Thứ 4, 27/11/2024, 09:35[GMT+7]

Hoa Champa nở trên đất lúa

Thứ 6, 09/09/2022 | 09:06:45
875 lượt xem
Giữa những ngày miền Bắc đang chia lửa với miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1969, Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cho Phân hiệu Đại học Y khoa Thái Bình, nay là Trường Đại học Y Dược Thái Bình đào tạo nguồn nhân lực y tế có trình độ đại học trở lên cho nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình trong giờ lên lớp.

Những mầm xanh đầu tiên ấy đã đón nhận sự đùm bọc, chở che của đất và người Thái Bình. Qua hơn nửa thế kỷ, bao lớp cán bộ, bác sĩ không chỉ lĩnh hội những kiến thức quý báu để trở về xây dựng và phát triển nền y tế của đất nước Triệu voi mà còn như những đóa hoa Champa tỏa ngát hương bồi đắp thêm tình hữu nghị keo sơn giữa hai dân tộc.

Mảnh đất Thái Bình không chỉ là nơi in dấu những năm tháng thanh xuân miệt mài học tập dưới mái trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình của những lưu học sinh Lào, miền quê lúa còn là nơi vun đắp nên duyên chồng vợ của đôi bạn trẻ Boun Pheng và Phet Sa Mon. Tuy học khác khóa nhưng Boun Pheng và Phet Sa Mon đều có chung một mái ấm gia đình tại Việt Nam, chung tình yêu thương, đùm bọc của bố mẹ nuôi là Đại tá, 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Bình và vợ ông - bà Nguyễn Thị Vui. Giờ đây, cả Boun Pheng và Phet Sa Mon đều đã tốt nghiệp, mang những kiến thức đã được học tập về nước phục vụ nhân dân và phát triển nền y tế của Lào. 

Bác sĩ Boun Pheng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội - Viêng Chăn, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào chia sẻ: Dù năm tháng qua đi nhưng những tình cảm sâu nặng nghĩa tình của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam nói chung, đất và người Thái Bình nói riêng, trong đó có gia đình bố mẹ nuôi chúng tôi dành cho những lưu học sinh Lào sẽ mãi không bao giờ phai mờ. Bên cạnh việc tiếp thu kiến thức, nỗi nhớ quê nhà cũng vơi đi khi đón nhận sự quan tâm, động viên của thầy cô, bạn bè, sự chăm lo của gia đình bố mẹ nuôi ở Việt Nam đầy thân thiện và giàu lòng nhân ái. Nhờ đó, chúng tôi có thêm động lực để dần vượt qua những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, thích nghi với cuộc sống và vươn lên trong học tập.

Mang trong mình ước mơ trở thành bác sĩ, Vanh Laddamphan sau khi tốt nghiệp THPT tại Lào đã sang Việt Nam học tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, từ năm 2019 đến nay theo học nâng cao tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Bằng ý chí quyết tâm học tập để trở về phục vụ đất nước, chàng trai quê Xiengkhuang đã cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống để vươn lên đạt được nhiều thành tích trong học tập. 

Sinh viên Vanh Laddamphan, lớp Y4C, Trưởng đoàn lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình chia sẻ: Qua tìm hiểu lịch sử em được biết tỉnh Xiengkhuang trong kháng chiến chống Mỹ từng được xem là vùng đất chết khi hứng chịu một lượng bom đạn khổng lồ, hơn 15.000 chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu để giải phóng quê hương em. Đất nước và nhân dân Lào luôn khắc ghi nghĩa tình sâu nặng của Đảng, Nhà nước, bộ đội và nhân dân Việt Nam. Đang sinh sống và học tập trên quê hương Thái Bình, chúng em nhận được rất nhiều tình cảm quan tâm, động viên, giúp đỡ của nhà trường, thầy cô và các bạn sinh viên. Các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao do nhà trường tổ chức chúng em đều hưởng ứng tham gia nhiệt tình. Cùng với đó, UBND tỉnh Thái Bình, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giao lưu, chúc mừng vào dịp lễ, tết truyền thống. 

Sinh viên Alisa SengKeo, lớp Y4C chia sẻ thêm: Chúng em cảm thấy may mắn khi được học tập tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình, ngôi trường giàu truyền thống, các thầy cô có trình độ chuyên môn cao, hệ thống trang thiết bị hiện đại và đặc biệt, sinh viên có nhiều thời gian thực tập tại bệnh viện nên chúng em rất tự tin áp dụng những kiến thức của mình đã học. Em gắn bó và coi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình khi chia sẻ những khó khăn trong học tập và cuộc sống đều nhận được sự động viên, giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô, bạn bè nên tạo cho chúng em rất nhiều động lực để phấn đấu học tập tốt, mang kiến thức về phục vụ đất nước trong tương lai.

Trường Đại học Y Dược Thái Bình qua hơn nửa thế kỷ thực hiện trọng trách đào tạo lưu học sinh, đã có 451 sinh viên nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tốt nghiệp các khóa trở về nước công tác. Đội ngũ bác sĩ là lưu học sinh có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, góp phần phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng nền y tế của Lào lớn mạnh toàn diện. 

PGS. TS Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết: Xác định công tác đào tạo lưu học sinh nước ngoài là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, Trường Đại học Y Dược Thái Bình luôn quan tâm giúp đỡ lưu học sinh trong học tập, để sau khi các lưu học sinh tốt nghiệp trở về các em mang theo những kiến thức đã học về phục vụ xây dựng đất nước của mình. Cũng với hành trang ấy, mỗi lưu học sinh sẽ trở thành những sứ giả của tình đoàn kết, mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa Việt Nam và các nước bạn. Trong quá trình đào tạo và quản lý lưu học sinh, nhà trường luôn giữ mối quan hệ với đại sứ quán, bảo đảm đầy đủ các chế độ như: khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bố trí ký túc xá nội trú với những điều kiện tốt nhất, biên soạn tài liệu hỗ trợ và giảng dạy tiếng Việt Nam cho lưu học sinh... Lưu học sinh Lào học tập tại trường luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy nhà trường, các em rất tích cực trong học tập và rèn luyện. Nhà trường thường xuyên phối hợp với UBND tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Bình và các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động gặp mặt, thăm hỏi, động viên, giao lưu nhân dân để các em lưu học sinh vươn lên trong học tập.

Giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình hướng dẫn lưu học sinh Lào thực hành khám chữa bệnh.

Trịnh Cường - Tiến Đạt