Thứ 3, 26/11/2024, 22:34[GMT+7]

Chào mừng Đại hội Hội Chăn nuôi thú y tỉnh Thái Bình lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 Nỗ lực vì sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi

Thứ 6, 18/11/2022 | 08:35:17
6,276 lượt xem
Nhiệm kỳ 2017 - 2022, vượt qua nhiều khó khăn, Hội Chăn nuôi thú y Thái Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực, phát huy tốt vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi thú y của tỉnh.

Quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP được nhiều gia trại, trang trại ứng dụng mạnh mẽ giúp hạn chế dịch bệnh.

Hội Chăn nuôi thú y Thái Bình hiện có 225 hội viên. Xác định phát triển sản xuất chăn nuôi là mắt xích quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong đó có Hội Chăn nuôi thú y tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn chăn nuôi, công nghệ sinh học, quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP được ứng dụng mạnh mẽ giúp tăng năng suất và kiểm soát tốt hơn dịch bệnh, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Tại các địa phương bước đầu hình thành chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phạm Bá Vang, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) với quy mô 400 lợn nái, 4.000 lợn thịt/lứa cho biết: Chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần bị “xóa sổ”, thay vào đó là các trang trại quy mô lớn, tạo nên “ngành sản xuất chăn nuôi”. Do đó, rất cần những tổ chức hoạt động hiệu quả, thiết thực như Hội Chăn nuôi thú y. Được ví như “ngôi nhà chung” tập hợp, đoàn kết các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ về chăn nuôi thú y, sản xuất, kinh doanh dịch vụ chăn nuôi thú y, các chủ trang trại trong toàn tỉnh. Tham gia vào Hội, chúng tôi được tập huấn, chuyển giao, giúp nhau trong nghiên cứu sản xuất, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi thú y; tiếp cận với các chính sách một cách chính thống, nhanh chóng nhất.

Với hơn 20 năm cung ứng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, ông Vương Văn Tự, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) là một trong những hội viên tích cực của Hội Chăn nuôi thú y. Ông Tự cho biết: Nhiệm kỳ 2017 - 2022 là nhiệm kỳ nhiều khó khăn với các hội viên. Đầu nhiệm kỳ, giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, phải “giải cứu”. Cuối nhiệm kỳ, bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 xuất hiện gây nhiều tổn thất. Trước những khó khăn đó, chúng tôi đã có các biện pháp hỗ trợ hội viên như: cung cấp vật tư trả chậm; cấp miễn phí hóa chất khử khuẩn, vệ sinh môi trường chuồng nuôi; quần áo bảo hộ... Khi tham gia Hội, tôi nhận thức rõ trách nhiệm trong cung ứng, tư vấn cho hộ chăn nuôi các loại vật tư bảo đảm số lượng, chất lượng.

Bám sát nhiệm vụ, quyền hạn, định hướng phát triển chăn nuôi của ngành, nhiệm kỳ qua, Hội đã tổ chức 19 lớp dạy nghề thụ tinh nhân tạo lợn, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 793 học viên; 40 lớp tập huấn tuyên truyền cho trên 3.600 người về chăn nuôi an toàn sinh học và công tác vệ sinh thú y bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, hội viên của Hội đương nhiệm tại các cơ quan, đơn vị ngành nông nghiệp đã tham gia đào tạo nghề, tập huấn cho hàng nghìn người chăn nuôi và hệ thống thú y cơ sở về kỹ thuật chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, bệnh cúm gia cầm chủng độc lực cao, các bệnh nguy hiểm, mới nổi ở gia súc, gia cầm; phối hợp tham gia xây dựng nhiều mô hình khuyến nông về lĩnh vực chăn nuôi thú y; tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học về chăn nuôi thú y; tham gia hội đồng tư vấn tuyển chọn, thẩm định nhiều đề tài khoa học công nghệ, dự án về lĩnh vực chăn nuôi thú y; tham gia đề xuất, xây dựng các đề án, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm... qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chăn nuôi, không sử dụng chất cấm và kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi, tạo nguồn thực phẩm an toàn, góp phần khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn sau đại dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Ông Trịnh Quang Hiệp, Chủ tịch Hội Chăn nuôi thú y tỉnh cho biết: Chăn nuôi hiện nay vừa là cơ hội vừa là thách thức. Muốn phát triển chăn nuôi bền vững, Thái Bình cần phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phát triển chăn nuôi theo hướng thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh, những sản phẩm chăn nuôi mang tính đặc sản của vùng, địa phương và phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, liên kết hàng hóa trong sản xuất tạo ra chuỗi sản phẩm hàng hóa có chất lượng. Nhiệm kỳ tới, Hội chủ trương thành lập mới, kiện toàn đủ 8/8 chi hội ở 8 huyện, thành phố, tập hợp ngày càng nhiều hội viên là các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi thú y trên địa bàn tỉnh, phấn đấu mỗi năm làm tốt công tác đào tạo nghề chăn nuôi, thú y khi được tỉnh phê duyệt, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi thú y, tập huấn,  chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về chăn nuôi thú y; chuyển đổi cơ cấu giống, nâng cao tỷ lệ giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị cao gắn với thị hiếu người tiêu dùng và bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, quản lý hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi; góp phần thực hiện và hoàn thành mục tiêu kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi, giai đoạn 2020 - 2030.


Ngân Huyền