Chủ nhật, 19/01/2025, 22:11[GMT+7]

Triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A(H7N9) trên người

Chủ nhật, 14/04/2013 | 17:36:07
1,013 lượt xem
Ngày 11 tháng 4 năm 2013, UBND tỉnh đã ra Công văn số 772/UBND-VX về việc triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A (H7N9) trên người.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Nguồn Internet)

Nội dung như sau:

 

Ủy ban nhân dân tỉnh nhận được Công điện số 1884/CĐ-BYT ngày 4/4/2013 của Bộ Y tế về việc triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9 trên người;

 

Về việc này, UBND tỉnh yêu cầu:

 

- Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp: Thống nhất các biện pháp chỉ đạo phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H7N9 ở người nhắm phát hiện sớm, ngăn chặn dịch lây lan.

 

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường giám sát nhằm phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng. Chủ động vật tư, phương tiện kỹ thuật, tổ cức thường trực chống dịch; khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ tổ chức khám sàng lọc cách ly và kịp thời triển khai các biện pháp nhằm hạn chế lây lan. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc thu dung, cách ly điều trị hạn chế tử vong khi có bệnh nhân. Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đặc biệt là các vùng có nguy cơ như khu vực đầu mối buôn bán, giết mổ gia cầm; khu vực có gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.

 

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm; kịp thời thông báo cho Sở Y tế và chính quyền địa phương để phối hợp xử lý triệt để ổ dịch hạn chế lây lan.

 

- Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, ngăn ngừa nhập lậy gia cầm. Đẩy mạnh cách hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

 

- Sở Tài chính: Bố trí kinh phí dự phòng chống dịch để phục vụ trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

 

- Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh – Truyền hình và các cơ quan thông tin, tuyên truyền phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn trên hệ thống thông tin đại chúng về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân. Cung cấp kịp thời thông tin tới cộng đồng để nhân dân không hoang mang, khi người dân có triệu chứng nghi ngờ đến cơ sở y tế được khám phát hiện và điều trị kịp thời.

 

- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Chịu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, phân công các đơn vị theo dõi, triển khai công tác phòng, chống dịch; Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đôn đốc công tác phòng, chống dịch; Kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở chăn nuôi, buôn ban, giết mổ, cung cấp gia cầm.

 

Nhận Công văn này, yêu cầu các sở, ngành của tỉnh, UBND huyện, thành phố căn cứ theo chức năng nhiệm vụ đã được phân công nghiêm túc triển khai thực hiện; Sở Y tế có trách nhiệm tổng hợp diễn biến dịch, thường huyện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.

 

 

  • Từ khóa