Thứ 4, 27/11/2024, 11:40[GMT+7]

Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Thứ 4, 10/08/2022 | 05:49:29
5,941 lượt xem
Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Hàng triệu người Việt Nam vẫn đang phải sống trong nỗi đau của bệnh tật; đáng sợ hơn, ảnh hưởng của chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh tổ chức trao quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cho nạn nhân chất độc da cam huyện Đông Hưng.

Ở tuổi ngoài 80, đáng nhẽ vợ chồng ông Đinh Văn Bính, bà Tạ Thị Yến ở tổ 12, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) phải được hưởng sự an nhàn nhưng suốt hơn 40 năm qua, chưa đêm nào ông bà được ngủ yên giấc bởi 1 trong 3 người con bị thiểu năng trí tuệ do di chứng chất độc da cam. Ông Bính nhập ngũ năm 1964, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5; trở về sau chiến tranh, ông bị di chứng của chất độc hóa học. 

Ông Bính chia sẻ: Là nạn nhân trực tiếp với nhiều bệnh tật đã đành, đằng này lại nhiễm sang cả thế hệ thứ hai. Hơn 40 năm nay, con gái tôi chưa từng gọi được câu bố ơi, mẹ ơi... Mọi sinh hoạt cá nhân của cháu đều phụ thuộc vào bố mẹ. Nhiều khi nghĩ thương con mà không cầm được nước mắt. Vợ chồng tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi, thường xuyên đau ốm nhưng vẫn phải lo chăm sóc cho con. Tôi chỉ có nguyện vọng sau này khi vợ chồng tôi không còn nữa, có trung tâm bảo trợ xã hội nào đó nhận chăm sóc, nuôi dưỡng con gái tôi, để cháu tiếp tục được sống những tháng ngày còn lại.

Sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Thái Bình có trên 30.000 người hoạt động kháng chiến và con cháu họ bị phơi nhiễm chất độc da cam. Đến nay đã có trên 2.000 người bị chết, nhiều người mang bệnh tật hiểm nghèo, con cháu họ bị tật nguyền do tác hại của chất độc hóa học. Với mục tiêu “Tất cả vì nạn nhân chất độc da cam”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/Điôxin trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực như tập trung vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhằm giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam gặp khó khăn; tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán, ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8), xây nhà tình thương, trợ cấp khó khăn, tặng xe lăn, xe lắc, trao học bổng cho con nạn nhân, hỗ trợ vốn sản xuất; phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương tổ chức vận động và thăm viếng, hỗ trợ hàng nghìn gia đình chính sách, người khuyết tật, hộ nghèo, trong đó có gia đình nạn nhân chất độc da cam.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh thăm hỏi, trao quà cho gia đình ông Đinh Văn Bính, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình).

Ông Nguyễn Kim Nhật, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh cho biết: Xác định công tác vận động nguồn lực để chăm sóc nạn nhân chất độc da cam là một trong các nhiệm vụ chủ yếu của Tỉnh hội nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa việc chăm sóc giúp đỡ các đối tượng chính sách, thời gian qua việc vận động nguồn lực được thực hiện ở cả 3 cấp hội tỉnh, huyện, xã; đồng thời kết hợp giữa tổ chức vận động tập trung nhân kỷ niệm các ngày có ý nghĩa quan trọng với vận động nhỏ lẻ thường xuyên. Mỗi năm, Tỉnh hội vận động được từ 1 tỷ đồng trở lên, có năm vận động được 8 đến 9 tỷ đồng. Ngoài ra, tổ chức hội cấp huyện, cấp xã đã vận động được số tiền trên 15 tỷ đồng. Kết quả đó đã góp phần thiết thực trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Với nguồn lực vận động được từ xã hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh đã tập trung vào nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân thông qua việc xây nhà tình nghĩa, tặng các dụng cụ gia đình, trang thiết bị y tế, trợ cấp khó khăn, tặng học bổng, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán và ngày lễ; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, phục hồi chức năng và phục vụ cho Trung tâm tẩy độc, Trung tâm dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam. Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm tẩy độc của Hội đã thực hiện 67 đợt tẩy độc cho 1.005 người. 

Ông Nguyễn Hữu Dụng ở xã Hồng Bạch (Đông Hưng) từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, xuất ngũ ông bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Ông tâm sự: Thời gian trước tôi bị thấp khớp, xoang mũi, hay ốm vặt nhưng sau lần đi tẩy độc năm 2017 tôi thấy sức khỏe tốt hơn hẳn, bản thân thấy ăn ngon, ngủ ngon, một số bệnh mãn tính cũng giảm nhiều. Nhận thấy lợi ích của việc tẩy độc, năm nay tôi tiếp tục đăng ký tham gia để cải thiện sức khỏe.

Với sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị, mong rằng sẽ có nhiều tấm lòng, nhiều nhà hảo tâm hơn nữa động viên, chia sẻ, hỗ trợ thiết thực những người nhiễm chất độc da cam để họ được tiếp thêm động lực, vượt lên nỗi đau, giành lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Ông Cao Trung Thịnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin thành phố Thái Bình
Thành phố hiện có 2.568 người bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Trong đó có 2.221 người là nạn nhân trực tiếp; 347 cháu là nạn nhân gián tiếp. Hầu hết đời sống của gia đình các nạn nhân chất độc da cam đều hết sức khó khăn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động và kêu gọi các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ nguồn lực để có điều kiện tốt hơn chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam, nhất là các nạn nhân còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, giúp họ vơi đi nỗi đau, thiếu thốn về vật chất trong đời sống. Đây vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm của ban chấp hành hội các cấp đối với nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố.


Ông Phạm Văn Hán, thôn Tam Lạc 2, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình
Trở về sau chiến tranh, tôi bị di chứng của chất độc da cam; ảnh hưởng của chất độc da cam cũng đã truyền sang thế hệ thứ 2 là những người con của tôi. Vợ chồng tôi tuổi cao, sức khỏe yếu nên cuộc sống hết sức khó khăn, thời gian trước ở trong căn nhà cũ lụp xụp, xuống cấp, rất khổ sở. Nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của hội nạn nhân chất độc da cam/Điôxin các cấp nên năm ngoái gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây căn nhà mới. Giờ đây, được sống trong căn nhà khang trang, kiên cố, tôi rất phấn khởi vì không còn phải lo lắng mỗi khi mưa bão.


Chị Nguyễn Thanh Huyền, thành phố Hà Nội
Chẳng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người phụ nữ khi sinh ra những đứa con không lành lặn. Chính vì vậy, tôi và các bạn trong câu lạc bộ “Bước chân yêu thương” đã cùng nhau quyên góp, ủng hộ những món quà bằng tiền và hiện vật tới các nạn nhân chất độc da cam tại Thái Bình với tổng trị giá trên 160 triệu đồng. Tôi mong muốn những việc làm nhỏ ấy sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau mà nạn nhân chất độc da cam đang phải gánh chịu.


Đỗ Hồng Gia