Thứ 4, 31/07/2024, 09:26[GMT+7]

Anh dũng thời chiến, tỏa sáng thời bình

Thứ 4, 27/07/2022 | 08:07:26
1,224 lượt xem
Chiến tranh kết thúc, trở về cuộc sống đời thường, dù mang trong mình thương tật hay mất đi một phần sức khỏe, các thương binh, bệnh binh với khí chất người lính Cụ Hồ vẫn luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên trên mặt trận mới, trở thành những tấm gương tiêu biểu.

Mô hình phát triển kinh tế của cựu chiến binh xã Đồng Tiến ( Quỳnh Phụ).

Năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn quyết liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Phạm Ngọc Sơn (xã Phú Châu, huyện Đông Hưng) bấy giờ mới 17 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ. Ngày 26/6/1972, ông dẫn đầu đoàn xe 42 chiếc vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm tiếp ứng cho mặt trận Thành cổ Quảng Trị. Khi tới trọng điểm dốc Con Mèo, xe ông trúng bom napan của địch, bốc cháy dữ dội. Dù toàn thân bị bỏng nhưng ông vẫn bình tĩnh thực hiện nhiệm vụ. Sau lần ấy, Phạm Ngọc Sơn được đồng đội đặt cho biệt danh “Sơn cháy”. Tháng 2/1979, chiến tranh biên giới nổ ra, Phạm Ngọc Sơn tình nguyện tái ngũ, tiếp tục hành trình lái xe phục vụ chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn.

Trở về cuộc sống đời thường, ông vận động nhiều đồng đội cùng góp vốn thành lập Hợp tác xã vận tải thủy bộ Đông Hưng (nay là Xí nghiệp Vận tải 27/7 huyện Đông Hưng). Hiện Xí nghiệp có trên 60 đầu xe, phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa đến các tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 200 lao động là con em cựu chiến binh và đối tượng chính sách. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn luôn đau đáu nỗi niềm quan tâm, chăm lo cho những đồng đội, thân nhân người có công với cách mạng để cuộc sống của họ ngày một tốt đẹp hơn. Những năm qua, ông và gia đình đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa tặng đồng đội; cùng với đó, ông luôn tích cực vận động các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương, chia sẻ, giúp đỡ đồng đội vơi bớt khó khăn. Đặc biệt, ông đầu tư kinh phí để thực hiện những chuyến xe 0 đồng đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đông Huy (nay là xã Đông Quan, huyện Đông Hưng), theo tiếng gọi của Tổ quốc, tháng 5/1972 chàng trai trẻ Hoàng Quốc Lập lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu giải phóng chi khu Dầu Tiếng (Tây Ninh), quận lỵ Chơn Thành (Bình Dương), tham gia mặt trận Xuân Lộc, Trảng Bom, Biên Hòa (Đồng Nai). Đặc biệt, ngày 30/4/1975, ông là một trong những người lính của quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập. Năm 1977, ông tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới. Tháng 3/1983, ông rời quân ngũ, trở về quê hương với những vết thương trên cơ thể. Ghi nhớ lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông xác định phải cố gắng làm được điều gì đó đóng góp cho xã hội. Từ suy nghĩ ấy, bản thân ông không ngừng học hỏi và kinh doanh qua nhiều lĩnh vực. Trải không ít thăng trầm, đến nay Công ty TNHH 27-7 Tiền Phong do ông làm Giám đốc đã đạt được nhiều thành tựu, doanh thu hàng năm từ 25 - 35 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50 - 60 lao động. Thành công trên thương trường, ông không quên những ngày gian khó, thường xuyên thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là giúp đỡ các gia đình chính sách để họ vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Cựu chiến binh Hoàng Quốc Lập (người bên trái).

Với cựu chiến binh Đặng Xuân Chỉnh, thôn 8, xã Vũ Trung (Kiến Xương), sau những năm tháng vào sinh ra tử tại chiến trường Quảng Trị, trở về với cuộc sống đời thường sức khỏe của ông suy giảm do ảnh hưởng của chất độc hóa học. Phát huy khí chất người lính Cụ Hồ, ông luôn gương mẫu, chấp hành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến nay, cựu chiến binh Đặng Xuân Chỉnh đã có 20 năm làm Bí thư Chi bộ, 19 năm làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Hiện ông đang là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vũ Trung, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Công việc vất vả nhưng ông luôn nhiệt tình, hăng hái vì phong trào của địa phương. Đặc biệt, ông luôn tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, xã Vũ Trung là một trong những địa phương sớm về đích nông thôn mới. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang ra sức phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Cựu chiến binh Đặng Xuân Chỉnh.

Với ý chí và nghị lực của mình, các cựu chiến binh đã vượt qua nhiều khó khăn, chiến thắng thương tật, trở thành những tấm gương tiêu biểu, luôn hăng hái đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Điều đó thật đáng trân trọng!

Đỗ Hồng Anh