xã hội quan tâm; cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện để trẻ khuyết tật được hưởng nhiều hơn những gì các em đang bị khiếm khuyết.

Qua điều tra của Trường tiểu học Quang Trung thì ở xã này có 28 đến 30 trẻ khuyết tật trong độ tuổi học tiểu học. Trách nhiệm của mỗi nhà trường là phải bảo đảm quyền lợi học tập của các em, làm vơi đi gánh nặng cho gia đình có trẻ khuyết tật. Từ năm học 1992- 1993 nhà trường đã đề nghị UBND xã và Phòng GD- ĐT cho mở “lớp học tình thương” với tất cả các em học sinh trong độ tuổi, vào học ở trường tiểu học bị câm, điếc, liệt, các em bị nhiễm chất độc da cam, cong, vẹo cột sống, bị đao, mờ mắt, thần kinh, động kinh, hở hàm ếch… con mồ côi, con gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Đưa chủ trương đậm chất nhân đạo nêu trên ra bàn, hầu hết các giáo viên trong trường đều đồng thuận, nhưng cũng có những băn khoăn về khó khăn khách quan, cả về sự vất vả cho giáo viên. Cấp ủy, chính quyền và phòng giáo dục cũng thấy lo lắng trước gánh nặng lớn đặt trên vai nhà trường. Còn dư luận nhân dân, mà nhất là những gia đình có con khuyết tật thì thật sự vui mừng… Thế rồi, lớp “học tình thương” cũng được thành lập; năm học đầu tiên có 28 em vào học ở các độ tuổi khác nhau.

Nhà trường tổ chức cho các em tham gia học tập, vui chơi, giải trí… hòa nhập các hoạt động cộng đồng. Cứ như con ong cần mẫn, cán bộ quản  lý và giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung khởi sự bắt đầu từ bước đi chập chững như thế. Đến nay, đã qua 18 năm, lớp  học theo mô hình từ lúc ban đầu ấy luôn được duy trì, đều đặn, tận tụy và cần mẫn, tỷ mỉ mà khoa học.

Các em luôn nhận được sự chăm sóc tận tình, quan tâm bằng cả vật chất, lẫn tinh thần của các cấp, các ngành,các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức từ thiện nhân đạo; các nhà hảo tâm từ Trung ương đến địa phương, các vị khách quốc tế, bao gồm cả Anh, Mỹ… Sự giúp đỡ tận tình của các thầy, cô giáo, các bạn trong trường để cùng vui chơi, ca múa, hát… Hành trình 18 năm, không chỉ có kết quả là số lượng trẻ khuyết tật đến lớp, đến trường… mà chính là sự chuyển biến về nhận thức.

 Các thầy cô giáo khi tiếp cận với đối tượng học sinh thiệt thòi này thì tình cảm của bậc làm cha, làm mẹ đã chi phối hoàn toàn; không chỉ làm thầy, cô mà thật sự yêu thương trẻ khuyết tật như đứa con của mình. Bởi vậy, nhiều cô giáo không quản ngại khó khăn, mồ hôi và đôi khi là cả nước mắt để dành nhiều tâm huyết, tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm của mình cho các em học sinh bị thiệt thòi.

Vào đầu năm học, nhà trường tổ chức cho các em bị khuyết tật được tựu trường theo biên chế quy định của năm học. Các em được sắp xếp vào các độ tuổi, khả năng nhận thức… nhà trường tổ chức cho các em hòa nhập theo các lớp học. Những học sinh không có khả năng nhận thức, nhà trường tổ chức cho các em học lớp chuyên biệt phù hợp với điều kiện của nhà trường và đặc thù khuyết tật của học sinh. Trong các ngày học, tuần học các em được học tập, vui chơi, giải trí, được tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với điều kiện của bản thân các em.

Năm học 1998- 1999, các em học sinh lớp tình thương (Trường Tiểu học Quang Trung) tham gia hội thi văn nghệ do Hội bảo trợ người tàn tật tỉnh tổ chức lần thứ nhất đạt Huy chương bạc. Các em còn tham gia các kỳ thi, kỳ kiểm tra theo quy định của ngành học của cấp học ở trường đạt kết quả tốt. Nhiều học sinh chuyển cấp tiếp tục học tập, nhiều học sinh được Trung tâm bảo trợ người tàn tật tỉnh cưu mang, dạy nghề và hướng nghiệp để trở về lao động sản xuất tại địa phương.

Xuất hiện nhiều tấm gương giúp bạn đi học cảm động, điển hình như: em Nguyễn Văn Quyết cõng bạn là em Bùi Văn Tư, bị liệt cả hai chân đi học. Năm học 2009- 2010, em Trần Thị Dung bị mổ tim, gia đình khó khăn, nhà trường đã phát động: thầy, trò, phụ huynh, học sinh… quyên góp được 2 triệu đồng tặng cho em.

Từ năm học 2004- 2005 đến 2009- 2010, các tổ chức, nhà tài trợ cho lớp học tình thương 50 triệu đồng. Đặc biệt, Công ty CP Thương mại- du lịch Hải Bình tặng 80 triệu đồng để xây dựng lớp học; Hội bảo trợ người tàn tật trẻ mồ côi huyện Kiến Xương tặng 15 bộ bàn ghế, một bảng từ Hàn Quốc, một bộ bàn ghế giáo viên.

Từ bài học kinh nghiệm tổ chức lớp học tình thương ở Trường Tiểu học Quang Trung, ngành giáo dục tỉnh ta đã nhân rộng ra nhiều trường, ở nhiều địa phương để trẻ khuyết tật được hưởng thụ những nhu cầu tối thiểu của con  người là quyền được học tập. Tuy nhiên, vẫn rất cần sự cưu mang giúp đỡ của các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm… để các cháu khuyết tật được hòa nhập.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa