Thứ 3, 05/11/2024, 11:15[GMT+7]

Thái Bình: Quyết tâm nâng thứ hạng chỉ số cải cách hành chính

Thứ 3, 01/11/2022 | 08:43:00
4,804 lượt xem
Năm 2021, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của Thái Bình xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố. Mặc dù tăng 4 bậc so với năm 2020 song thứ hạng vẫn còn rất thấp. Vì vậy, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao điểm số và thứ hạng chỉ số CCHC của tỉnh.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Theo đồng chí Phạm Thị Thủy, Trưởng phòng CCHC, Sở Nội vụ: Ngay sau khi Bộ Nội vụ công bố kết quả chỉ số CCHC năm 2021, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến ở 3 cấp tới 269 điểm cầu trong toàn tỉnh về bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế gắn với cách tiếp cận đánh giá chỉ số CCHC nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động thúc đẩy CCHC đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã phân tích, đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân và các giải pháp để khắc phục đối với các tiêu chí và tiêu chí thành phần bị mất điểm hoặc không đạt điểm tối đa để có những giải pháp tối ưu đẩy mạnh chỉ số CCHC của tỉnh trong thời gian tới. Trước đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3373/QĐ-UBND, trong đó quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; cụ thể hóa các hình thức khen thưởng, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã nếu điểm số do Bộ Nội vụ công bố ở cùng một lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần được giao phụ trách giảm trong 3 năm liên tiếp mà xác định do nguyên nhân chủ quan. Việc nâng chỉ số CCHC của tỉnh được chỉ đạo gắn với thực hiện có hiệu quả kế hoạch CCHC năm 2022 và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành, tham gia đồng thuận, ủng hộ các chủ trương, chính sách, mục tiêu CCHC. 

Đồng chí Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian qua, Sở thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Ngoài ra, Sở phối hợp với các huyện, thành phố thành lập các tổ công nghệ số hỗ trợ cộng đồng tới tận xã nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu được các chủ trương của tỉnh liên quan đến CCHC, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 cũng như sử dụng các nền tảng số để phục vụ cuộc sống của người dân; hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng các nền tảng số vào việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC).

Trong giải quyết TTHC, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố kịp thời công bố, công khai và cập nhật TTHC trên cổng dịch vụ công, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và tại bộ phận một cửa các cấp. Tổ chức thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC, hướng đến giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn, giảm thời gian đi lại và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức. 

Theo đồng chí Nguyễn Viết Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Trung tâm đã chủ động phối hợp với các đơn vị rà soát, bố trí cán bộ làm việc tại Trung tâm bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; đồng thời phối hợp để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cơ bản về số hóa hồ sơ, về kỹ năng giao tiếp để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc. Tăng cường công tác giám sát quy trình giải quyết TTHC, đặc biệt là quy trình giải quyết TTHC theo phương án “5 tại chỗ”, góp phần minh bạch quá trình và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Trong tổng số trên 57.000 hồ sơ đã giải quyết của Trung tâm từ đầu năm đến nay, số hồ sơ giải quyết trước hạn đạt trên 85%, đúng hạn đạt trên 14%. Ngoài ra, Trung tâm đẩy mạnh hướng dẫn tổ chức, công dân đến giải quyết TTHC sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Đoàn viên thanh niên xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và cài đặt phần mềm Công dân số Thái Bình.

Để nâng chỉ số CCHC của tỉnh, thời gian qua, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC, các sở, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã triển khai quyết liệt các biện pháp, kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh sau tác động của dịch bệnh. Huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nhất là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh. Tiếp tục giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm môi trường ổn định cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Từ đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do HĐND tỉnh giao bảo đảm đạt điểm tối đa các tiêu chí.


Đồng chí Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động đợt cao điểm “Tuổi trẻ Thái Bình tham gia tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT mức độ 3, 4”. Đã chỉ đạo thành lập được 520 tổ công nghệ số cộng đồng với 4.800 thành viên; đồng thời đã phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, thủ tục, cách thức sử dụng phần mềm công dân số Thái Bình và sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 cho đoàn viên, thanh niên, thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng tại 8 huyện, thành phố, qua đó góp phần thúc đẩy việc sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh luôn đồng hành, ủng hộ cấp ủy, chính quyền tỉnh trong cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC và chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI). Kết quả chấm điểm DDCI là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp góp phần tích cực vào công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tôi tin rằng nếu tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa thì chỉ số năng lực cạnh tranh cũng như CCHC của tỉnh chắc chắn sẽ được cải thiện rất nhiều trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Quỳnh Phụ

Huyện Quỳnh Phụ thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC gắn với số hóa hồ sơ, giấy tờ; tăng tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận giải quyết qua DVCTT mức độ 3, 4. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, 4 của huyện đạt trên 40%. Tỷ lệ văn bản trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 95%. Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, UBND huyện ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND qua đó tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.


Đào Quyên