Thứ 6, 19/04/2024, 10:38[GMT+7]

Chào mừng Đại hội Hội Người mù tỉnh Thái Bình lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 Hội Người mù tỉnh: Dấu ấn một nhiệm kỳ

Thứ 2, 24/10/2022 | 08:32:39
3,035 lượt xem
Đại hội Hội Người mù tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 diễn ra cuối tháng 10/2022. Trước thềm Đại hội, phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh về những kết quả Hội đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ tới.

Hội Người mù tỉnh tổ chức dạy chữ nổi braille cho người khiếm thị.

Phóng viên: Xin ông cho biết công tác xây dựng và củng cố tổ chức hội trong nhiệm kỳ qua được thực hiện như thế nào?

Ông Bùi Anh Tuấn: Hội Người mù tỉnh hiện có 219 chi hội/260 xã, phường, thị trấn với tổng số 2.376 hội viên. Số chi hội hoạt động mạnh đạt 37,4%, chi hội hoạt động khá đạt 36%. Xác định công tác phát triển và củng cố các chi hội là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của nhiệm kỳ 2017 - 2022, các huyện hội, thành hội đã có nhiều giải pháp hướng dẫn các chi hội hoạt động hiệu quả; tham mưu cấp ủy, chính quyền ra công văn chỉ đạo các xã, thị trấn giúp đỡ chi hội và hội viên; lập sổ vàng, có thư kêu gọi các ngành và UBND các xã giúp chi hội xây dựng quỹ hội. Nhiều chi hội hoạt động sôi nổi, hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, đánh giá cao, mang lại nhiều quyền lợi thiết thực cho hội viên.

Các cấp hội thường xuyên duy trì các mô hình “Dân vận khéo”. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền và đẩy mạnh cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng”. Nội dung hoạt động trọng tâm của chi hội là thăm hỏi, động viên nhau khi khó khăn, hoạn nạn, chia sẻ buồn vui lúc hiếu hỷ, giúp đỡ nhau về vốn, kinh nghiệm phát triển kinh tế, giáo dục, động viên con cháu chăm sóc ông bà, bố mẹ bị mù lòa, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Các chi hội thực sự là cầu nối giữa người mù với Đảng, chính quyền và toàn xã hội.

Phóng viên: Dạy nghề, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người khiếm thị được coi là một trong những hoạt động trọng tâm ở mỗi cấp hội. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác này?

Ông Bùi Anh Tuấn: Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên trong độ tuổi lao động là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể cho các cấp hội và hội viên. Thời gian qua, Hội Người mù tỉnh và các huyện, thành phố đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề tẩm quất, tẩm quất nâng cao, làm tăm tre, làm hương cho hội viên. Đây là những nghề khó đối với người mù nhưng với quyết tâm cao, người mù đã học và làm tốt. Sau khi học nghề, 100% hội viên có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Việc sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống như tăm tre, chổi đót được các cơ sở duy trì và đẩy mạnh. Các cấp hội tích cực khai thác thị trường nhân đạo, mở rộng thị trường tự do, chú trọng nâng cao chất lượng tăm. Trong sự cạnh tranh đầy khó khăn hiện nay thì mặt hàng truyền thống tăm tre của người mù vẫn chiếm một vị trí quan trọng. Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, các đơn vị đã sản xuất và tiêu thụ 5,7 triệu gói tăm, tạo việc làm cho 175 lao động và 281 người tham gia sản xuất tại gia đình với mức thu nhập bình quân từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu trong 5 năm của các cơ sở sản xuất đạt 12,4 tỷ đồng (tăng 4,7 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước).

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, người khiếm thị có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mấy năm vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm, thu nhập và sức khỏe của cán bộ, hội viên. Với tinh thần chủ động thích ứng linh hoạt nên các cơ sở vẫn hoạt động và đạt hiệu quả tốt. Hầu hết anh chị em sau khi được đào tạo nghề tẩm quất đều được các cấp hội tiếp nhận, bố trí việc làm trong các cơ sở của hội. Một số khác mạnh dạn mở cơ sở riêng cũng đã thành công, tạo việc làm cho bản thân và các bạn đồng tật. Nhiều người đã tiết kiệm mua được đất, xây được nhà, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt giá trị, có tiền gửi tiết kiệm, đầu tư cho con cái ăn học; nhiều người thực sự là trụ cột kinh tế của gia đình, cuộc sống khá giả, bền vững, không thua kém người mắt sáng.

Phóng viên: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động của các cấp hội người mù vẫn đạt được những kết quả hết sức khả quan, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Ông Bùi Anh Tuấn: Dù trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước đã có các chế độ, chính sách quan tâm hơn đến người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng. Hiện có 2.198 người mù được hưởng trợ cấp thường xuyên và chính sách khác. 5 năm qua, đã có 30.799 lượt người mù được thăm hỏi, tặng quà với số tiền gần 6 tỷ đồng; hàng trăm lượt người mù được tặng radio xóa đói thông tin, có chi hội còn được tổ chức từ thiện tặng áo ấm, chăn bông cho hội viên khi mùa đông đến.

Với các cấp hội người mù, phải khẳng định rằng để có được những kết quả như vậy là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; sự đùm bọc, yêu thương của nhân dân đã tạo thêm động lực và điều kiện cho người mù phấn đấu vươn lên. Cùng với đó là sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, hội viên. Hội Người mù tỉnh tự hào và yên tâm có đội ngũ cán bộ nhiều thế hệ, có phẩm chất đạo đức và năng lực, đoàn kết, thống nhất cao, cùng chung ý chí xây dựng hội.

Phóng viên: Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội, Hội Người mù tỉnh đặt ra những mục tiêu cụ thể nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Bùi Anh Tuấn: Phát huy những kết quả đã đạt được, Hội Người mù tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn các chương trình của hội với chương trình, kế hoạch của cấp trên nhằm hướng hoạt động hội về cơ sở, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên. Khắc phục mọi khó khăn để duy trì sản xuất tăm tre, chổi đót; đồng thời, mạnh dạn mở thêm các mặt hàng mới, phù hợp với thị trường và khả năng của người mù. Chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và cải tiến phương thức tiêu thụ; tiếp tục mạnh dạn đưa tăm tre ra thị trường tự do. Phối hợp và tạo điều kiện cho chi hội trưởng và hội viên tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương để tạo thành một thị trường rộng khắp, năng động. Đẩy mạnh phát triển nghề tẩm quất đáp ứng nhu cầu của thị trường, xây dựng phong cách phục vụ tận tình, lành mạnh và có uy tín cao. Phấn đấu doanh thu sản xuất tăm tre của các cơ sở huyện hội, thành hội hàng năm đạt từ 2,5 - 3 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho từ 170 - 180 người mù. Doanh thu của các cơ sở dịch vụ tẩm quất do hội quản lý đạt từ 6 - 6,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 80 - 90 nhân viên. Doanh thu của các cơ sở khác hàng năm đạt 20 - 23 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho 300 - 320 người.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Duy Tùng
(thực hiện)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày