Chủ nhật, 28/07/2024, 21:23[GMT+7]

Hội Nông dân huyện Kiến Xương: Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Thứ 4, 05/10/2022 | 21:19:27
3,072 lượt xem
Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội nông dân (HND) huyện Kiến Xương trong thời gian qua. Nhờ đó đã có nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay tại quê hương.

Mô hình nuôi gà đẻ của anh Ngô Văn Nguyên (người ngoài cùng bên phải) cho hiệu quả kinh tế cao.

Tới thăm mô hình nuôi gà đẻ của anh Ngô Văn Nguyên, thôn Trà Đông, xã Quang Trung chúng tôi được biết, nhờ có sự tạo điều kiện giúp đỡ của tổ chức hội, anh đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Anh Nguyên tâm sự: Trước đây, tôi từng làm nhiều nghề, phải sống xa nhà, thu nhập thấp, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trong khi đó, bố mẹ tuổi đã cao, sức khỏe yếu không thể tiếp tục duy trì việc chăn nuôi lợn. Nhờ sự động viên của gia đình và HND xã, tôi đã quyết định vay vốn, sửa chữa hơn 400m2 chuồng trại nuôi lợn chuyển sang nuôi gà đẻ. Sau hơn 5 năm tôi đã xây dựng được 2 chuồng nuôi với diện tích hơn 800m2, duy trì nuôi thường xuyên 6.000 con gà mái đẻ, bình quân mỗi ngày thu gần 5.000 quả trứng với giá bán từ 2.900 - 3.200 đồng/quả. Trừ chi phí trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 500 triệu đồng. 

Ông Hoàng Văn Thương, Chủ tịch HND xã Quang Trung cho biết: Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, HND xã đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống hội viên. Toàn xã có 24 gia trại và 14 mô hình chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao.

Là một hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế của HND xã Bình Nguyên, từ năm 2015 ông Trần Thế Tắc đã mạnh dạn vay vốn cải tạo 3 sào vườn của gia đình để trồng cây ăn quả và chuyển đổi 4 sào cấy lúa kém hiệu quả sang trồng mía. Đến năm 2018, ông đấu thầu thêm gần 3.000m2 đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng sắn dây và nghệ đỏ. Từ đó, ông đầu tư hệ thống máy sản xuất tinh bột, máy rửa, máy nghiền và hệ thống giàn sấy tự động. Kết quả, sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập 180 - 200 triệu đồng/năm. Năm 2020, ông Tắc tiếp tục thuê, cải tạo thêm trên 1.000m2 đất ruộng mở rộng diện tích trồng sắn dây, nghệ đỏ và trồng thêm ổi bo. Đặc biệt, khi thấy  ruộng đất bị bỏ hoang, ông đã thuê tiếp 3 mẫu ruộng để cấy lúa và trồng cây rau màu các loại. Với toàn bộ diện tích trên, mỗi năm ông Tắc thu về trên 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động.

Đồng hành, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua HND huyện Kiến Xương đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp định hướng phát triển của địa phương. Đồng thời, đổi mới nội dung tư vấn, hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, đào tạo việc làm cho hội viên. Các hoạt động này đã góp phần làm cầu nối, tạo sự liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện, hỗ trợ tích cực các ý tưởng khởi nghiệp phát triển kinh tế. Ngay từ đầu năm 2022, HND huyện đã chỉ đạo 100% chi hội tổ chức phát động thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Kết quả đã có 31.556 hội viên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Bên cạnh đó, các cấp hội còn vận động hội viên giúp nhau vượt qua khó khăn, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đã có 462 hộ nghèo được các chi hội đăng ký giúp đỡ bằng nhiều hình thức, đồng thời vận động hội viên cho nhau vay không lấy lãi, giúp nhau giống, vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh tăng thu nhập cho gia đình. HND các cấp cũng tích cực tuyên truyền cho hội viên về phát triển kinh tế tập thể, hướng dẫn các nội dung thành lập mô hình kinh tế tập thể, trong đó tập trung vào các nhóm hộ tham gia sản xuất cùng một mặt hàng. Trong năm 2022 trên địa bàn huyện đã có 3 HTX được thành lập. Các cấp hội tiếp tục quản lý tốt nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân với 4.472,6 triệu đồng và kết hợp với nguồn vốn vay ngân hàng để giúp các hộ đầu tư xây dựng các mô hình, dự án chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... mang lại hiệu quả cao.

Thời gian tới, HND huyện Kiến Xương tiếp tục vận động hội viên phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tích cực tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng chất lượng, thương hiệu nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” bảo đảm phát triển cả bề rộng, chiều sâu, thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Mô hình trồng sắn dây của ông Trần Thế Tắc, xã Bình Nguyên.


Thu Thủy