Thứ 7, 02/11/2024, 22:22[GMT+7]

Tìm “ánh sáng” từ niềm tin và nghị lực

Thứ 5, 09/03/2023 | 08:13:47
4,652 lượt xem
Dù khiếm khuyết về đôi mắt nhưng với ý chí vươn lên, anh Hoàng Văn Hiến, khu phố Cộng Hòa, thị trấn Kiến Xương (Kiến Xương) đã vượt qua mặc cảm, tự tin khẳng định bản thân, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Cơ sở tẩm quất của anh Hoàng Văn Hiến (người áo trắng bên trái) tạo việc làm cho nhiều người khiếm thị.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên Hoàng Văn Hiến sớm thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của cha mẹ. Năm 1992, sau khi hoàn thành bậc học THPT, Hoàng Văn Hiến đi học và làm nghề cơ khí để đỡ đần cho gia đình. Tưởng chừng cuộc sống sẽ diễn ra êm ả nhưng một biến cố ập đến với anh. Năm 1994, trong một lần bị tai nạn lao động đã khiến mắt trái của anh không còn nhìn thấy ánh sáng. Bất hạnh hơn, chỉ 5 năm sau đó, khi nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường bên mắt phải, anh Hiến đã đi khám và được bác sĩ kết luận anh bị bệnh Glôcôm - bệnh thiên đầu thống. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức, mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn. 

Nhớ lại quãng thời gian khó khăn ấy, anh ngậm ngùi: Sau khi bị hỏng mắt trái, tôi cảm thấy rất bi quan nhưng vẫn tự an ủi mình còn mắt phải, mình vẫn còn cơ hội để tiếp tục làm việc, không là gánh nặng của gia đình. Nhưng sau khi mắt phải bị bệnh, niềm hy vọng của tôi bị sụp đổ hoàn toàn. Tôi bắt đầu sống khép mình mấy năm trời, không đi làm, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường với những suy nghĩ tiêu cực. Mọi thứ đối với tôi lúc ấy thật sự bế tắc và tuyệt vọng.

Đang là một thanh niên khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình với thu nhập ổn định, anh Hiến trở thành người khiếm thị, không có thu nhập. Tuy nhiên, được sự động viên, khích lệ của gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh, anh Hiến dần lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Anh trở thành hội viên của Hội Người mù huyện Kiến Xương, bắt đầu tham gia sinh hoạt từ tháng 1/2012. Tại đây, anh đã được gặp gỡ và giao lưu với những người cùng cảnh ngộ, được biết đến những chính sách, việc làm dành cho người khuyết tật. Năm 2013, sau khi hoàn thành khóa học tẩm quất cổ truyền do Hội Người mù tỉnh tổ chức, anh được Hội Người mù huyện tạo điều kiện nhận vào làm tẩm quất tại Huyện hội. Càng làm, anh càng tích lũy kinh nghiệm. Nhận thấy tẩm quất là nghề mũi nhọn của người khiếm thị, đầu năm 2019, với sự giúp đỡ của gia đình, họ hàng và nguồn vốn tích lũy, anh đã mạnh dạn mở cơ sở tẩm quất cho riêng mình. Thời gian đầu mới hoạt động, cơ sở của anh gặp nhiều khó khăn do số lượng khách chưa nhiều, thu nhập thấp. Nhưng với sự kiên trì, tay nghề vững vàng và sự tận tâm với nghề, dần dần cơ sở tẩm quất của anh Hiến được nhiều người biết đến. Vào mùa hè, mỗi tháng cơ sở của anh đón tiếp từ 700 - 800 lượt khách và 400 - 600 lượt khách hàng vào mùa đông. Ngoài anh là lao động chính, cơ sở còn tạo việc làm cho 6 lao động là người khiếm thị trong và ngoài tỉnh với thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Phan Thị Hường, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cho biết: Thông qua các hội, nhóm tìm việc làm cho người khiếm thị trên mạng xã hội, tôi được biết đến cơ sở tẩm quất của anh Hiến và đã được anh nhận vào làm việc. Anh thường xuyên hướng dẫn, tạo điều kiện cho tôi trong công việc và cuộc sống. Với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, tôi có thể tự trang trải cho sinh hoạt hàng ngày của mình, không phải phụ thuộc quá nhiều vào gia đình, người thân.

Không chỉ phát triển cơ sở tẩm quất, anh Hoàng Văn Hiến còn tích cực tham gia công tác hội; động viên, thuyết phục những người khiếm thị trên địa bàn huyện tham gia tổ chức hội và truyền nghề cho các hội viên người khiếm thị. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên vận động các tổ chức, nhà hảo tâm tặng quà cho hội viên nhân dịp lễ, tết. Anh Hiến cho biết thêm: Thời gian tới, tôi sẽ phát triển thêm các dịch vụ mới tại cơ sở tẩm quất của mình như: chườm đá nóng, chườm ngải cứu, xông hơi... và kỹ thuật vật lý trị liệu hỗ trợ giảm đau, phục vụ nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ tuyển thêm từ 2 - 3 lao động là người khiếm thị làm việc tại cơ sở.

Anh Đặng Văn Chính, Chủ tịch Hội Người mù huyện Kiến Xương cho biết: Anh Hoàng Văn Hiến là người có tinh thần trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người noi theo và học tập. Với những người khiếm thị như anh Hiến, “ánh sáng” cuộc đời được tạo nên chính từ niềm tin, từ hành trình nỗ lực vươn lên của bản thân người khiếm thị và sự quan tâm, động viên của cả cộng đồng.


Thu Trang