Thứ 7, 02/11/2024, 18:26[GMT+7]

Truyền thông chăm sóc sức khỏe trên mạng xã hội: Nét mới của các bệnh viện

Thứ 6, 31/03/2023 | 11:51:06
7,185 lượt xem
Ngoài các hình thức truyền thông truyền thống như phát tờ rơi, treo băng rôn, pa nô…, bắt nhịp xu hướng công nghệ, nhiều đơn vị y tế trong tỉnh thực hiện truyền thông chăm sóc sức khỏe trên mạng xã hội. Việc đổi mới cách thức, nội dung truyền thông nhằm hướng tới mục tiêu giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh, chính xác nhất, đồng thời lắng nghe phản hồi, nắm bắt nhu cầu chăm sóc sức khỏe từ phía người bệnh.

Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn trực tuyến trên fanpage của Bệnh viện.

Không chỉ cập nhật những thông tin hoạt động của bệnh viện, các kiến thức chăm sóc sức khỏe cũng được Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình đăng tải thường xuyên trên fanpage, website của Bệnh viện và màn hình led ở các khoa, phòng. Nhờ đó, người dân có thể tiếp cận thông tin về các hoạt động đã, sẽ triển khai cũng như nắm được cách phòng, điều trị một số bệnh thường gặp của người cao tuổi và tầm quan trọng của việc khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ...

Dược sĩ Nguyễn Thị Hải, phụ trách công tác xã hội, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình chia sẻ: Trước kia, cách thức truyền thông chủ yếu của Bệnh viện là phát tờ rơi, viết bài phát trên loa, treo băng rôn... Tuy nhiên, sau khi nhận thấy từ người trẻ đến người cao tuổi đều sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội được dùng rất phổ biến, mỗi khi có bài đăng tải lượng xem, tương tác rất nhiều nên chúng tôi đã coi đây là một trong những kênh truyền thông chủ lực của Bệnh viện. Việc đăng tải, chia sẻ thông tin về bệnh viện, kiến thức chăm sóc sức khỏe không chỉ giúp người dân có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe mà còn thêm niềm tin về chất lượng khám, điều trị của Bệnh viện. Vai trò, vị trí của Bệnh viện cũng ngày được nâng cao. Để thu hút được người xem, sự tương tác trên mạng xã hội, chúng tôi luôn chú trọng về nội dung, cung cấp đa dạng thông tin, kiến thức chăm sóc sức khỏe. Do lượng bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện chủ yếu là người cao tuổi nên các thông tin cũng phải phù hợp. Ngoài việc đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, website Bệnh viện, chúng tôi còn truyền thông trực tiếp qua các cuộc họp hội đồng người bệnh hàng tháng; xây dựng góc truyền thông ở các phòng khám để khi bệnh nhân chờ chẩn đoán bệnh có thể đọc được. Góc truyền thông chủ yếu thông tin về các bệnh hay gặp; đồng thời gắn kèm số điện thoại của Bệnh viện, nếu người bệnh muốn hỏi thêm sẽ tư vấn qua hotline.

Truyền thông đưa các hoạt động của bệnh viện lên mạng xã hội đã được các bệnh viện trong tỉnh thực hiện thường xuyên. Tại các bệnh viện chuyên khoa, tùy theo đặc thù bệnh tật, nội dung tuyên truyền sẽ chuyên sâu hơn về những bệnh mà nhiều người đến khám, điều trị. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công tác truyền thông có sự đổi mới liên tục, đa dạng bằng nhiều hình thức. Cùng với đăng tải các hoạt động của Bệnh viện, các bệnh thường gặp theo mùa... bệnh viện còn tổ chức phát trực tiếp các chương trình có nội dung như: tư vấn trực tuyến cách phòng, điều trị một số bệnh thường gặp, phương pháp điều trị kỹ thuật cao, chuyên sâu mà Bệnh viện đã triển khai. Nhờ hình thức truyền thông này, những câu hỏi, băn khoăn của người dân được bác sĩ trả lời trực tiếp. Đây cũng là cách để Bệnh viện lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để hoàn thiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Ông Hoàng Khắc Quyết (Vũ Thư) chia sẻ: Cùng với đọc báo, qua trang fanpage của các bệnh viện đã giúp tôi có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe. Tôi mong các thông tin được cập nhật thường xuyên hơn để người dân nâng cao sự hiểu biết, kiến thức phòng bệnh, nhất là một số dịch bệnh dễ lây nhiễm.

Hiện nay, đa phần các bệnh viện đều có tổ, phòng truyền thông. Mạng lưới truyền thông của các đơn vị đã phát huy hiệu quả, vai trò trong truyền thông phòng, chống dịch bệnh, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động truyền thông mới bám theo sự kiện và được thực hiện theo hình thức tự phát. Vì thế, các thông tin đăng tải có lúc chưa được thường xuyên, trong khi đó, xu hướng của mạng xã hội là cần sự tương tác liên tục. Cùng với đó, hoạt động truyền thông trên nền tảng mạng xã hội còn gặp khó khăn do một số đơn vị thiếu trang thiết bị và nguồn nhân lực chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, tập huấn, cập nhật kiến thức thường xuyên. Để thực hiện truyền thông hiệu quả trên nền tảng mạng xã hội, các đơn vị y tế cần có kế hoạch, chiến lược với những lộ trình đầu tư cụ thể trong truyền thông để thu hút người xem.

Hoàng Lanh