Thứ 6, 09/08/2024, 07:28[GMT+7]

Làng hoa, cây cảnh xã Minh Tân - Đông Hưng Làng "phát lộc"

Thứ 4, 01/09/2010 | 08:59:49
4,353 lượt xem
Cây phát lộc đang được người dân thôn Đình Phùng xã Minh Tân, huyện Đông Hưng làm ra với những sản phẩm trang trí được ưa chuộng. Sự sáng tạo ấy đã đem lại cho các hộ dân nơi đây hàng năm có thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng. Điều quan trọng hơn là họ đã tạo ra được thương hiệu riêng cho làng mình.

Cây phát lộc trang trí ưa chuộng

"Nảy"...nghề!
Những ngày này, vào thôn Đình Phùng, xã Minh Tân, huyện Đông Hưng đều thấy cây phát lộc được mọi nhà cắt thu gom mang về để chuẩn bị "hoá thân" chúng thành những lẵng cây, chậu tháp...nhằm phục vụ khách chơi trong mùa cưới, tân gia và Tết Tân Mão sắp tới.

Đến nhà nào cùng thấy trước sân bày la liệt: chậu hoa, dây đai trang trí, cát mịn, keo bôi....Là người làm nghề lâu năm của làng, anh Nguyễn Văn Duyệt cho hay; hàng năm cứ khi vụ mùa cấy xong là cả thôn lại hối hả chuẩn bị mùa vụ làm cây. Nghề làm tháp cây phát lộc này có từ 5 năm nay, người dân ở đây cho biết có người ở làng đi Trung Quốc chơi thấy bên đó họ làm bán, vậy là khi về nhà họ tự làm được và sau nhiều người cũng bắt chước theo.

Để tạo được các chậu cây có nhiều tầng, lại ra mầm, bắn nõn, nhú lộc...vào độ tháng 9, 10 (thời điểm dân bắt đầu chơi cây) cây phát lộc được người dân cắt về làm từ bây giờ. Muốn làm được 1 tháp cây phát lộc mà các tầng tháp khi cùng một lúc nảy mầm ra những người làm cây ở đây đã phải mất nhiều công sức mày mò nghiên cứu.

Ngay từ khâu trồng cây lúc đầu năm người trồng phải lọc ra sao cho các mầm cây khi mang ươm trồng đều có độ tuổi bằng nhau, rồi khi lớn lên phải dùng tre, dây căng buộc, bắc dàn để cho cây lên thẳng. Khi hoàn thành sản phẩm mà gặp gió đông, heo may, hoặc thời tiết lạnh lại phải che chắn, lựa nước mà giữ độ ẩm trong chậu sao cho cây điều tiết hút nước đều...

Là một người có "bàn tay vàng" của thôn, anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Cái nghề này cũng lích kích lắm, nào keo, nào chậu, dây đai, xi gắn, thuốc...Có thế mới cho ra được sản phẩm khách nào đến cũng ưng ý". Còn để làm ra một chậu cây đẹp không phải mất thời gian chỉnh sửa nhiều hay trong thời gian chờ bắn lộc chúng không hư hỏng úa lụi, thì đòi hỏi người làm cây phải hết sức cẩn trọng trong từng công đoạn. Anh Duyệt bật mí: "Đầu tiên phải chọn làm sao sắp xếp cho các cây lấy về thân to, nhỏ, non, già đều nhau, các mắt cây quay ra ngoài cùng một hướng.

Rồi sau đó, lượng cát đổ vào trong chậu nuôi cây, độ ẩm vừa phải, nhỏ xi vít đầu ngọn sao cho gọn, tầy...". Trước đây, ở xã Minh Tân cây phát lộc người dân trồng chủ yếu là để bán cùng với các loại hoa khác phục vụ cho các ngày rằm, lễ chạp, tư tết... Nên trồng cả sào thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, kể từ ngày làm nghề chậu cảnh này, chẳng những tận dụng những cây cong, cây già làm vào những chậu phù hợp, mà thu nhập còn cao hơn gấp hàng chục lần so với bán cây như trước đây. Nguồn cây ở thôn thường không đủ, nên cuối năm các "nhà cây" phải lên cả Hà Nội, sang Hưng Yên, Hải Phòng mua cây về mới đủ nguồn hàng cung cấp ra thị trường.

Lên đời
Mặc dù vừa mới vào mùa làm cây được hơn tuần nay, song nhiều gia đình đã có khách đến đặt mua hàng, anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết; gia đình anh vừa mới nhận được khách trên Hà Nội đặt trước 40 triệu tiền hàng. Giá bán mỗi chậu cây phát lộc vào thời điểm chính vụ thường dao động từ 200 ngàn đến 1 triệu đồng/chậu (loại tháp cao 3 tầng đến 7 tầng) tuỳ thuộc vào từng kích cỡ to, nhỏ, cá biệt loại 9 đến 13 tầng (cao 1.500cm) thì giá bán khoảng gần 2 triệu đồng/chậu.

Mỗi chậu chưa kể cây làm, đầu tư: dây đai, keo, xi gắn...mất gần trăm ngàn, còn chậu lớn thì hơn và phải mất đến 2 công làm mới hoàn thành xong, trừ chi phí đi người làm lãi một gấp ba, gấp bốn. Trung bình mỗi hộ gia đình làm cây ở thôn Đình Phùng hàng năm bán được 200 đến 600 chậu, đem lại thu nhập từ 40 đến 70 triệu/hộ. Cây phát lộc vốn dễ sống, khi làm thành những chậu cây hình tháp trông vừa thẩm mỹ mà chơi lại bền, mỗi chậu cây trên nếu bảo quản chăm sóc tốt người chơi có thể để đến ba năm.

Nhờ nghề làm tháp cây phát lộc phát triển mà khiến cho các hộ dân làm nghề quay chậu hoa ở các xã vùng lân cận cũng bận rộn quanh năm. Còn lâu mới đến Tết, nhưng riêng đối với người dân thôn Đình Phùng, xã Minh Tân thì không khí xuân đã từ 3 năm nay đã chộn rộn lên ngay từ đầu tháng 8. Cứ sang đầu tháng chạp trở đi cả làng trở thành "khu du lịch: Cây - hoa", các ngả đường vào thôn đều chật cứng xe lớn, xe bé từ các tỉnh về mua cây.

Từ xã thuần nông nay nhờ có nghề làm cây cảnh mà đời sống của người dân tại đây đã được cải thiện lớn. Các tiện nghi, vật dụng đắt tiền có trong nhà người dân ở Minh Tân không còn là “chuyện lạ” nữa! Giờ người dân chỉ còn nghĩ đến việc chăm chút cho thương hiệu cây cảnh làng mình ngày càng có sức lan toả vươn đi khắp mọi miền. Anh Nguyễn Văn Duyệt phấn khởi khoe: "Năm ngoái gia đình tôi còn có khách mua 10 chậu mang sang tận nước Nga để chơi đó! "

Dương Tiến Chính

  • Từ khóa

Pham thanh hoan - 4 năm trước

Tôi muốn biết số Đ T của chủ nhà babs cáy phát lộc xã minh tân ai biết cho tôi xin Xin cảm ơn

Tải thêm