Chủ nhật, 12/01/2025, 16:21[GMT+7]

Triển khai khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế: Khó khăn chưa hết

Thứ 2, 13/05/2013 | 19:50:06
3,372 lượt xem
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và kế hoạch của hai ngành y tế, bảo hiểm xã hội, hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế thực hiện từ 1/1/2013. Khi bước vào triển khai, hoạt động này gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đến nay, những khó khăn ban đầu đã cơ bản được giải quyết, song một số vướng mắc mới lại nảy sinh.

Trẻ em là đối tượng cần được đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế

Giải quyết khó khăn ban đầu

 

Theo chỉ đạo và kế hoạch, hoạt động khám chữa bệnh (KCB)  BHYT tại trạm y tế xã, thị trấn thực hiện từ ngày 1/1/2013. Tuy nhiên, đến hết quý I/2013, vẫn còn 2/8 huyện chưa triển khai được hoạt động.  Trước tình hình này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo hai ngành Y tế, Bảo hiểm xã hội và các huyện, thành phố khẩn trương đẩy mạnh các  hoạt động để việc thực hiện KCB BHYT tại trạm y tế bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. Sau những nỗ lực từ hai ngành Y tế, Bảo hiểm xã hội và sự chỉ đạo tích cực của huyện ủy, UBND các huyện, thành phố, đến nay hoạt động có nhiều chuyển biến, số lượng thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế đã tăng nhanh.

 

Nếu như đến giữa tháng 3/2013, toàn tỉnh mới có 70 nghìn thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế thì sau một tháng đẩy mạnh hoạt động, con số này đã tăng lên hơn 160 nghìn thẻ. Đông Hưng là huyện chậm tiến độ. Ông Ngô Xuân Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện cho biết: đến 1/4, toàn huyện mới có 3 nghìn thẻ đăng ký KCB tại trạm y tế. Sau khi Bảo hiểm xã hội huyện tích cực phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đối tượng, số thẻ đăng ký KCB tại trạm y tế tăng nhanh. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp đổi thẻ BHYT của đối tượng, từ đầu tháng 4, Bảo hiểm xã hội huyện đã tổ chức cho cán bộ làm thêm ngoài giờ. Đến hết tháng 4, toàn huyện đã cấp đổi được hơn 27 nghìn thẻ đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế. Không dừng lại ở đối tượng người nghèo và người cận nghèo, Đông Hưng còn mở rộng cho các đối tượng khác đăng ký.

 

Cũng là huyện gặp khó khăn trong thời gian đầu triển khai nhưng đến nay Quỳnh Phụ đã cấp đổi được 33 nghìn thẻ, đồng thời mở rộng đối tượng đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế. Các huyện khác như Hưng Hà có 27 nghìn thẻ; Thái Thụy hơn 17 nghìn thẻ; Tiền Hải 20 nghìn thẻ; Vũ Thư 12 nghìn thẻ; Kiến Xương 12 nghìn thẻ và Thành phố Thái Bình 9 nghìn thẻ. Số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã đạt 13,8% tổng số thẻ BHYT. Hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục tổ chức thu, đổi thẻ BHYT cho nhân dân có yêu cầu đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế, phấn đấu trung bình có trên 1 nghìn thẻ BHYT/trạm y tế. Giải quyết cơ bản khó khăn, vướng mắc ban đầu, các huyện, thành phố đang tích cực triển khai hoạt động KCB tại trạm y tế.

 

Những băn khoăn mới

 

Theo Hướng dẫn của liên ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội, trong năm 2013 sẽ triển khai KCB BHYT tại trạm y tế cho hai đối tượng người nghèo và người cận nghèo, các năm tiếp theo sẽ mở rộng đến các đối tượng khác. Bác sĩ Đinh Bá Phối, Trưởng trạm Y tế xã Thái Sơn (Thái Thụy) cho biết: 70% dân số Thái Sơn có thẻ BHYT. Theo kết quả khảo sát cuối năm 2012, 98% nhân dân có nguyện vọng đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã. Việc triển khai KCB ban đầu tại trạm y tế chỉ cho hai đối tượng người nghèo và cận nghèo mà chưa thực hiện ở các đối tượng khác đã gây nên không ít bức xúc cho người dân tham gia BHYT. Điều này không chỉ gặp ở Thái Sơn mà ở nhiều địa phương khác trong tỉnh.

