Thứ 3, 05/11/2024, 17:26[GMT+7]

Điểm tựa tin cậy của hội viên

Thứ 3, 27/09/2022 | 08:43:13
3,445 lượt xem
Những năm qua, Hội Người mù huyện Quỳnh Phụ đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, tạo việc làm cho người khiếm thị, trở thành điểm tựa giúp nhiều hội viên và người khiếm thị xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Được vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi, gia đình ông Nguyễn Duy Khoái đã có cuộc sống ổn định.

Vài năm trước, gia đình ông Nguyễn Duy Khoái, thôn Nam Đài, xã Quỳnh Bảo còn nhiều khó khăn. Bản thân ông là thương binh, bị hỏng một mắt, thường xuyên đau yếu. Giúp ông phát triển kinh tế, Hội Người mù huyện Quỳnh Phụ đã giới thiệu ông tham gia học lớp chăn nuôi, trồng trọt và học nghề; liên hệ với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp gia đình ông vay 20 triệu đồng để phát triển sản xuất. Cùng với cấy 8 sào ruộng, có vốn ông mua gà giống chăn nuôi nên bình quân mỗi năm lợi nhuận từ trồng lúa và chăn nuôi mang lại cho gia đình 34 triệu đồng. Sau 5 năm, từ nguồn vốn tiết kiệm được 150 triệu đồng, gia đình ông đã mua được ti vi, tủ lạnh, xe máy. Cùng với số tiền hỗ trợ của nhà nước cho người có công, ông đã xây được căn nhà 60m2 kiên cố. Vui mừng khi cuộc sống có nhiều thay đổi, ông Khoái tâm sự: Nhờ sự quan tâm, động viên của các cấp, các ngành và Hội Người mù huyện trong việc hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho hội viên, không chỉ tôi mà nhiều hội viên có cơ hội vươn lên, vượt qua mặc cảm, phấn đấu có cuộc sống ổn định.

Hội Người mù huyện Quỳnh Phụ hiện có 347 hội viên, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Bà Nguyễn Thị Chanh, Chủ tịch Hội cho biết: Người khiếm thị hay mặc cảm, tự ti. Hiểu được điều đó, Hội Người mù huyện luôn tìm mọi cách để khơi dậy niềm tin, khát vọng, ý chí vươn lên cho họ. Một trong những nhiệm vụ được Hội chú trọng là liên kết với các tổ chức, đơn vị để hội viên được học nghề, vay vốn phát triển sản xuất và tạo việc làm. Các ngành nghề phù hợp với người khiếm thị chủ yếu là tẩm quất, sản xuất tăm tre. Cùng với đó, Hội đứng ra tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Vốn vay được hội viên sử dụng đúng mục đích, trả gốc và lãi đúng kỳ hạn. Được sự động viên của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cấp hội, nhiều hội viên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhờ đó thoát nghèo, từng bước ổn định đời sống.

5 năm qua (2017 - 2022), sản xuất tăm tre của Hội đạt doanh thu 640 triệu đồng; dịch vụ tẩm quất đạt doanh thu trên 120 triệu đồng. Từ nguồn vốn 625 triệu đồng của trung ương và địa phương, toàn huyện có 51 lượt hội viên được vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ được vay vốn, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, điển hình như gia đình ông Hộ, xã Quỳnh Xá, gia đình bà Làu, xã Quỳnh Bảo...

Bên cạnh công tác hỗ trợ tạo việc làm, Hội Người mù huyện Quỳnh Phụ còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện giúp 100% hội viên được hưởng trợ cấp hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí, được vay ưu đãi cho con cái học tập... Hội thường xuyên nắm hoàn cảnh của hội viên để kịp thời động viên, thăm hỏi, tặng quà. Trong 5 năm đã có 3.530 lượt hội viên, người khiếm thị được nhận trợ cấp, tặng quà với số tiền trên 731 triệu đồng...

Với nhiều hoạt động thiết thực, Hội Người mù huyện Quỳnh Phụ trở thành ngôi nhà chung, địa chỉ tin cậy mang đến nhiều đổi thay trong cuộc sống của hội viên. Thời gian tới, Hội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần để tổ chức nhiều hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, qua đó nâng cao đời sống cho người khiếm thị.

Các hội viên có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên được Hội Người mù huyện Quỳnh Phụ thăm hỏi, tặng quà. 

Nguyễn Cường