Thứ 4, 06/11/2024, 03:57[GMT+7]

Không tuyệt vọng trước “bóng đêm”

Thứ 2, 11/07/2022 | 08:35:52
2,863 lượt xem
Số phận không cho những người khiếm thị một đôi mắt sáng như bao người khác để có thể nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp, nhưng thay vì sợ hãi, chán nản, tuyệt vọng, những người khiếm thị luôn biết cách làm cho cuộc sống bừng sáng bằng tinh thần lạc quan, ý chí, nghị lực phi thường của mình.

Cuộc sống của con là động lực để chị Thảo nỗ lực, cố gắng mỗi ngày.

Lớn lên ở vùng quê Duyên Hải (Hưng Hà), chị Nguyễn Thị Muôn không được may mắn như những bạn bè cùng trang lứa. Do di truyền từ người cha nên ngay từ khi sinh ra chị đã bị mù. Cuộc sống của một người khiếm thị luôn rất khó khăn do bị bó hẹp trong bóng tối, cùng với đó là sự tự ti, mặc cảm. Bố mẹ chỉ có chị là con duy nhất, bố bị khiếm thị, sức khỏe của mẹ cũng không được tốt nên hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Năm 2005, qua sự giới thiệu của Hội Người mù huyện Hưng Hà, chị Muôn được tiếp nhận về Hội Người mù tỉnh. 

Ở đây chị được học nghề xoa bóp, bấm huyệt, được học chữ braille (chữ nổi dành riêng cho người khiếm thị), được học văn hóa và được tạo điều kiện tham gia khóa đào tạo giáo viên dạy chữ braille. Điều quan trọng là ở đó chị được sống trong tình yêu thương, sự chăm sóc, chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ, giúp chị có thêm động lực thắp lên ánh sáng cuộc đời. Càng đặc biệt hơn, chính ở nơi đây chị đã gặp được người bạn đời của mình để rồi kết quả của mối tình đẹp ấy là anh chị có một cậu con trai kháu khỉnh, thông minh, khỏe mạnh.

Hiện nay, ngoài việc dạy chữ cho những người khiếm thị, công việc chính của chị Muôn là làm nghề xoa bóp, bấm huyệt, thu nhập của hai vợ chồng từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó chị có kinh tế để chăm sóc và nuôi dạy con, phụ giúp bố mẹ hai bên. 

Chị Muôn tâm sự: Có những thời điểm tôi cũng thấy bế tắc, mặc cảm với số phận; nhưng rất may, được sự chia sẻ, giúp đỡ của những người cùng cảnh ngộ ở Hội Người mù tỉnh, tôi nghĩ mình không được tuyệt vọng. Bây giờ mình càng phải sống mạnh mẽ hơn vì còn con nhỏ và bố mẹ già phải chăm lo.

Cũng giống như chị Muôn, chị Phí Thị Thảo ở xã Thái Đô (Thái Thụy) có một tuổi thơ mặc cảm và tuyệt vọng do bị mù bẩm sinh. Trước đây, việc biết đọc sách, viết chữ với chị là điều “không tưởng” nhưng bằng tinh thần lạc quan và nghị lực, ý chí vươn lên, chị đã tìm đến Hội Người mù tỉnh để được học nghề, học chữ. Giờ đây chị đã có thể đọc, viết thành thạo. Ở đây chị cũng được học nghề xoa bóp, bấm huyệt, nhờ đó chị có công việc ổn định. 

Chị Thảo cho biết: Vào mùa hè thì thu nhập được khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, mùa đông thì thấp hơn. Giờ đây tôi là mẹ đơn thân, cậu con trai do ảnh hưởng di truyền từ mẹ nên cũng không nhìn thấy rõ. Nhiều lúc cũng buồn lắm nhưng nhờ những chia sẻ, động viên của các anh chị ở đây nên hai mẹ con vẫn giữ tinh thần lạc quan và cảm thấy cuộc sống vẫn còn những điều tốt đẹp đang chờ đợi mình.

Để đồng hành cùng người khiếm thị, thời gian qua, các cấp hội người mù trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp họ có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống. Những người khiếm thị đã và đang tìm thấy cho mình nguồn sáng cuộc đời. 

Ông Bùi Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Bản thân mỗi người sinh ra ai cũng mưu cầu sức khỏe, hạnh phúc. Người khiếm thị là những người yếu thế trong xã hội nhưng không vì vậy mà họ tuyệt vọng trước số phận. Ở Hội Người mù tỉnh, anh em chúng tôi luôn động viên, giúp đỡ nhau để vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, Hội có 1.714 người khiếm thị được hưởng trợ cấp thường xuyên, 473 người được hưởng các chính sách khác. Ngoài việc hỗ trợ hội viên về đào tạo nghề, việc làm, Tỉnh hội còn giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thời gian tới, Hội Người mù tỉnh tiếp tục triển khai cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên bình đẳng hòa nhập cộng đồng”. Duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo tiền đề để đẩy mạnh các hoạt động hội. Tích cực thành lập chi hội và hướng dẫn chi hội hoạt động hiệu quả. Phấn đấu sản xuất và tiêu thụ trên một triệu gói tăm. Tăng cường trao đổi, thống nhất và cùng định hướng cho sự phát triển nghề xoa bóp, bấm huyệt giữa các cơ sở trong và ngoài hội nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo vệ thương hiệu “tẩm quất người mù”.

Duy Tùng