Thứ 7, 02/11/2024, 20:19[GMT+7]

Tăng cường hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm

Thứ 5, 16/03/2023 | 08:59:39
4,667 lượt xem
Khoa học công nghệ có vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, hiệu quả sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động của thời tiết, khí hậu, dịch bệnh... Bên cạnh đó, việc quảng bá, giới thiệu nguồn gốc xuất xứ, giá cả, phương thức vận chuyển, thanh toán... cũng rất quan trọng. Nhận thức được điều này, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giúp hội viên tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Bình Định (Kiến Xương). Ảnh: Ngân Huyền

Hoạt động hỗ trợ nông dân về khoa học công nghệ gắn liền với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hàng năm, hội nông dân các cấp đã tổ chức gần 2.000 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 200.000 lượt hội viên; phối hợp tổ chức trên 300 lớp đào tạo nghề cho gần 10.000 nông dân; hỗ trợ xây dựng hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, theo chuỗi giá trị để hội viên tham quan, học tập và làm theo. Bên cạnh đó, hội nông dân còn hỗ trợ cho hội viên về vốn, cung ứng phân bón trả chậm, xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học hiệu quả để tổ chức cho hội viên tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng. Nội dung chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng rất phong phú về các lĩnh vực: phổ biến sử dụng phân bón NPK vi sinh, ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý rơm rạ, trong xử lý chất thải chăn nuôi, trong xử lý nước nuôi tôm, cua... Một số hội viên nông dân đã đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: tự động hóa trong chăn nuôi lợn, gà; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sử dụng nhà màng trong trồng dưa lưới; sử dụng hệ thống tự động hóa trong điều chỉnh nhiệt độ, thông gió trong chăn nuôi gà, lợn...

Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Việc phổ biến ứng dụng khoa học công nghệ được hội nông dân tổ chức với các hình thức đa dạng: tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham quan mô hình, qua bản tin, website, tuyên truyền trên Báo Thái Bình, Đài PTTH tỉnh... Hội nông dân các cấp đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị để có nguồn lực tổ chức các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng phân bón... cho hội viên, nông dân.

Thông qua việc tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân. Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn; tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nhiều gia đình hội viên, nông dân đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm của hội viên thông qua sàn thương mại điện tử, các hội chợ, hội thảo, qua các tạp chí thương mại... Ký kết chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh lựa chọn các hộ có sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tập huấn hướng dẫn cách thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Theo đó, liên ngành tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ gồm: phối hợp tuyên truyền, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm; triển khai chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản nông nghiệp an toàn, chất lượng cao; hợp tác xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất giá trị bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển lực lượng cộng tác viên, đại lý bán hàng. Đến nay, liên ngành đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hướng dẫn hàng nghìn hội viên, nông dân cách thức tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; sử dụng phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử; phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cũng như cách tạo lập các trang web, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá nông sản. Tổ chức hội cũng phối hợp rà soát, thu thập thông tin của hàng nghìn hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật lên giới thiệu, bán sản phẩm nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Kết quả bước đầu, hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh và một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của nông dân đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Ứng dụng khoa học công nghệ nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo tại xã Phú Lương (Đông Hưng).

Ngoài ra, hàng năm hội chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại, các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua đó đã có hàng trăm sản phẩm của nông dân Thái Bình được giới thiệu, quảng bá, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thực tiễn tổ chức các hoạt động giúp hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho thấy, các cấp hội phải xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm; phải đưa vào chỉ tiêu thi đua chấm điểm xếp loại hàng năm và có sự phối hợp với các doanh nghiệp tạo điều kiện tổ chức thực hiện mới có hiệu quả cao. Quá trình thực hiện cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết, khen thưởng kịp thời; đồng thời phải tận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các cơ chế, chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tích tụ, tập trung ruộng đất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... cùng với phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, trí tuệ của hội viên, nông dân.

Lê Hồng Sơn
(Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh)