Thứ 5, 21/11/2024, 23:45[GMT+7]

Công tác DS-KHHGĐ 52 năm gặt hái thành công

Thứ 3, 19/03/2013 | 13:58:08
981 lượt xem
Năm 1961 - năm mở đầu cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, Thái Bình là một trong 6 tỉnh, thành phố miền Bắc có quy mô dân số trên 1 triệu người và tốc độ tăng dân số vào loại cao của cả nước. Chính vì vậy, cùng với việc triển khai, thực hiện hiệu quả các văn bản về dân số của Trung ương, Thái Bình đã ban hành một loạt các văn bản quan trọng về DS - KHHGĐ nhằm giảm mức sinh, bình ổn và nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh: Thành Tâm

Rất nhiều các giải pháp, mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả như: Can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở cộng đồng;  Đề án kiểm soát dân số vùng biển đảo và ven biển. Công tác truyền thông vận động chuyển đổi hành vi và huy động cộng đồng thực hiện chính sách DS - KHHGĐ được tăng cường đẩy mạnh, triển khai toàn diện, đồng bộ trên các kênh truyền thông tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội.

 Các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia tích cực tuyên truyền vận động về DS - KHHGĐ trên mọi địa bàn, dân cư và trong mọi thời điểm. Lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền vận động trực tiếp là đội ngũ cộng tác viên và cán bộ dân số xã, phường với phương châm: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Nhiều mô hình truyền thông dân số được xây dựng và triển khai nhằm phát huy thế mạnh của từng ngành, đoàn thể và đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Các sản phẩm truyền thông có hình thức phong phú và nội dung chất lượng được cung cấp trực tiếp cho đối tượng... góp phần nâng cao nhận thức và tạo được sự đồng tình ủng hộ, tích cực thực hiện chính sách DS - KHHGĐ với mục tiêu: “Mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Mạng lưới cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ được mở rộng từ tỉnh đến cơ sở với số lượng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Các mô hình cung cấp dịch vụ được triển khai đến từng gia đình và người sử dụng, ưu tiên cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở vùng nông thôn đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Kết quả sử dụng các biện pháp tránh thai hàng năm đều tăng và đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 71,8% năm 2001 lên 78,8% năm 2008 và 78,9% năm 2010. Tỷ lệ sinh giảm từ 4,7% năm 1961 xuống còn 1,4% năm 2010, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 38% năm 1981 xuống còn 11,35% năm 2010. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 6 con (năm 1961) xuống còn 2,01 con (năm 2010). 10 năm liền Thái Bình duy trì được mức sinh thay thế. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Thái Bình năm 2010 là 0,714 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, đạt mục tiêu mà Chiến lược dân số giai đoạn 2001 - 2010 đề ra. Quy mô dân số ổn định, chất lượng dân số dần được tăng lên, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75 tuổi. Bên cạnh đó, công  tác quản lý, điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ, công tác đào tạo nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế luôn được tỉnh chú trọng.

Ghi nhận thành tích về công tác DS - KHHGĐ của Thái Bình, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2000, hạng Nhì năm 2006; Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen năm 2010.

Giai đoạn 2011 - 2020, mục tiêu của công tác dân số Thái Bình là nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản; duy trì mức sinh thay thế 1,8 con/bà mẹ; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên xuống dưới 10%, giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, khống chế ở mức 109 nam/100 nữ vào năm 2020. Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 80%; ổn định quy mô dân số; giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số; giảm dần tỷ lệ trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Để đạt được những mục tiêu trên, bài học kinh nghiệm cho thấy công tác DS - KHHGĐ phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy và chính quyền các cấp. Trong lãnh đạo phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Định kỳ hàng năm phải có sự kiểm tra, đánh giá. Phải xác định công tác DS - KHHGĐ là một chỉ tiêu trong mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Phải kiên trì vận động, thuyết phục để nâng cao nhận thức làm chuyển đổi hành vi của cán bộ và nhân dân... Thực hiện đồng bộ được những giải pháp này, chắc chắn công tác DS - KHHGĐ Thái Bình sẽ gặt hái được nhiều thành công trong giai đoạn mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình nói riêng và đất nước nói chung.

Thanh Tâm

(Trung tâm TT - GDSK tỉnh)

  • Từ khóa