Thứ 2, 20/05/2024, 06:14[GMT+7]

Tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Thứ 2, 22/04/2013 | 19:32:43
992 lượt xem
Ngày 22 tháng 4 năm 2013, UBND tỉnh ra Công văn số 861/UBND-TH về việc tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nội dung như sau:

Bệnh Cúm A(H7N9) đang xảy ra tại Trung Quốc, từ cuối tháng 2/2013 đến ngày 14/4/2013 đã có 60 người bị nhiễm cúm A(H7N9) được xác định qua xét nghiệm thuộc hai thành phố (Thượng Hải, Bắc Kinh) và bốn tỉnh (Chiết Giang, Giang Tô, An Huy và Hà Nam), trong đó 13 người đã chết. Trong nước, tình hình Cúm A(H5N1) đang diễn ra phức tạp tại một số địa phương giáp ranh với biên giới Camphuchia.

Trên địa bàn của tỉnh, từ ngày 01/4/2013 đến ngày 16/4/2013, dịch bệnh Tai xanh ở lợn đã xảy ra tại 03 xã, thuộc 02 huyện (xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương và xã Vũ Vân, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư) làm 239 lợn bị mắc bệnh, trong đó đã có 43 lợn phải tiêu hủy; nguyên nhân dịch phát sinh bước đầu được xác định do vận chuyển lợn bệnh từ tỉnh Nam Định sang. Ngày 05/4/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ thị yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời công bố dịch và quyết định thành lập 04 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại Tân Đệ (huyện Vũ Thư), Triều Dương (huyện Hưng Hà), Cầu Nghìn và Bến Hiệp (huyện Quỳnh Phụ) để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc, gia cầm bệnh, không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm bệnh, không rõ nguồn gốc vào Thái Bình hiện nay vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp làm nguy cơ dịch phát sinh và lây lan dịch ra diện rộng là rất cao.

Nhằm chủ động ngăn chặn xâm nhập và lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số người và gia cầm mắc bệnh và chết do Cúm A(H7N9) và A(H5N1), đồng thời ngăn chặn và khống chế dịch bệnh Tai xanh trên đàn lợn; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các Sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo nội dung yêu cầu tại Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 09/4/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh. 

2. Các cơ quan truyền thông thường xuyên thông tin tới cộng đồng dân cư, cập nhật tác hại của việc buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bệnh, không rõ nguồn gốc, nhập lậu trái phép tới sức khỏe của người dân; lên án, tẩy chay mạnh mẽ người vận chuyển và tiêu thụ gia súc, gia cầm bệnh, nhập lậu trái phép vào tỉnh.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố về việc công dân sống ở địa bàn mình tham gia vào việc buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia súc bệnh, gia cầm nhập lậu.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Thành lập Đội kiểm tra liên ngành của huyện, bao gồm các lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y… để kiểm tra, kiểm soát gia súc, gia cầm vận chuyển trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các huyện giáp ranh với tỉnh Nam Định.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã có bến phà, đò giáp ranh với tỉnh ngoài thành lập đội kiểm tra của xã, chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua bến phà, đò thuộc địa bàn quản lý; phối hợp với đoàn kiểm tra của tỉnh, của huyện trong việc kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm; yêu cầu các chủ bến đò, phà ký cam kết với chính quyền địa phương không vận chuyển gia súc, gia cầm bệnh, nhập lậu và gia súc, gia cầm ra khỏi vùng dịch.

- Yêu cầu các chủ cơ sở thu mua, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý ký cam kết không thu mua, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm bệnh và từ vùng dịch vào địa phương, gia cầm nhập lậu trái phép và không rõ nguồn gốc; tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện của các địa phương.

- Phối hợp với các chốt kiểm dịch động vật tạm thời của tỉnh, Đội kiểm dịch lưu động của Chi cục thú y trong việc xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm thu giữ được trên địa bàn địa phương quản lý; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vận chuyển gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật.

Các vi phạm của các chủ bến đò, phà; của các tổ chức, cá nhân thu mua, buôn bán, giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm bệnh, gia cầm nhập lậu trái phép và không rõ nguồn gốc, trái với cam kết phải được xử lý bằng hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện, tiêu hủy gia súc, gia cầm… theo quy định của pháp luật; đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì áp dụng tình tiết tăng nặng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, các ngành chức năng căn cứ thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật để ra quyết định xử lý vi phạm, trường hợp vượt quá thẩm quyền xử lý thì thực hiện chuyển hồ sơ xử lý lên cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

5. Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Chi cục Quản lý thị trường - Sở Công thương, Chi cục Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, đơn vị có liên quan bố trí đủ cán bộ tiếp tục thực hiện quyết liệt "Đề án phòng ngừa việc vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 và tham gia tích cực, phối hợp hiệu quả trong việc kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh để phòng ngừa và xử lý dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa phương. Chỉ đạo quyết liệt việc xử lý phạt vi phạm hành chính đối với các chủ hàng, chủ phương tiện chuyên chở gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật; đối với các trường hợp vi phạm, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc theo quy định phải tạm giữ xe, thuyền, đò, phà và thu hồi giấy phép có thời hạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

6. Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát sao tình hình dịch cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9), các dịch bệnh nguy hiểm ở người và vật nuôi để có thông tin kịp thời cho nhân dân trong tỉnh hiểu đúng nguy cơ lây lan, tác hại và cách phòng ngừa; phối hợp với Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện cấp đủ phương tiện phòng bệnh cho tất cả cán bộ nhân viên, các lực lượng có trách nhiệm phải tiếp xúc thường xuyên với gia cầm, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Nhận Công văn này, yêu cầu các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện.

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày