Chủ nhật, 05/01/2025, 09:04[GMT+7]

Phong trào hiến đất làm đường ở Quỳnh Phụ: Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc

Thứ 6, 01/04/2022 | 08:33:07
4,850 lượt xem
Sau hơn 8 tháng triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 220 của Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Phụ về tự nguyện góp quyền sử dụng đất không đòi lại, từ một số địa phương đi đầu như Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lâm, An Thái... đến nay đã có trên 3.000 gia đình trong huyện tự nguyện hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất để mở rộng đường giao thông. Chưa bao giờ phong trào góp đất làm đường tại Quỳnh Phụ lại lan tỏa rộng khắp như hiện nay.

Nhiều hộ dân xã An Thanh (Quỳnh Phụ) tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất để cải tạo, nâng cấp mở rộng đường.

Nở rộ phong trào góp đất làm đường

Những ngày cuối tháng 3/2022, tại tuyến đường ĐH.72C đi qua xã An Thanh luôn rộn rã tiếng máy đục, máy khoan, máy san ủi, phá dỡ tường bao, cổng dậu khi các gia đình tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất. Tại thôn Thanh Mai, nơi tuyến đường ĐH.72C đi qua, niềm vui mở đường hiện rõ trên khuôn mặt của người dân khi chính quyền địa phương bố trí máy móc cùng các gia đình dỡ bỏ tài sản trên đất. 

Anh Đoàn Trọng Hiếu, thôn Thanh Mai, xã An Thanh chia sẻ: Nhà tôi vừa mới xây được vài năm nhưng khi địa phương có chủ trương mở rộng đường, tôi đã viết đơn tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất như tháo dỡ mái tôn, lùi vào phần đất của nhà hơn 2m. Nếu địa phương cần thêm đất gia đình sẵn sàng góp đất không đòi lại, chỉ có như vậy mới có đường rộng, đường đẹp, kinh tế địa phương mới phát triển.

Trước khi xây nhà, gia đình ông Mai Văn Hội, thôn Sài, xã An Quý (Quỳnh Phụ) lùi hơn 2m đất của gia đình để tuyến đường được mở rộng.

Xác định việc mở rộng đường sẽ thay đổi diện mạo quê hương, thuận lợi cho giao thông, giao thương của người dân, do đó, ngay sau khi có chủ trương của huyện, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã An Thanh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích của việc góp đất mở rộng đường. 

Ông Chu Công Dượng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tuyến đường ĐH.72C do UBND huyện làm chủ đầu tư đi qua địa phận xã An Thanh có chiều dài 1,7km, trong đó việc giải phóng mặt bằng (GPMB) giao cho địa phương thực hiện. Để hoàn thiện tuyến đường liên xã, địa phương cần giải phóng trên 8.000m2 đất ở và đất nông nghiệp; tường bao, cổng dậu cần giải phóng trên 200m của 142 hộ dân. Trong quá trình triển khai, cả hệ thống chính trị trong xã tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, từ đó đồng tình ủng hộ chủ trương của huyện. Đến nay, 100% hộ dân nơi tuyến đường đi qua đã tự nguyện hiến đất và tháo dỡ tài sản trên đất để triển khai kế hoạch làm đường của huyện.

Tại thị trấn An Bài, với giá đất hiện tại ước tính trên 20 triệu đồng/m2, không nhiều người nghĩ các gia đình có đất và tài sản trên đất ở đây sẽ tự nguyện hiến đất. Thế nhưng, khi huyện có chủ trương nâng cấp, cải tạo đường, toàn bộ 89 hộ dân nơi tuyến đường đi qua đều đồng thuận, nhất trí. 

Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND thị trấn An Bài chia sẻ: Tuyến đường ĐH.72C đi qua địa phận tổ dân phố số 10 và số 11 của thị trấn An Bài. Đây là tuyến đường huyết mạch của huyện nên đất có giá trị sinh lời cao. Sau khi tiếp nhận chủ trương của huyện, địa phương đã thành lập tổ tuyên truyền, nội dung tập trung vào Thông báo kết luận số 220 của Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Phụ về chủ trương góp đất làm đường giao thông. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, chỉ trong 1 tuần, toàn bộ 89 hộ đã đồng thuận góp khoảng 1.800m2 đất thổ cư, hộ nhiều nhất lên đến 60m2, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công.

