Thứ 7, 02/11/2024, 18:27[GMT+7]

Thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Thứ 3, 28/03/2023 | 18:23:40
6,378 lượt xem
Chiều ngày 28/3, UBND tỉnh họp nghe Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo dự thảo kế hoạch triển khai thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt áp dụng đối với đối tượng hưởng trợ cấp theo Pháp lệnh ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội tại cộng đồng trên địa bàn huyện Vũ Thư và thành phố Thái Bình. Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Tính đến hết tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 59.668 lượt người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công; toàn tỉnh có trên 112.400 đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Việc thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công và đối tượng bảo trợ xã hội được hệ thống dịch vụ Bưu điện thực hiện kịp thời, chính xác, nhanh chóng, công khai, minh bạch.

Với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách an sinh xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt áp dụng đối với đối tượng hưởng trợ cấp theo Pháp lệnh ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội tại cộng đồng.

Theo đó, việc triển khai thí điểm sẽ dự kiến được thực hiện tại 5 xã, phường thuộc thành phố Thái Bình (phường Đề Thám, phường Quang Trung, phường Phú Khánh, xã Đông Hòa, xã Đông Thọ) và 5 xã thuộc huyện Vũ Thư (Hồng Phong, Song Lãng, Phúc Thành, Xuân Hòa và Dũng Nghĩa). Thời gian thực hiện từ tháng 4/2023 đến hết tháng 7/2023.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, đề xuất các giải pháp để thực hiện việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt với đối tượng thuộc nhóm người có công và bảo trợ xã hội.

Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất sẽ thí điểm trên địa bàn tỉnh về việc chi trả trợ cấp ưu đãi không dùng tiền mặt đối với đối tượng người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng chí đề nghị việc chi trả cho đối tượng phải phù hợp, thuận lợi, bảo đảm tiến độ, đúng thời gian quy định. Tổ chức dịch vụ chi trả chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, việc thanh toán chi trả phải thuận tiện, dễ dàng, an toàn, minh bạch. Trong quá trình thực hiện thí điểm không được gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thụ hưởng. Kết thúc thí điểm, phải tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Khẳng định công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người thụ hưởng chế độ chính sách, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị tích cực phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đối tượng hưởng trợ cấp theo Pháp lệnh ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội tại cộng đồng để triển khai thành công thí điểm chi trả các chế độ không dùng tiền mặt.

                                                                                          Duy Tùng