Thứ 3, 05/11/2024, 11:18[GMT+7]

Chăm lo để trẻ em có cuộc sống tốt đẹp hơn

Thứ 4, 09/11/2022 | 08:32:33
3,145 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”. Câu thơ ngắn gọn nhưng thể hiện tình yêu thương tha thiết của Bác dành cho trẻ em. Đó cũng là lời nhắn nhủ của Bác dành cho các cấp, các ngành phải quan tâm, chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em để các em có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 439.000 trẻ em, chiếm khoảng 22,6% dân số của tỉnh; trong đó có trên 5.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gần 15.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Để trẻ em được phát triển toàn diện, những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt các quy định của pháp luật, nỗ lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định. UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến trẻ em nhằm cụ thể hóa Luật Trẻ em; phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng sở, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc thực hiện các quyền của trẻ em.

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện nhiều văn bản về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em. Các hoạt động truyền thông tập trung tuyên truyền nội dung Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, tập huấn, tọa đàm, xây dựng pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, sách mỏng, băng rôn, khẩu hiệu. Tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 32 hội nghị truyền thông, tập huấn về Luật Trẻ em, kiến thức bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, kỹ năng phòng ngừa nguy cơ, tự bảo vệ trẻ em cho gần 3.000 cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em; phát hành trên 2.000 cuốn tài liệu, sách mỏng về phòng, chống xâm hại trẻ em, quyền tham gia của trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng. Cấp các sản phẩm truyền thông hướng dẫn an toàn cho trẻ em, hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em trong đại dịch Covid-19.

Theo ông Bùi Văn Huân, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Triển khai, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản của cấp trên; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác trẻ em, thực hiện quyền trẻ em tại địa phương, cơ sở. Hiện toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố và 260/260 xã, phường, thị trấn đã thành lập, duy trì hoạt động ban chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc trẻ em và nhóm công tác liên ngành; kịp thời có ý kiến với cơ quan chức năng, với UBND cấp huyện ưu tiên giải quyết, bảo vệ quyền trẻ em đối với vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Phối hợp, triển khai và duy trì hoạt động các mô hình, điểm tư vấn, câu lạc bộ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, điểm tư vấn tại cộng đồng và trường học.

Nhờ sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, đến nay tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm còn dưới 2,5%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc từ một hình thức trở lên đạt trên 94%; 99,9% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hàng năm có hàng nghìn lượt trẻ em được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập; hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên từ gia đình, người thân và từ cộng đồng.

Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác trẻ em, thực hiện quyền của trẻ em; nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở các cấp. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Trẻ em, thực hiện quyền trẻ em. Tăng cường phối hợp liên ngành, củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở các cấp, ngành liên quan. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quyền trẻ em. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền trẻ em. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tạo điều kiện thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em.
Bảo đảm thực hiện quyền trẻ em không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành nào, cấp nào, mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể, địa phương cần chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em được phát triển toàn diện.

Đỗ Hồng Anh