Thứ 7, 23/11/2024, 05:26[GMT+7]

Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) Nơi xoa dịu nỗi đau

Thứ 4, 20/07/2022 | 06:54:03
1,943 lượt xem
Những ngày tháng 7, có dịp thăm các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, xã Đông Kinh (Đông Hưng), chúng tôi mới cảm nhận được những mất mát, đau đớn do chiến tranh để lại trên cơ thể họ. Thấu hiểu và biết ơn công lao to lớn đó, cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn nỗ lực chăm sóc để phần nào xoa dịu nỗi đau của những người lính sau chiến tranh.

Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng quà các thương binh, bệnh binh nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Năm nay 65 tuổi, bệnh binh Hoàng Anh Quyết, quê xã Tây Ninh (Tiền Hải) đã có hơn 30 năm sống tại Trung tâm với căn bệnh tâm thần phân liệt. Cuộc sống hàng ngày của ông là những liều thuốc an thần, những buổi tập luyện phục hồi chức năng để quên đi nỗi đau do di chứng chiến tranh để lại. 

Tâm sự với chúng tôi, bệnh binh Hoàng Anh Quyết cho biết, ông nhập ngũ ngày 10/3/1979, chiến đấu tại mặt trận Campuchia. Trong một trận đánh với quân địch, ông bị thương, hiện vẫn còn 3 mảnh đạn trong người. Mỗi khi thời tiết thay đổi, cơn đau tái phát, ông lại rơi vào trạng thái hoang tưởng, đi lang thang, đôi lúc đập phá đồ đạc. Để ổn định tâm lý, mỗi ngày ông đều phải duy trì việc uống thuốc.  

Bệnh binh Hoàng Anh Quyết là 1 trong 63 người có công đang được chăm sóc tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi cho người tâm thần. Họ là những thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ, con của người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học. Hầu hết họ mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt, không làm chủ được bản thân nên việc chăm sóc gặp rất nhiều khó khăn. 

Điều dưỡng Nguyễn Thị Tươi, Trưởng khoa Người có công của Trung tâm chia sẻ: Di chứng của chiến tranh để lại cho các thương bệnh binh chủ yếu về mặt sức khỏe, tinh thần. Có những lúc bệnh nhân suy tư, kích động, hoang tưởng do không làm chủ được hành vi đã gây ảnh hưởng tới tính mạng của bản thân, cộng đồng và tính mạng cho cả cán bộ Trung tâm nên mỗi cán bộ Trung tâm luôn xác định phải sâu sát tới cuộc sống của từng người bệnh, can thiệp kịp thời những diễn biến bất thường của người bệnh, giúp họ vơi đi nỗi đau do di chứng chiến tranh để lại. Vào mùa nắng nóng bệnh nhân có biểu hiện tái phát cơn, hoang tưởng, suy tư trầm cảm; để xoa dịu đau đớn cho các thương bệnh binh, ngoài các đơn thuốc điều trị hàng ngày, cán bộ, nhân viên của Trung tâm kêu gọi nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân cải thiện bữa ăn, bổ sung thêm các chất giải nhiệt giúp bệnh nhân yên tâm điều trị.

Thấu hiểu và biết ơn công lao to lớn của các thương binh, bệnh binh, cán bộ, nhân viên Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần luôn nỗ lực chăm sóc, coi các thương binh, bệnh binh như người thân trong gia đình, cùng bảo ban nhau chăm sóc thương bệnh binh tốt hơn. 

Ông Phạm Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị chăm sóc cho người bệnh tại Trung tâm còn nhiều thiếu thốn song những năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn xác định phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc cho người bệnh, đặc biệt là đối tượng tâm thần là người có công chu đáo và đầy đủ. Chúng tôi luôn quán triệt, chỉ đạo cán bộ, nhân viên Trung tâm thường xuyên thăm hỏi, động viên chia sẻ hàng ngày, lắng nghe tâm tư của người bệnh, từ đó có phương pháp chăm sóc cụ thể. Năm nay, kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngay từ cuối tháng 6, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, bổ sung thêm các bữa ăn giàu chất dinh dưỡng cho người bệnh theo đúng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, duy trì các hoạt động văn nghệ tại Khoa để người bệnh cùng giao lưu văn nghệ... tạo sự vui vẻ, gắn bó của người bệnh với Trung tâm, từ đó giúp họ điều trị bệnh hiệu quả.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng di chứng của chiến tranh để lại còn rất nặng nề. Sự quan tâm chăm sóc tận tình, chu đáo của tập thể cán bộ Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần sẽ là nguồn động viên to lớn giúp các thương bệnh binh vượt qua nỗi đau bệnh tật, có thêm niềm tin vào cuộc sống. Đó là những việc làm ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn đối với người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Hàng ngày, cán bộ, nhân viên Trung tâm chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho từng người bệnh.

Nguyễn Cường