Thứ 3, 30/07/2024, 23:26[GMT+7]

Hội Người mù huyện Đông Hưng: Chăm lo đời sống hội viên

Thứ 2, 24/10/2022 | 08:40:35
2,787 lượt xem
Đồng hành cùng hội viên, thời gian qua, Hội Người mù huyện Đông Hưng đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, giúp hội viên có thêm động lực vươn lên.

5 năm qua, Hội Người mù huyện Đông Hưng sản xuất hơn 620.000 gói tăm, đạt doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Ông Đào Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Người mù huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 307 hội viên, sinh hoạt ở 31 xã, thị trấn. Xác định công tác chăm lo đời sống cho hội viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, thời gian qua, Hội đã tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, kết hợp vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Mỗi khi tết đến xuân về, 100% hội viên của Hội đều được tặng quà. 5 năm qua đã có 4.493 lượt người mù được nhận trợ cấp, tặng quà với tổng số tiền trên 700 triệu đồng. Ban Chấp hành Hội Người mù huyện thường xuyên quan tâm động viên, thăm hỏi hội viên lúc ốm đau, việc hiếu, việc hỷ của gia đình hội viên, trợ cấp đột xuất khi hội viên gặp khó khăn. Cùng với đó, Hội tiến hành khảo sát đời sống hội viên để kịp thời đề xuất chính quyền địa phương quan tâm, giải quyết chế độ, chính sách cho họ.

Hội thường xuyên phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện vận động các nhà trường, các thầy cô giáo và các em học sinh trong toàn huyện mua tăm tre ủng hộ người mù, tạo điều kiện thuận lợi để Hội duy trì sản xuất tăm tre, tạo việc làm cho hội viên. 5 năm qua, Hội đã sản xuất hơn 620.000 gói tăm, đạt doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng. Công việc sản xuất tăm tre đã tạo việc làm cho người mù với thu nhập hơn 3,6 triệu đồng/người/vụ, qua đó giúp người mù tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Hội chú trọng đầu tư tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu khách hàng tốt hơn, cử cán bộ đi tham quan, học hỏi, đưa việc trị liệu massage bằng đá nóng kết hợp ngải cứu đem lại lợi ích thiết thực đối với sức khỏe, nhờ đó đã thu hút nhiều khách hàng đến cơ sở tẩm quất của Hội. Trong 5 năm, cơ sở của Hội đã đón trên 46.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt gần 3,2 tỷ đồng. Dịch vụ tẩm quất người mù đã tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho nhiều hội viên với mức lương bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Chị Trương Thị Ảnh, xã Thăng Long chia sẻ: Tôi bị mù từ khi mới 8 tháng tuổi, tuổi thơ lớn lên trong bóng tối nên mọi sinh hoạt gặp rất nhiều vất vả và khó khăn. Năm 2010, qua sự giới thiệu của Hội Người mù huyện Đông Hưng, tôi được lên Hội Người mù tỉnh để học nghề tẩm quất. Học xong, tôi được nhận về làm việc tại Huyện hội từ đó đến nay. Hiện mỗi tháng thu nhập của tôi khoảng 4 triệu đồng. Tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn vì mình đã có thể tự lao động nuôi sống bản thân. Hàng tháng tôi còn gửi tiền về chăm lo cho mẹ già ở quê.

Nhiều hội viên sau khi học nghề, có điều kiện mở cơ sở tẩm quất riêng, hoạt động hiệu quả như chị Trần Thị Đĩnh, xã Phú Châu, anh Bùi Duy Hà, xã Đông La. Ngoài ra còn có 39 hội viên đang hành nghề tẩm quất bên ngoài cơ sở hội, nhiều anh chị em mạnh dạn đầu tư mở cơ sở tẩm quất ở tỉnh ngoài như anh Nguyễn Văn Duy, xã Phú Lương; anh Đặng Thanh Phương, xã Hồng Giang, tạo việc làm cho bản thân và nhiều người mù khác, tổng thu nhập của một cơ sở mỗi năm đạt từ 300 triệu đồng trở lên.

Để tạo điều kiện cho người mù phát triển kinh tế, Ban Chấp hành Hội Người mù huyện cùng cán bộ chi hội tiến hành khảo sát, phối hợp cùng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giúp 28 lượt người mù vay vốn, hỗ trợ tạo việc làm. Vốn vay được người mù sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, nhờ đó đời sống của người mù được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,8% đầu nhiệm kỳ xuống còn 9,5% hiện nay.

Thời gian tới, Hội Người mù huyện Đông Hưng tiếp tục đẩy mạnh các chương trình trọng tâm trong công tác việc làm, giảm nghèo; chú trọng nghề làm tăm tre, tẩm quất, trong đó xác định nghề tẩm quất là nghề chính, phù hợp, ổn định với người mù để mang lại thu nhập tốt. Huyện hội, các chi hội tiếp tục khảo sát người mù trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề tẩm quất lập danh sách gửi đi học nghề. Hàng năm tổ chức mở lớp dạy nghề thủ công cho người mù như làm tăm tre, chổi đót để người mù có việc làm, thêm thu nhập. Tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tăm tre, tìm nguồn nguyên liệu chất lượng cao, cải thiện mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.


Đỗ Hồng Gia