Chủ nhật, 01/09/2024, 13:36[GMT+7]

Điều trị Methadone Mang lại hy vọng, cuộc sống mới cho người nghiện ma túy

Thứ 3, 28/05/2013 | 08:21:03
1,203 lượt xem
Hiệu quả điều trị Methadone đã được khẳng định: người nghiện giảm nhu cầu sử dụng ma túy, sức khỏe tăng, chất lượng cuộc sống cải thiện, giảm các bệnh lây nhiễm - đặc biệt là lây nhiễm HIV. Ngày 30/11/2012, Cơ sở điều trị Methadone đầu tiên của Thái Bình đặt tại Trung tâm Y tế Thành phố Thái Bình chính thức đi vào hoạt động.

Bệnh nhân trong giờ uống thuốc tại Cơ sở điều trị Methadone. Ảnh: Thành Tâm

Methadone là thuốc điều trị thay thế các chất gây nghiện dạng thuốc phiện. Sử dụng Methadone là phương pháp cai nghiện ma túy rất hiệu quả được các nước trên thế giới triển khai hơn 20 năm nay, đặc biệt  tại nhiều quốc gia phát triển. Năm 2008, việc sử dụng Methadone bắt đầu triển khai ở Việt Nam tại một số tỉnh, thành phố. Hiệu quả điều trị Methadone đã được khẳng định: người nghiện giảm nhu cầu sử dụng ma túy, sức khỏe tăng, chất lượng cuộc sống cải thiện, giảm các bệnh lây nhiễm - đặc biệt là lây nhiễm HIV. Ngày 30/11/2012, Cơ sở điều trị Methadone đầu tiên của Thái Bình đặt tại Trung tâm Y tế Thành phố Thái Bình chính thức đi vào hoạt động. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố cho biết: Trung tâm đã dành khu nhà dịch vụ kỹ thuật đồng thời sắp xếp, bố trí cán bộ cho Cơ sở hoạt động. Có cơ sở vật chất, có đội ngũ cán bộ đã qua tập huấn về điều trị Methadone, việc triển khai điều trị Methadone khởi động thuận lợi. Quy trình điều trị Methadone khá đơn giản: sau khi được tiếp nhận vào cơ sở điều trị, bệnh nhân được khám sức khỏe, được tư vấn chu đáo về chương trình điều trị, làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định, đánh giá và bước vào giai đoạn uống thuốc. Trong quá trình uống, bệnh nhân qua các giai đoạn dò liều, chỉnh liều và duy trì liều phù hợp. Tất cả các bệnh nhân điều trị Methadone đều có thể dễ dàng tuân thủ chương trình điều trị bằng việc mỗi ngày qua cơ sở uống thuốc Methadone một lần.

Từ 29 bệnh nhân trong đợt khởi liều đầu tiên, đến nay Cơ sở đã thực hiện 7 đợt khởi liều, hiện duy trì điều trị cho 136 bệnh nhân ở 18/19 xã, phường của Thành phố. Trong đó bệnh nhân cao tuổi nhất là 63 tuổi, ít tuổi nhất là 22. Hiệu quả đầu tiên và rõ nhất trong điều trị Methadone là về mặt kinh tế. Theo tính toán, với 136 trường hợp đang điều trị Methadone, trước điều trị, chi phí sử dụng ma túy trung bình là 320.900 đồng/người/ngày. Trong khi đó, chi phí trung bình trong sử dụng Methadone của một bệnh nhân hiện nay là 26.890 đồng (Mô hình đang hoạt động có sự hỗ trợ từ Dự án Phòng chống HIV/AIDS của Ngân hàng Thế giới nên hiện các bệnh nhân được sử dụng thuốc miễn phí). Như vậy, chi phí trung bình cho một người sử dụng ma túy trong một tháng cao gấp 11,9 lần so với sử dụng Methadone.

Không chỉ đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, việc sử dụng Methadone còn góp phần vào việc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Qua theo dõi, giám sát gần 100% bệnh nhân sau sử dụng Methadone đều có chuyển biến tốt về sức khỏe, tinh thần, thái độ; trước khi vào điều trị, 100% bệnh nhân sử dụng ma túy trái phép, sau một tháng điều trị, tỷ lệ bệnh nhân sử dụng ma túy giảm xuống còn 33,3%; sau 3 tháng, còn 15,6%; sau 6 tháng, chỉ còn 3%. Đặc biệt, nếu như trước điều trị, có tới trên 75% bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật, trộm cắp tài sản trong gia đình thì sau điều trị, tỷ lệ phạm tội giảm mạnh, chỉ còn 5,1%; trước điều trị, chỉ có 35,6% bệnh nhân có việc làm thì sau điều trị, tỷ lệ có việc làm ổn định đã tăng lên 60,3%.

