Thứ 3, 05/11/2024, 09:25[GMT+7]

Tự tin vượt lên số phận

Thứ 7, 03/12/2022 | 10:31:03
3,456 lượt xem
Nhiều người sinh ra, lớn lên không may khiếm khuyết một phần cơ thể. Số phận buộc họ phải cố gắng gấp trăm lần người bình thường để được sống và vươn lên. Trong rất nhiều hoàn cảnh kém may mắn đó có những tấm gương vượt lên số phận, tự chủ cuộc sống và giúp đỡ người đồng cảnh ngộ. Họ đã chứng minh rằng, người khuyết tật không phải là gánh nặng xã hội mà thậm chí còn có thể tạo ra những giá trị làm đẹp cho cuộc đời.

Hội Người mù tỉnh tổ chức dạy chữ nổi Braille cho trẻ em khiếm thị.

Tuổi thơ của chị Bùi Thị Hà, xã Châu Sơn, huyện Quỳnh Phụ là những mặc cảm, tự ti về bản thân, là nỗi buồn nặng trĩu bởi năm lên 6 tuổi một tai nạn đã khiến chị hỏng mắt phải, mắt trái chỉ còn nhìn thấy một phần nhỏ. Không gục ngã trước số phận, chị quyết tâm học tập với ước mơ có một công việc ổn định để nuôi sống bản thân cũng như phụ giúp gia đình. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình, chị và người em họ mở một quán nhỏ bán thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật. Chị Hà chia sẻ: Vì là người khuyết tật nên trước kia tôi rất tự ti trong cuộc sống, đi đâu cũng không muốn giao lưu, sống rất khép mình. Từ khi được bố mẹ cho đi học, được thầy cô dạy dỗ, các bạn đồng cảm đã tiếp cho tôi sự tự tin. Tôi mong các bạn khuyết tật hãy cố gắng vượt lên chính mình, hãy cho mình có cơ hội thể hiện bản thân để vươn lên trong cuộc sống.

Sự nỗ lực và cố gắng đã giúp chị Hà có điều kiện xây dựng được căn nhà khang trang, chăm lo cho con cái ăn học. Chị rất hăng hái tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Hiện nay chị Hà đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hội Người mù xã Châu Sơn. Bản thân chị rất tích cực kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ người khuyết tật để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, chị còn mở thư viện “Ngọn nến hồng” ngay tại nhà của mình để bà con và học sinh trong xã đến đọc sách.

Nhận xét về chị Hà, bà Phạm Thị Riễm, xã Châu Sơn cho biết: Bản thân tôi rất khâm phục nghị lực và ý chí vươn lên của chị Hà. Mặc dù là người khuyết tật nhưng chị rất năng động, chịu khó phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Từ khi chị mở thư viện, ngày nào tôi cũng sang đây đọc sách. Ở đây có nhiều sách hay, nhất là những cuốn nói về kinh Phật, rất phù hợp với lứa tuổi chúng tôi.

Số phận nghiệt ngã không làm cho ông Đặng Văn Lành ở xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương gục ngã. Trong một lần bị tai nạn, ông phải cưa mất 2 chân. Cuộc sống của người khuyết tật như ông vô cùng khó khăn và bất tiện nhưng vượt lên tất cả, ông vẫn hăng say lao động, làm việc để phát triển kinh tế, chăm lo cho cuộc sống gia đình. Bằng đôi tay, khối óc cộng với sự đam mê, ông đã gắn bó với nghề làm chậu cây cảnh từ mấy chục năm nay. Công việc mang lại cho ông thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Ông Lành tâm sự: Trong cuộc sống mình mất cái này thì còn cái kia, còn sống là còn “chiến đấu”, còn lao động, lao động đến bao giờ không lao động được nữa thì thôi. Khi làm việc và có thu nhập, tôi thấy rất thoải mái tư tưởng vì thấy cuộc sống vẫn còn rất nhiều ý nghĩa. Tôi muốn nhắn nhủ đến những người đồng cảnh ngộ hãy đừng bi quan, cố gắng vươn lên, cố gắng học tập, lao động để mang lại những điều tốt đẹp cho gia đình và xã hội.

Mất đi đôi chân nhưng ông Đặng Văn Lành, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương vẫn nỗ lực lao động để chăm lo cho gia đình.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 124.000 người khuyết tật. Đa số người khuyết tật hoàn cảnh đều khó khăn, chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách đối với người khuyết tật; huy động các nguồn lực xã hội trợ giúp chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục, bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật. Việc thực hiện chính sách pháp luật về người khuyết tật đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Cùng với đó, sự thay đổi về nhận thức xã hội đã giúp người khuyết tật ngày càng tự tin hơn, hòa nhập với đời sống xã hội. Hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân và cộng đồng, từng bước giảm dần những rào cản, cải thiện việc đáp ứng các nhu cầu, quyền lợi chính đáng của người khuyết tật, tạo động lực để họ phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho cộng đồng.

Ông Bùi Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Những năm gần đây, người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đối với Hội Người mù, nhờ các chính sách giáo dục mà các cháu học sinh được học hòa nhập; người mù trong độ tuổi lao động luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành cấp kinh phí để dạy nghề, tạo việc làm. Nhờ đó, nhiều anh chị em đã có công việc ổn định, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Công tác chăm lo cho người khuyết tật là đạo lý, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mọi người và của cả cộng đồng. Để công tác này đạt hiệu quả cao cần có sự chung tay của toàn xã hội. Có như vậy thì cuộc sống của người khuyết tật mới ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Đỗ Hồng Gia