Chủ nhật, 28/07/2024, 01:16[GMT+7]

Phòng chống dịch bệnh Chủ động, tích cực, sẵn sàng

Thứ 3, 07/05/2013 | 09:44:24
1,091 lượt xem
Trong bối cảnh dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp tại quốc gia láng giềng Trung Quốc, cúm A/H5N1, H1N1 diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong nước, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang xảy ra tại các địa phương trong tỉnh, đây là thời điểm công tác phòng chống dịch bệnh - đặc biệt là các bệnh dịch lây từ gia súc, gia cầm sang người, cần được coi trọng. “Chủ động, tích cực, không hoang mang”, đó là tinh thần được Ban chỉ đạo phòng chống dịch nhấn mạnh đến các ngành, đị

Xử lý tình huống trong cuộc diễn tập điều trị cúm A/H5N1 trên người. Ảnh: Thành Tâm

Đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: mặc dù trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch lớn, không có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, song các vụ dịch nhỏ lẻ vẫn xuất hiện rải rác tại các địa phương. Năm 2012, có hơn 1.200 ca mắc chân tay miệng; 7 bệnh nhân mắc liên cầu lợn, trong đó có 4 trường hợp tử vong; 1 bệnh nhân mắc cúm A/H3N2, một số bệnh nhân mắc cúm A/H1N1…

Từ đầu năm đến nay, có 1 bệnh nhân tử vong vì mắc liên cầu lợn, xuất hiện 1 ổ cúm A/H1-09, rải rác bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 với tần suất mắc tăng so với cùng kỳ các năm trước. Được đánh giá là tỉnh có hệ thống y tế dự phòng, giám sát dịch tốt, cũng là tỉnh đang triển khai tích cực dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch cúm”, song trong mỗi đợt dịch cúm A ở người xảy ra, Thái Bình luôn là tỉnh có nguy cơ cao.

Tại sao có tình trạng này? Theo lý giải của bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, do Thái Bình là tỉnh có diện tích nhỏ, dân số đông (theo tính toán, trên 1 km2, trung bình có 1.200 người sinh sống, cùng với đó còn có 1.200 con gia súc, 700 con gia cầm). Với mật độ dày đặc người và vật cùng chung sống, không khí ô nhiễm, việc dịch bệnh dễ lây lan và bùng phát là điều khó tránh khỏi. Cùng với nguyên nhân khách quan trên, hoạt động vệ sinh môi trường hạn chế, nhiều thói quen không có lợi cho sức khỏe vẫn còn tồn tại phổ biến trong sinh hoạt của người dân (như ăn tiết canh, ăn gỏi…) càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch, đặc biệt là dịch bệnh lây truyền từ gia cầm, gia súc sang người. 

Bác sĩ Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Nếu không có cúm gia cầm, sẽ không có H5N1, H7N9, H1N1 trên người, bởi vậy mục đích chính của chúng ta là phải tăng hiệu quả triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm, ngành y tế đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch xuống các đơn vị y tế và các địa phương trong tỉnh. Hệ thống y tế các cấp đã phối hợp khá chặt chẽ với ngành nông nghiệp, đặc biệt là Chi cục Thú y theo dõi tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của chủng virut cúm A trên các đàn gia cầm, thủy cầm nhằm triển khai biện pháp ngăn chặn dịch bệnh sang người.

Các phương án phòng chống dịch với từng tình huống cụ thể đã được xây dựng và triển khai xuống các đơn vị y tế và các địa phương. Đội ngũ cán bộ y tế tham gia công tác phòng chống dịch từ tuyến tỉnh đến cơ sở được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức về phòng chống dịch, đặc biệt là cúm A trên người. Các đội chống dịch lưu động, đội cấp cứu lưu động cũng đã được thiết lập và củng cố ở 100% đơn vị y tế, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu. Các đơn vị như Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa 8 huyện, thành phố đã thực hiện khá tốt công tác phối hợp giữa hệ dự phòng và điều trị trong giám sát, phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân. Tại các đơn vị y tế, thực hiện nghiêm việc củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động, tổ chức thường trực dịch bảo đảm 24/24 giờ. Từ ổ dịch xảy ra tại xã Đông Phong (Đông Hưng) và những ca nhiễm cúm H1N1 rải rác từ đầu năm đã được giám sát, điều trị kịp thời cho thấy ngành y tế đã khá chủ động và sẵn sàng trong công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Phạm Văn Dịu, cúm A qua quá trình biến đổi gen, lây từ gia cầm sang người đến nay vẫn còn là một thách thức với giới y học. Chính bởi sự khó hiểu, khó lường với diễn biến phức tạp của cúm A/H5N1, H7N9 hay H1N1 nên chúng ta vẫn cần hành động tích cực hơn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Năm 2006, 3 anh em trong một gia đình tại phường Đề Thám (Thành phố Thái Bình) chết vì cúm A/H5N1 đến nay vẫn còn là nỗi trăn trở chưa nguôi ngoai trong lòng đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp làm công tác phòng chống dịch. Bởi vậy, làm gì để các ban, ngành cùng vào cuộc, người dân có ý thức hơn trong phòng chống dịch bệnh vẫn là yêu cầu hàng đầu đặt ra. Nhiệm vụ cụ thể hơn là phải giúp người dân hiểu được 5 khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống cúm A/H5N1, H7N9:

1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh;

2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Bảo đảm an toàn thực phẩm;

3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn;

4. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời;

5. Người trở về nước từ khu vực có dịch phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện tuyên truyền hiệu quả. Nếu có sự vào cuộc của cả cộng đồng và mỗi người dân là một tuyên truyền viên, giám sát viên trong phòng chống cúm A thì bệnh dịch chắc chắn không có cơ hội lây lan.

Trần Hương

  • Từ khóa