 

Cũng về quy định đối tượng đăng ký KCB ban đầu, theo nhận xét của lãnh đạo bảo hiểm xã hội một số huyện, trong khi cả hai ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội đang tích cực vận động nhân dân đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế nhưng bản thân các cán bộ đang làm việc tại trạm y tế lại không đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế. Điển hình là tại Thành phố Thái Bình, 111 cán bộ của 19 trạm y tế xã, phường đều đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện.

 

Thêm một khó khăn nữa trong thực hiện KCB ban đầu tại trạm y tế hiện nay là vấn đề kinh phí. Theo hướng dẫn, kinh phí chi cho công tác KCB ban đầu tại trạm y tế là 10% tổng quỹ trên số đầu thẻ. Với mức đóng BHYT cho đối tượng người nghèo, người cận nghèo hiện nay là 4,5% mức lương tối thiểu chung (tương đương 472.500 đồng/thẻ/năm), theo quy định, mỗi thẻ sẽ được trích 47.250 đồng/năm. Nếu chia trung bình định mức khoảng 4 nghìn đồng/tháng/thẻ. Theo đội ngũ cán bộ trạm y tế, với số định mức ít ỏi này, không đủ để cấp một đơn thuốc cảm cúm thông thường.

 

Cùng với những khó khăn trên là băn khoăn trong quản lý quỹ KCB BHYT tại trạm y tế. Ông Đỗ Văn Nguyễn, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thái Thụy cho biết, quá trình triển khai KCB BHYT tại trạm y tế xã thời gian năm 2010 cho thấy việc quản lý quỹ tại trạm y tế xã khá bất cập. Qua kiểm tra, giám sát, có một phần không nhỏ số đơn thuốc được sử dụng tại trạm y tế là dành cho cán bộ xã và người nhà của những người này. Tâm lý “tình làng nghĩa xóm” dẫn đến việc chỉ định cấp, phát thuốc tại trạm y tế nhiều khi không đúng quy định. Nếu những sai sót này vẫn diễn ra thì việc quản lý quỹ KCB tuyến xã là khá nan giải.

 

Hiểu đúng về hoạt động khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế

 

Làm gì để giải quyết những băn khoăn, vướng mắc trên? Về đối tượng đăng ký KCB ban đầu, theo kế hoạch năm đầu (2013) hoạt động chỉ thực hiện đối với người nghèo và người cận nghèo; song Sở Y tế vẫn khuyến khích các đơn vị mở rộng đến các đối tượng khác và tiếp tục tuyên truyền nhân dân đăng ký KCB tại trạm y tế. Theo lộ trình, các năm tiếp theo mới mở rộng đối tượng đăng ký KCB tại trạm y tế.

 

Bác sĩ Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Trước hết chúng ta phải hiểu đúng về hoạt động KCB tại trạm y tế. Đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế hay ở bệnh viện là như nhau. Trạm y tế chính là cánh tay nối dài của bệnh viện, thực hiện khám phân loại giúp bệnh viện. Như vậy, mỗi trạm y tế không chỉ làm nhiệm vụ KCB ban đầu mà còn cần thực hiện tốt chức năng tư vấn cho nhân dân trong chăm sóc sức khỏe. Người dân đến khám, trạm y tế phân loại để chuyển tuyến phù hợp hoặc hướng dẫn, tư vấn ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý mà không nhất thiết phải cấp thuốc.

 

Theo phân tích, nếu trạm y tế thực hiện tốt nhiệm vụ này, sự quá tải của tuyến trên sẽ được giảm bớt, những đối tượng khó khăn sẽ thêm thuận lợi, được tiếp cận với hoạt động KCB ngay từ tuyến đầu. Đặc biệt, khi mỗi cán bộ trạm y tế và người dân hiểu đúng về KCB tại trạm y tế, vấn đề kinh phí hay công tác quản lý quỹ sẽ không còn nhiều băn khoăn, lo lắng như hiện nay.

Bài, ảnh: Trần Thu Hương

 

 

  • Từ khóa