Thứ 5, 28/11/2024, 01:48[GMT+7]

Thanh niên khởi nghiệp hứa hẹn những mùa quả ngọt

Thứ 6, 29/04/2022 | 08:49:22
8,080 lượt xem
Là lực lượng trẻ, năng động, thích ứng nhanh với công cuộc đổi mới, nhiều đoàn viên, thanh niên đã tích cực tham gia phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế với các mô hình triển vọng.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Nguyễn Xuân Sứ, xã Thái Thượng (Thái Thụy) thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Cơ ngơi của anh Đặng Văn Thức, xã Nam Thanh (Tiền Hải) là 6 xưởng sản xuất và buôn bán máy móc, vật liệu cơ khí trên diện tích hơn 3.000m2. Nhưng ít ai biết rằng tài sản hàng chục tỷ đồng này của anh được khởi nghiệp bằng số vốn ban đầu 700.000 đồng. 5 năm đầu anh đi thu mua sắt vụn; khi tích lũy được ít vốn, anh mở cửa hàng sắt vụn đầu tiên. Cứ “tích tiểu thành đại”, anh Thức cùng vợ dồn công góp sức mỗi ngày để các xưởng sản xuất và buôn bán cơ khí lần lượt được ra đời. Với anh, có công việc để làm là hạnh phúc của đời người. Anh chia sẻ: Mỗi người có xuất phát điểm khác nhau nhưng quan trọng là quyết tâm theo đuổi ước mơ, biến khó khăn thành cơ hội, động lực để vượt qua. Mọi việc phải làm sao cho lợi mình, lợi người thì mới được bền lâu.

Như phần lớn thanh niên khác khi mới khởi nghiệp, anh Tạ Văn Diễn, thành viên Hợp tác xã Thanh niên nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại Tiến Đạt (Thái Thụy) cũng gặp khó khăn về vốn, kinh nghiệm sản xuất, thị trường tiêu thụ. Nhưng từ khi tham gia Hợp tác xã, anh và các thành viên đã được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ về thị trường tiêu thụ. Cùng với phát triển diện tích ao nuôi sẵn có, các thành viên Hợp tác xã Thanh niên nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại Tiến Đạt còn thuê thêm gần 3ha đầm nuôi của một số hộ dân để đầu tư nuôi thả tôm công nghệ cao. Đây là những vùng sản xuất manh mún nên ban đầu gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình cải tạo. Nhưng với lòng nhiệt huyết, tích cực học hỏi, rút kinh nghiệm, cho đến nay các đầm nuôi tôm đã được đầu tư khá bài bản và bắt đầu vụ nuôi thả mới. Anh Nguyễn Xuân Sứ, Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại Tiến Đạt cho biết: Mỗi người đều có thế mạnh riêng về vốn, kỹ thuật, khả năng tìm kiếm thị trường... nhưng cùng liên kết, hợp tác để sản xuất, kinh doanh bền vững theo hướng kinh tế tập thể; trên cơ sở tạo sản phẩm hàng hóa mang tính tập trung; đồng thời, thiết lập mối liên kết theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, tăng thu nhập chính đáng cho nhiều thanh niên ngay tại mảnh đất quê hương. Cũng theo anh Sứ, nếu thuận lợi sẽ nuôi được 3 - 4 vụ tôm trong một năm. Quý I năm nay, Hợp tác xã thu hoạch gần 20 tấn tôm, doanh thu 3 tỷ đồng.

Có thu nhập gần 300 triệu đồng/năm từ mô hình VAC, anh Lê Ngọc Thành, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) cũng gặp không ít khó khăn về vốn để phát triển, để đổi mới công nghệ trong nuôi trồng. Ngoài ra, anh cũng như một số thanh niên khởi nghiệp khác thiếu nền tảng kiến thức tổng quát, chẳng hạn như giỏi chuyên môn thì kém kiến thức kinh doanh quản trị; giỏi tính toán đầu tư thì thiếu kiến thức chuyên môn kỹ thuật, thiếu đường hướng kinh doanh; thiếu kiến thức về việc xây dựng thương hiệu cá nhân và các mối quan hệ kinh doanh và nhiều ngành nghề - lĩnh vực liên quan đến sản xuất, chế biến, nghiên cứu... Từ đó dẫn đến mất rất nhiều thời gian nhưng sự phát triển vẫn chậm và không rõ rệt.

Khởi nghiệp là chặng đường dài và đầy gian nan, vất vả. Đã có nhiều dự án thành công nhưng cũng có không ít những ý tưởng, dự án khởi nghiệp lóe sáng rồi vụt tắt. Những thách thức trong quá trình khởi nghiệp chính là những bài học, kinh nghiệm quý báu cho các bạn trẻ. Chính vì thế, sự hỗ trợ, quan tâm, khích lệ của cộng đồng dành cho thanh niên là rất quan trọng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, nhất là sáng tạo khởi nghiệp. Đây chính là động lực quan trọng, thổi bùng khát vọng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng của thanh niên.

Chị Đinh Thị Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Để đồng hành, tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã có nhiều hoạt động giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, đặc biệt là trong thời điểm thanh niên khởi nghiệp phải đối diện với nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Hàng loạt các hoạt động được tổ chức đoàn các cấp triển khai như: hỗ trợ việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm của thanh niên, hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm và mở rộng thị trường, đoàn thanh niên, hội liên hiệp thanh niên các cấp phối hợp với các ngân hàng và qua nguồn vốn của Trung ương Đoàn hỗ trợ thanh niên vay vốn để hỗ trợ kinh phí khởi nghiệp, lập nghiệp. Khi được các thành viên của Hội Doanh nhân trẻ và lãnh đạo đoàn thanh niên các cấp đến thăm mô hình của mình, anh Vũ Thanh Long, xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy) rất mừng. Bởi theo anh: Có những ý kiến tham gia của các anh chị đã gợi mở, truyền cảm hứng, tiếp động lực cho tôi phát triển mô hình nuôi thỏ thương phẩm và sản xuất lồng công nghiệp. Chúng tôi rất cần những buổi thăm, trao đổi trực tiếp tại các mô hình thanh niên khởi nghiệp của lãnh đạo đoàn thanh niên các cấp, các chủ doanh nghiệp hay các anh chị khởi nghiệp thành công.

Khởi nghiệp như một “làn sóng” đang có sức lan tỏa, thu hút mạnh mẽ đoàn viên, thanh niên tham gia. Nhiều mô hình, nhiều ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Tư duy, nhận thức về khởi nghiệp trong thanh niên đã có nhiều thay đổi, nhiều bạn trẻ dám dấn thân, đương đầu với thử thách để mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Mô hình nuôi thỏ của anh Vũ Thanh Long, xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy).

Xuân Phương