Thứ 3, 26/11/2024, 22:35[GMT+7]

Phụ nữ xã Phú Lương: Giúp nhau phát triển kinh tế

Thứ 3, 29/11/2022 | 20:41:30
5,216 lượt xem
Bằng nhiều cách làm hiệu quả, phụ nữ xã Phú Lương (Đông Hưng) tích cực giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương, khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Cơ sở đan bèo tây của chị Nguyễn Thị Mức tạo việc làm cho 30 lao động địa phương.

Đến thôn Duyên Tục, hỏi chị Nguyễn Thị Phương - “bà chủ” của cơ sở chế biến hạt sen, long nhãn không ai không biết. Nhiều năm qua, cơ sở của chị đã tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ với thu nhập từ 700.000 - 800.000 đồng/người/tháng. Ngay khi tới đây, chúng tôi đã ấn tượng với bầu không khí làm việc rất nhộn nhịp, thi thoảng còn được nghe các bà, các cô “trổ tài” hát những làn điệu chèo thân thuộc. Chị Phương chia sẻ: Trước đây gia đình tôi làm nghề mây tre đan nhưng công việc này đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao nên không thể tận dụng được tối đa nguồn lao động tại địa phương, nhiều chị em gặp khó khăn trong việc theo nghề. Năm 2012, tôi quyết định học nghề chế biến hạt sen, long nhãn ở Hưng Yên để về tạo việc làm cho các chị em trong xã.

Với số vốn khoảng 200 triệu đồng, chị Phương cùng chồng đầu tư xây dựng xưởng và mua máy móc để làm hạt sen, long nhãn. Theo chị, công việc dành cho các chị em chủ yếu là cắt đầu thông tâm và xâu dây vào hạt. Sau khi học nghề tại cơ sở, chị em có thể tự đem nguyên liệu về nhà làm để chủ động thời gian. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Lánh là thành viên “gạo cội” tại cơ sở của chị Phương, tuy đã 74 tuổi nhưng bà vẫn lựa chọn gắn bó với công việc này. “Bây giờ tuổi đã cao nên tôi không thể làm những công việc đồng áng như xưa. Từ khi có cơ sở của chị Phương, chúng tôi có công việc ổn định. Công việc không quá khó khăn, chỉ yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác. Tôi có thể tận dụng lúc rảnh rỗi để làm, vừa tiết kiệm được thời gian, tăng thêm thu nhập vừa có thể giải quyết công việc gia đình” - bà Lánh chia sẻ.

Không chỉ có nghề chế biến hạt sen, long nhãn, tại xã Phú Lương, nghề đan bèo tây tại cơ sở của chị Nguyễn Thị Mức cũng thu hút đông đảo chị em tham gia. Chị Mức chia sẻ: Mỗi tháng gia đình tôi xuất ra thị trường khoảng 2.000 sản phẩm, tạo việc làm cho 30 lao động lúc nông nhàn với thu nhập 1 - 2 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, chị em vừa có thêm công việc để làm vừa có thêm thu nhập ổn định hàng tháng.

Xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nội dung trọng tâm, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Lương đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên. Trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế trọng tâm của xã. 

Bà Nguyễn Hồng Then, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Nhằm phát huy nội lực, tăng cường nguồn vốn vay, tạo điều kiện để hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN xã tiếp tục khai thác và quản lý tốt các nguồn vốn vay từ các ngân hàng với số dư đến hết tháng 10/2022 trên 10 tỷ đồng cho 560 lượt chị vay. Song song với hỗ trợ vay vốn, Hội còn giúp phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; trao 7 hũ gạo tình thương, 13 thẻ bảo hiểm thân thể cho phụ nữ nghèo. Ngoài ra, Hội còn phối hợp các ban, ngành tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên; phối hợp với các trường dạy nghề tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm giúp 2 hội viên có việc làm ổn định.

Thời gian tới, để phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” được triển khai sâu rộng, Hội LHPN xã Phú Lương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh, xây dựng các mô hình trên các lĩnh vực, cùng giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.


Nguyễn Triệu