Thứ 5, 25/04/2024, 07:04[GMT+7]

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của nông dân Thái Bình

Thứ 6, 02/09/2022 | 07:17:24
2,550 lượt xem
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nông dân Thái Bình luôn phát huy truyền thống yêu nước, tích cực lao động sản xuất, chiến đấu, góp phần cùng cả nước giành độc lập dân tộc. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, những người nông dân quê lúa tiếp tục thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nông dân Trương Văn Đãng, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) thu hơn 600 triệu đồng/năm từ mô hình trồng đào.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang

Cùng với cuộc đấu tranh của nông dân cả nước, phong trào đấu tranh của nông dân Thái Bình trước Cách mạng Tháng Tám diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Huyện Tiền Hải là một trong những cái nôi của phong trào đó với cuộc biểu tình của nông dân các xã trong huyện vào ngày 14/10/1930 ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Trên mảnh đất này vẫn còn đó những minh chứng lịch sử về thời khắc nhân dân các làng Nho Lâm, Đông Cao, Thanh Giám… vùng lên đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Cuộc biểu tình tuy thất bại nhưng đã để lại tiếng vang lớn trong cả nước.

Từ sau cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải, nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà, phong trào đấu tranh của nông dân Thái Bình ngày càng phát triển, tạo tiền đề quan trọng để Thái Bình cùng với cả nước nổi dậy thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Trong các cuộc kháng chiến, nông dân Thái Bình là lực lượng hùng hậu không chỉ sản xuất giỏi mà còn chiến đấu giỏi, là hậu phương vững chắc góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Các phong trào: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tay cày tay súng”, làm thủy lợi… luôn có sự hưởng ứng, tham gia tích cực, chủ lực của nông dân và đã trở thành cao trào quyết tâm đánh thắng giặc trên mọi lĩnh vực, mà đỉnh cao nhất là thành tích đạt 5 tấn thóc/ha năm 1966, được Bác Hồ ngợi khen. Những năm sau đó, chính sự đóng góp tích cực của nông dân Thái Bình đã góp phần củng cố hậu phương vững chắc, làm ra nhiều của cải chi viện cho chiến trường, góp phần đánh thắng quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Chung sức xây dựng quê hương

Phát huy truyền thống yêu nước,cách mạng của quê hương, những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tập trung xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh; huy động trí tuệ, sức lực của nông dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, làm giàu cho quê hương; đặc biệt là tổ chức hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Từ đầu năm đến nay, hội nông dân từ tỉnh tới cơ sở đã phối hợp tổ chức hơn 600 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác hội và việc thực hiện phong trào; tổ chức 616 lớp tập huấn cho hơn 42.000 lượt cán bộ, hội viên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cấy lúa thân thiện với môi trường. Hội Nông dân tỉnh đã cung ứng hơn 1.200 tấn phân bón, hơn 500 tấn thóc giống để hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất. Toàn hội đã tín chấp với các ngân hàng hơn 3.200 tỷ đồng cho hơn 62.800 hộ vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đạt hơn 31 tỷ đồng cho 83 dự án với 1.530 hộ vay.

Cùng với việc tổ chức, xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, tạo kênh tiêu thụ sản phẩm mới cho nông dân; qua đó góp phần đào tạo nông dân thích ứng nhanh hơn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để làm giàu, nâng cao thu nhập. Vốn bản tính cần cù lại được tổ chức hội hỗ trợ về vốn, kiến thức, nông dân Thái Bình đã tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai, năng động, sáng tạo, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Năm 2021, toàn tỉnh có trên 84% hội viên nông dân đăng ký thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, qua bình xét có trên 75% đạt danh hiệu; 6 tháng đầu năm 2022 có 85% hội viên nông dân đăng ký thực hiện phong trào thi đua. Không chỉ tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động mà nhiều hội viên nông dân còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương. 100% hội viên nông dân đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Chi hội không có người sinh con thứ ba”.

Trong xây dựng nông thôn mới, hội viên nông dân đã ủng hộ hơn 67,8 tỷ đồng, tham gia làm mới và sửa chữa hơn 380km đường giao thông nông thôn. Tổ chức hội cũng đã xây dựng được 113 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hơn 242.000 hộ hội viên ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất và kinh doanh nông sản bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, các mô hình như sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, hội viên nông dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn, nói không với sản phẩm nhựa đã góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay Thái Bình có 24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã hoàn thành 11/11 tiêu chí.


Ông Tạ Đình Cung,Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Phụ

Hội Nông dân huyện Quỳnh Phụ đã tổ chức nhiều chương trình phối hợp mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên. Đã có hàng nghìn lượt hội viên tham gia các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tổ chức hội đã phát động tới 100% hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ các chương trình phối hợp giúp tổ chức hội xây dựng được các mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh; khai thác tiềm năng, lợi thế về nguồn vốn, đất đai, lao động và điều kiện cụ thể của địa phương… tạo bước đột phá trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân.
Ông Trần Hữu Đích, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hưng Hà

Hội Nông dân huyện luôn phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giúp đỡ hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, hội nông dân từ huyện tới cơ sở đã vận động hàng trăm suất quà tặng người nghèo nhân dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm; ủng hộ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết; đứng ra tín chấp với các ngân hàng giúp hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế. Nhờ làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết hội viên nên các phong trào, hoạt động của tổ chức hội thu hút đông đảo hội viên tham gia, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.


Ông Nguyễn Như Lĩnh, xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy

Xuất phát điểm là nông dân gắn bó với ruộng đồng, tôi được các cấp hội giúp đỡ bằng việc cho vay vốn mở cơ sở sửa chữa máy nông nghiệp. Sau hơn 15 năm, cơ sở của tôi đã phát triển thành doanh nghiệp, tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 6,5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, doanh nghiệp của tôi xuất bán hơn 10.000 sản phẩm máy nông nghiệp; 100% người lao động trong doanh nghiệp được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Tôi rất cảm ơn và mong muốn các cấp hội nông dân sẽ luôn đồng hành cùng nông dân, giúp đỡ được thêm nhiều hội viên như tôi vươn lên phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng phát triển.


Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày