Thứ 5, 28/11/2024, 01:46[GMT+7]

Hỗ trợ người khuyết tật: Thiết thực, hiệu quả hơn

Thứ 3, 26/04/2022 | 08:54:05
4,881 lượt xem
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật (NKT), tạo điều kiện để NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Tặng xe lăn và trao quà động viên người khuyết tật huyện Thái Thụy.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 124.000 NKT. Để công tác chăm lo cho NKT đạt hiệu quả cao, tỉnh đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách và các chương trình, đề án trợ giúp NKT. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo trợ giúp NKT với mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư về bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp NKT. 

Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Việc lồng ghép các chính sách hỗ trợ NKT vào chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Đồng thời, các cấp, các ngành tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, chăm sóc NKT với nhiều hình thức phù hợp như: hỗ trợ dạy nghề, vay vốn giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe... Từ đó giúp NKT phát huy khả năng, tạo điều kiện vươn lên, tham gia bình đẳng vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong năm qua, công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và nghĩa vụ của NKT được tăng cường. Đến nay, 100% NKT thuộc hộ nghèo, NKT đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội công lập được cấp thẻ BHYT. Công tác phục hồi chức năng cho NKT được duy trì hiệu quả. Các trường học có học sinh khuyết tật học hòa nhập đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, trong đó có nhiều hình thức để giúp đỡ học sinh khuyết tật trong học tập. Trong năm qua, toàn tỉnh có hơn 200 lượt NKT được dạy nghề, tạo việc làm. Các khóa học nghề bảo đảm khi tốt nghiệp 70% học viên là NKT được các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận vào làm việc hoặc giới thiệu cho học viên việc làm phù hợp.

Để nâng cao đời sống tinh thần cho NKT, nhiều câu lạc bộ thư viện nhỏ của NKT được thành lập và được hỗ trợ sách báo để NKT tiếp cận văn hóa, đáp ứng nhu cầu đọc của NKT. Tiêu biểu như thư viện “Hy vọng”, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình); thư viện “Niềm tin”, xã Đông Hợp (Đông Hưng). Bên cạnh đó, chính sách bảo trợ xã hội đối với NKT được chú trọng. Trong năm, toàn tỉnh có trên 54.000 NKT được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng; hơn 8.100 gia đình, cá nhân NKT được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng; hơn 300 NKT được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội. 

Ông Đoàn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kiến Xương chia sẻ: Huyện luôn coi nhiệm vụ chăm sóc NKT là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội. Luôn chú trọng các hoạt động hỗ trợ NKT, tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Hàng năm tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các hội, đoàn thể, đội ngũ cán bộ các cấp và người thân của NKT về thái độ, cách ứng xử, làm việc với NKT và các phương pháp trợ giúp NKT. Tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, chăm sóc và hỗ trợ NKT để các tổ chức, cá nhân và gia đình NKT hiểu hơn và nâng cao sự quan tâm, chăm sóc NKT. 

Bà Lê Thị Oánh (Kiến Xương) chia sẻ: Được tập huấn về kinh nghiệm chăm sóc NKT, tôi hiểu hơn về những nguy cơ cũng như khó khăn NKT gặp phải, do đó thấu hiểu hơn và chăm sóc tốt hơn cho người thân của mình.

Bên cạnh đó, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội; tăng cường các hoạt động giúp đỡ NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau, hỗ trợ NKT phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các phiên giao dịch lồng ghép, tổ chức thực hiện các dự án nhằm mở rộng cơ hội việc làm và thúc đẩy hòa nhập xã hội thông qua việc tăng cường kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho NKT. Với sự phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể và các địa phương, các chính sách đối với NKT đã được thực hiện đạt hiệu quả cao. Qua đó, tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của NKT và sự thay đổi về nhận thức xã hội, giúp NKT ngày càng tự tin hơn, tạo động lực để họ phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập cộng đồng.


Mai Thư