Sau hơn 8 tháng triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 220, tính đến ngày 31/3 toàn huyện Quỳnh Phụ đã có 14 tuyến đường (gồm đường tỉnh, đường huyện và đường liên xã) ở 29 xã, thị trấn với 3.031 hộ đồng thuận, tự nguyện hiến trên 256.355m2 đất ở và đất nông nghiệp.

Chưa có dự án, hàng trăm hộ dân đã viết đơn xin góp đất làm đường

Tuyến đường liên xã từ ĐH.73 đến ĐT.455 là tuyến đường huyết mạch của xã An Quý và một số xã lân cận với chiều dài trên 3,5km. Mặc dù tuyến đường chưa có chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng với mong muốn sớm có con đường khang trang, sạch đẹp như nhiều địa phương khác trong huyện, hàng trăm hộ dân xã An Quý đã viết đơn tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất để mở rộng đường. 

Ông Nguyễn Văn Đương, Chủ tịch UBND xã An Quý cho biết: An Quý là xã nội đồng, nguồn thu của địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vì vậy nếu dựa vào nguồn ngân sách xã để cải tạo, nâng cấp đường sẽ không thể thực hiện được. Khi Thông báo kết luận số 220 được ban hành, xác định đây là cơ hội, điều kiện để tiếp thu dự án, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong xã đã họp bàn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. 

Đến nay, toàn bộ 184 hộ dân có đất và tài sản trên đất ở, trên 40 hộ có đất nông nghiệp liên quan đến tuyến đường đều đồng thuận, nhất trí; đã có 2 hộ dân tự tháo dỡ, hiến cả tài sản, hiến đất làm đường. Điển hình là gia đình ông Mai Văn Hội, thôn Sài góp hàng chục mét vuông đất ở để làm đường. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hội cho biết: Chủ trương góp đất làm đường mà huyện đang triển khai rất hợp lòng dân. Với gia đình tôi, dù chưa có dự án làm đường qua xã nhưng nhận thấy tầm quan trọng của việc mở đường sẽ làm đẹp cho địa phương, con cháu được hưởng lợi lâu dài, trước khi làm nhà gia đình tôi đã lùi hơn 2m tương đương với 84mđất trị giá gần 1 tỷ đồng nhưng mọi người trong gia đình đều rất vui vẻ. Mọi người đều nghĩ tiền tiêu rồi cũng hết nhưng giá trị tuyến đường mang lại cho người dân sẽ còn mãi.

Cách đây 7 tháng, trong buổi kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp đường cứu hộ, cứu nạn sông Luộc, sông Hóa từ xã An Khê đi xã An Mỹ qua xã An Thái (tuyến đường ĐH.72), đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đánh giá cao sự vào cuộc của huyện Quỳnh Phụ cùng chính quyền cơ sở trong việc vận động nhân dân góp đất làm đường, đây là cách làm rất mới và sáng tạo. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cũng như xây dựng nông thôn mới, khi đã tạo thành phong trào và có điểm khởi đầu chắc chắn sẽ không có điểm kết thúc, vì vậy công tác GPMB ở Quỳnh Phụ sẽ tiếp nối truyền thống đó và tiếp tục cần có sự chung tay vào cuộc của nhân dân. Đồng chí mong muốn Quỳnh Phụ tiếp tục nhân rộng mô hình góp đất làm đường trong toàn huyện để trở thành một hình mẫu, một huyện đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường, từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh và coi đây là cơ sở để toàn tỉnh từng bước hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ngay từ những ngày đầu năm 2022, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Quỳnh Phụ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân để phong trào hiến đất làm đường tiếp tục lan tỏa.


Nguyễn Cường