Chủ nhật, 01/09/2024, 13:21[GMT+7]

Quỳnh Phụ Sẵn sàng trước mùa mưa bão

Thứ 3, 28/05/2013 | 15:36:10
192 lượt xem
Năm 2013, tình hình thời tiết, khí hậu được dự báo diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, rét đậm, mưa đá, lốc xoáy xảy ra ở nhiều nơi, nhiệt độ tăng cao ngay từ đầu hè. Để chủ động ứng phó với các tình huống bão lũ có thể xảy ra, ngay cuối tháng 3, các địa phương trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB,TKCN) phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị.

Công nhân đang tu sửa kè tại xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ)

Quỳnh Phụ có hệ thống đê chính dài 35,5 km, gồm: đê Hữu Luộc và đê Hữu Hóa. Trong công tác PCLB, huyện luôn xác định lấy phòng là chính, chống phải tích cực ngay từ giờ đầu, ngày đầu. Tuy nhiên trong năm 2012, Quỳnh Phụ vẫn phải hứng chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 8. Hơn 6.000 ha cây màu vụ đông bị đổ và ngập nặng, trong đó mất trắng gần 10%; nhiều công trình nhà ở, tường bao bị đổ sập, tốc mái; kè Đại Nẫm dài hơn 200 m (xã Quỳnh Thọ) bị sạt lở…

Để chủ động PCLB trong năm 2013, Ban chỉ huy PCLB, TKCN huyện đã chỉ đạo các địa phương cần nêu cao tinh thần chủ động phòng ngừa; tổ chức rà soát lại về số lượng, chất lượng phương tiện hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ và triển khai các phương án ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống. Một trong những giải pháp được huyện đề cao là giữ vững thông tin liên lạc. Huyện yêu cầu Đài Phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, kỹ thuật để chủ động tiếp phát liên tục các bản tin về bão lũ, các văn bản chỉ đạo của huyện và cấp trên, không để xảy ra sự cố làm gián đoạn thông tin. Trung tâm Viễn thông huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện, kỹ thuật bảo đảm thông tin thông suốt trong mùa mưa bão.

Các xã, thị trấn thành lập đội xung kích PCLB, cứu nạn, cứu hộ, canh giữ đê gắn với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đê, vận hành đóng mở cống kịp thời; tuyên truyền, vận động các hộ dân ở những vị trí có nguy cơ sạt lở chủ động di dời. Các ngành, tùy theo chức năng, đều được giao nhiệm vụ cụ thể giúp chủ động trong công tác PCLB. Ngành Nông nghiệp được giao nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc triển khai phương án PCLB; hướng dẫn các hợp tác xã và nông dân thu hoạch lúa xuân; dự trữ cây, con giống khắc phục hậu quả sau bão lũ; phối hợp kiểm tra công tác bảo vệ các công trình thủy lợi, hệ thống đê kè.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác PCLB  là tập trung nguồn lực đầu tư cho hệ thống đê, kè, cống, nhất là các điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở. Trong mùa mưa bão năm nay, ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện đã chi gần 30 tỷ đồng nâng cấp mặt đê, tu sửa, gia cố kè, như: Đổ bê tông mặt đê Hữu Luộc dài 3,8 km; xử lý 92 tổ mối trong thân đê Hữu Luộc, Hữu Hóa; tu bổ kè Đại Nẫm, xã Quỳnh Thọ; kè bãi lở xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoa. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư 1,7 tỷ đồng nạo vét các sông trục chính, với khối lượng trên 45.000 m3. Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình đầu tư gần 4,4 tỷ đồng để đánh sa các cửa cống, xây cống T1-4, xã Đông Hải, sửa chữa 6 máy thuộc trạm bơm Đại Nẫm, nạo vét sông Cầu Tre…

Các xã, thị trấn và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đầu tư trên 7,4 tỷ đồng để nạo vét sông, tu sửa công trình, đắp bờ vùng, giải phóng dòng chảy. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều đoạn đê, kè đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đoạn đê, kè, cống Đại Nẫm (xã Quỳnh Thọ) dài 2 km được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước, từ đó đến nay không được sửa chữa thường xuyên. Tại kè Hiệp, mặc dù nằm trong phạm vi bảo vệ kè nhưng địa phương vẫn cho các hộ kinh doanh đấu thầu làm bến bãi chứa, tập kết vật liệu, mái kè làm nơi neo đậu tàu thuyền nên bị xô tụt hết đá đỉnh kè và bãi chất tải vật liệu cao từ 3 - 4 m gây mất an toàn. Trên tuyến đê Hữu Luộc thuộc địa phận xã Quỳnh Giao, mật độ các phương tiện: xe máy, ô tô, công nông tự chế đi lại nhiều, nhất là các xe ô tô quá tải vận chuyển cát, sỏi, đá... ra vào bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng đã làm mặt đê xuống cấp rất nhanh, làm ảnh hưởng đến thân đê. Tại triền đê Hữu Hóa, tình trạng người dân mở rộng bến bãi, xây dựng lò gạch, lò vôi, đào ao nuôi trồng thủy sản... đã vi phạm hành lanh bảo vệ đê.

Mặc dù đến thời điểm này, hầu như các công việc chuẩn bị cho PCLB của huyện đã hoàn tất. Huyện cũng đã kiểm tra phương án PCLB của các xã, thị trấn, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi đã sẵn sàng với phương án phòng chống úng. Nhưng để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra, huyện Quỳnh Phụ cần sớm tập trung giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm đê điều và các vụ vi phạm lòng sông gây cản trở việc thoát nước khi xảy ra mưa lũ.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa