Thứ 4, 27/11/2024, 00:36[GMT+7]

Giúp phụ nữ thêm tự tin phát triển kinh tế

Chủ nhật, 13/11/2022 | 17:24:34
2,932 lượt xem
Biết nắm bắt tình hình kinh tế tại địa phương, biết tận dụng kinh nghiệm và điều kiện có sẵn của bản thân và cùng với sự hỗ trợ của tổ chức hội phụ nữ, phụ nữ thành phố Thái Bình đã mạnh dạn, tự tin, đổi mới tư duy, cách làm, xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương.

Tổ hợp tác may gia công xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) tạo việc làm cho 15 phụ nữ, chủ yếu là chị em có con nhỏ, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều năm nay, gia trại chăn nuôi gà đẻ trứng, ấp nở và cung cấp gà giống của gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, hội viên phụ nữ thôn Nghĩa Thắng, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Từ nền tảng là một cơ sở ấp nở giống gia cầm nhỏ, chị Xuân đã cùng chồng mạnh dạn tích tụ, xin chuyển đổi hơn 5.000m2 đất cấy lúa kém hiệu quả sang làm gia trại. Anh chị vay vốn đầu tư xây dựng chuồng nuôi 8.000 con gà đẻ/năm, mua 12 máy ấp trứng gia cầm, xây dựng ao nuôi cá, nhà lưới để trồng các loại cây ăn quả. Mỗi năm gia đình chị thu lãi khoảng 300 - 500 triệu đồng; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế ổn định, chị Xuân cũng tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do hội phụ nữ tổ chức như các hoạt động giúp đỡ phụ nữ, trẻ em khó khăn, vệ sinh môi trường, dân vũ thể thao... 

Chị Xuân cho biết: Trong quá trình chăn nuôi, vợ chồng tôi cũng gặp không ít khó khăn về vốn, kinh nghiệm, thị trường nhưng được sự đồng hành của các ngành, đoàn thể như hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ thì vợ chồng tôi đã dần vượt qua được.

Cùng với chị Xuân, thời gian qua, hàng trăm chị em phụ nữ ở thành phố đã phát triển kinh tế, khởi nghiệp thành công bằng nhiều nghề khác nhau. Để tạo khí thế thi đua trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp, bên cạnh nỗ lực của bản thân mỗi hội viên, gia đình hội viên phụ nữ thì các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành với chị em, đặc biệt là việc hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ chỗ manh mún, nhỏ lẻ, sau khi tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập của hội viên, phụ nữ được nâng lên đáng kể, quan trọng hơn là các chị em đã cùng đoàn kết, chia sẻ vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. 

Chị Đặng Thị Hồng Hạnh, tổ trưởng tổ hợp tác may gia công xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) cho biết: Năm 2017, được sự khuyến khích của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, tôi cùng mấy chị thành lập tổ hợp tác may gia công. Hiện tổ hợp tác đang tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương; trong đó chủ yếu là chị em đang nuôi con nhỏ, với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Thái Bình cho biết: Đồng hành với chị em trong phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp hội ở thành phố đã tăng cường rà soát số hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn trên địa bàn, tìm hiểu nguyên nhân và đăng ký giúp các gia đình hội viên, phụ nữ thoát nghèo, hội viên có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là khả năng thực hiện các mô hình kinh tế của các hội viên để từ đó có chương trình giúp đỡ cụ thể, phù hợp. Đồng thời, chủ động tín chấp với các ngân hàng hơn 110 tỷ đồng cho chị em vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; thành lập các tổ tiết kiệm để hỗ trợ nhau về vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho chị em... Nhờ vậy, ngày càng có nhiều mô hình kinh tế của phụ nữ triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ sự nỗ lực của bản thân mỗi chị em và sự đồng hành của tổ chức hội phụ nữ, đời sống gia đình hội viên phụ nữ được cải thiện và nâng cao. Chị em có thêm điều kiện tham gia các phong trào thi đua do các cấp hội, các địa phương phát động, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, các chị ngày càng khẳng định được vị trí của mình cả trong gia đình và xã hội.


Xuân Phương