Anh N.V.M (phường Lê Hồng Phong) và K.V.T (phường Đề Thám) là hai trong số các bệnh nhân đầu tiên được điều trị Methadone cho biết, họ từng có thời gian sử dụng ma túy hơn 20 năm, trải qua rất nhiều đợt cai nghiện song không thành công. Trước khi được điều trị Methadone, cuộc sống của cả hai rất khổ sở, vất vả. Sau những tuần đầu điều trị Methadone, nhu cầu sử dụng ma túy của họ giảm dần. Sau một tháng, cảm giác thèm ma túy mất hẳn. Đến nay, hoàn toàn không sử dụng ma túy, sức khỏe tốt lên, họ đã có thể làm việc giúp đỡ thêm cho gia đình. Không chỉ có hai anh N.V.M và K.V.T, hầu hết các bệnh nhân điều trị Methadone đều có chung nhận xét tương tự.

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung cũng cho biết thêm, quy trình để được đưa vào chương trình điều trị Methadone không phiền hà, phức tạp. Người sử dụng ma túy có nhu cầu điều trị Methadone làm hồ sơ (hồ sơ cấp tại trạm y tế xã, phường), xác nhận của UBND xã, phường; gửi hồ sơ đến Cơ sở điều trị Methadone; Cơ sở thẩm định, gửi lên Ban chỉ đạo Đề án Điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone xét duyệt, đưa vào chương trình điều trị. Chị P.T.M (phường Quang Trung) cho biết, gia đình chị có em trai nghiện ma túy, cả gia đình rất khổ sở vì điều này. Trực tiếp chứng kiến sự thay đổi lớn của một người hàng xóm từng nghiện ma túy sau khi sử dụng Methadone, sức khỏe và tinh thần tốt lên, thậm chí đã đi làm và trở về cuộc sống như một người bình thường, gia đình đã làm hồ sơ nguyện vọng con em mình được điều trị Methadone.

Theo báo cáo của các ngành chức năng, Thái Bình hiện có hơn 5.700 người nghiện ma túy đang được quản lý, trong đó riêng Thành phố Thái Bình có gần 1.000 người. Con số 136/1.000 người được điều trị Methadone còn quá khiêm tốn. Theo bác sĩ Lê Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố, Phó Ban chỉ đạo Đề án Điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone: Thành phố dự kiến thời gian tới tăng số người điều trị lên 250 người. Từ những năm 2015 trở đi căn cứ vào tình hình thực tế và chỉ đạo của tỉnh, tiếp tục tăng số người điều trị.

Tuy nhiên, do là chương trình điều trị mới, thời gian triển khai chưa lâu nên hiện nay không có nhiều người biết và thực sự hiểu về điều trị Methadone. Để nâng cao nhận thức của các cấp cũng như cộng đồng xã hội, giúp chương trình triển khai thuận lợi chính là yêu cầu đối với chương trình hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Nghị định số 96/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định những huyện có trên 250 người nghiện ma túy trở lên phải triển khai điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Với hơn 5.700 người nghiện ma túy đang được quản lý trong toàn tỉnh, việc mở rộng mô hình điều trị Methadone tại Thái Bình là cần thiết.

Trong một buổi làm việc gần đây,  Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với việc mở rộng mô hình điều trị Methadone tại tỉnh ta. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là mô hình điều trị Methadone của Thái Bình mới được thành lập và đi vào hoạt động với nguồn hỗ trợ chính từ Dự án Phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ. "Khi Dự án dừng tài trợ, chúng ta sẽ gặp khó khăn nếu không chuẩn bị sẵn các phương án duy trì hoạt động của mô hình. Vì vậy, mở rộng mô hình theo hướng xã hội hóa là cần thiết, đây cũng là phương hướng mà ngành y tế đã đưa ra trong định hướng hoạt động của mô hình trong thời gian tới" - bác sĩ Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho biết. Để làm được điều này, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung sức, chung lòng của các ban, ngành, địa phương và toàn thể cộng đồng để mô hình tiếp tục được mở rộng và hoạt động hiệu quả, mang lại niềm tin, hy vọng, cuộc sống mới cho những người nghiện ma túy cùng gia đình của họ.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa