Thứ 4, 27/11/2024, 20:08[GMT+7]

Phát huy vai trò báo chí cách mạng trong sự nghiệp đổi mới đất nước Kỳ 1: Phát huy vai trò “binh chủng đặc biệt”

Thứ 2, 20/06/2022 | 09:14:25
3,232 lượt xem
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn khẳng định báo chí là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng, đất nước, dân tộc. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là chiến sĩ cách mạng kiên cường vừa là nhà báo tiên phong mẫu mực, có công lao to lớn trong việc khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Làm báo đối với Người chưa bao giờ là hoạt động nghề nghiệp thuần túy mà là phương tiện để làm cách mạng.

Trung tâm báo chí Đại hội XIII của Đảng.

Thực tế khẳng định báo chí cách mạng nước nhà luôn là binh chủng, lực lượng đặc biệt, xung kích trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp lớn lao vào các cuộc kháng chiến, kiến quốc trường kỳ và vĩ đại của dân tộc. Nhìn lại hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí nước ta có nhiều đổi mới và vươn lên mạnh mẽ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy mẫu mực của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã để lại di sản báo chí phong phú cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và những người làm báo vận dụng, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; để báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi là vũ khí chính trị tư tưởng sắc bén trên suốt chặng đường đi tới của dân tộc. Tại Đại hội III của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta” và Người quan niệm: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Phát huy truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo, định hướng của Đảng, báo chí nước nhà đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin, cổ vũ phong trào hành động cách mạng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành quả của công cuộc đổi mới. Đại hội VI của Đảng (12/1986), đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Giai đoạn này mở ra thời kỳ đổi mới của cách mạng Việt Nam. Trong xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đặc biệt chú ý phương châm được thông qua tại Đại hội VI: Hãy dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật” để thấy rõ những sai lầm, yếu kém, vạch rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục, xoay chuyển tình thế, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và tiến lên. Dưới giác độ của phương châm này, đồng chí Nguyễn Văn Linh thấy rõ, việc thực hiện các quyết sách đổi mới bị cản trở bởi rất nhiều hiện tượng tiêu cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và sự trì trệ bởi cơ chế quan liêu bao cấp. Đặc biệt, những cán bộ thoái hóa biến chất, những kẻ đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả... đã triệt để lợi dụng những sơ hở của cơ chế cũ, làm trầm trọng sự trì trệ và tiêu cực trong xã hội. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cho rằng, thực hiện đổi mới phải gắn liền với việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, tháo gỡ ách tắc phải đi đôi với việc kiên quyết loại trừ những kẻ đã từng lợi dụng cơ chế bảo thủ, quan liêu để kiếm lợi, làm rối loạn kỷ cương phép nước. Để chống tiêu cực, đồng chí Nguyễn Văn Linh nghĩ về binh chủng đặc biệt quan trọng trong công tác tư tưởng là báo chí. Chọn “binh chủng” báo chí để chống tiêu cực.

Không chỉ suy nghĩ và chỉ đạo chống tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đi tiên phong trên mặt trận này. Ngày 25/5/1987, Báo Nhân Dân đăng trên trang nhất bài viết với hàng tít đậm “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L. Tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đã khai thông mạch chảy của báo chí nước nhà trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “thế lực nội xâm”, giúp quần chúng biết nghị quyết của Đảng, hiểu nghị quyết của Đảng để đấu tranh chống những kẻ làm không đúng, gây oan ức trong nhân dân.

Từ đó đến nay, không có nhiệm kỳ nào T.Ư Đảng không có nghị quyết về xây dựng Đảng như Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VI); trong thời kỳ đổi mới là Nghị quyết T.Ư 3 (khóa VII), Nghị quyết T.Ư 6 lần II (khóa VIII), Kết luận Hội nghị T.Ư 4 (khóa IX) là Nghị quyết “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí”. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đi vào chiều sâu, hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, kết hợp giữa xây và chống nên có bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại cơ sở.

Với thế mạnh hệ thống báo chí nước nhà, công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng - thứ “giặc nội xâm” trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tập trung nêu bật những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Đã thông tin kịp thời những sai phạm của cán bộ, đảng viên được Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp kết luận, xử lý. Việc thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cùng những hình thức kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Đồng thời, tổng hợp “bức tranh toàn cảnh về phòng, chống tham nhũng”, báo chí đi vào phân tích, rút ra bài học từ thực tiễn để định hướng dư luận, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo; khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được nâng lên, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về nguy cơ, tác hại của tham nhũng đối với việc giữ vững an ninh chính trị, ổn định đất nước; về tầm quan trọng cũng như những khó khăn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tham nhũng, việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm chậm lại sự phát triển mà ngược lại, là cơ hội để làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của bộ máy và đội ngũ cán bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.    

Trong nhiều thập kỷ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta dồn sức phấn đấu thực hiện Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Khi mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và đang cấu kết chặt chẽ với nhau, lợi dụng quyền dân chủ trong thông tin, khai thác sâu công nghệ truyền thông, “mở mặt trận” tuyên truyền những nội dung thông tin sai trái, xuyên tạc sự thật, vu khống, bôi nhọ, nói xấu chế độ, chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng, nhân dân. Nguy hiểm hơn, chúng dùng nhiều hình thức kích động, mua chuộc những người, thiếu thông tin, nhẹ dạ hoặc những người đang bị bất mãn với quá trình thực thi chính sách của Nhà nước. Âm mưu, phương thức, thủ đoạn mà chúng sử dụng hiện nay hết sức tinh vi và nham hiểm. Hoạt động chống phá diễn ra có bài bản, được che đậy một cách khéo léo, tinh vi.

Mặt khác, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trên nhiều mặt như: Suy thoái về tư tưởng, chính trị; sự sa đọa về đạo đức, lối sống...Nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói trái, làm trái quan điểm của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, tham nhũng, ham quyền lực, bè phái, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân...

Phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Để góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa cần tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong thời kỳ mới. Đại hội XII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ trong đó trọng tâm phải ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong bối cảnh đó, báo chí nước nhà thêm một lần khẳng định là binh chủng hùng hậu, xung kích thực hiện ngày càng hiệu quả hơn việc đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn và phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch; tăng cường đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các hiện tượng thiếu lành mạnh, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Báo chí đã đi vào phân tích, làm rõ, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, mơ hồ về chính trị, các biểu hiện, luận điệu sai trái, xuyên tạc, các vi phạm nguyên tắc, nhất là trong tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên... Từ đó đã góp phần bảo đảm mục tiêu, lợi ích của đất nước, của xã hội, của nhân dân cũng như của Đảng, của chính quyền và các tổ chức khác trong xã hội.

Tựu chung, trong quá trình đổi mới đất nước, báo chí cách mạng đã kiên trì bảo vệ đường lối đổi mới của Đảng, giữ vững định hướng chính trị, thực hiện định hướng, thông tin kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, đấu tranh với thông tin, quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phê phán những quan điểm, nhận thức sai trái, biểu hiện tiêu cực, trì trệ, góp phần kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

(còn nữa)

Lê Mậu Lâm
(Phó Trưởng ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân)