Thứ 4, 09/10/2024, 15:14[GMT+7]

Tạo cơ hội phát triển cho trẻ em nghèo

Thứ 5, 30/05/2013 | 19:59:37
1,377 lượt xem
Hàng năm Tháng hành động vì trẻ em đã được phát động, triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả, tạo dư luận xã hội rộng rãi; có sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức kinh tế, xã hội và mỗi gia đình.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Sở LĐTB và XH trao quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Lễ phát động Tháng Hành động vì trẻ em.

Ngày 30/5/1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) đã ra Chỉ thị số 38 chính thức phát động Tháng hành động vì trẻ em, từ 1 - 30/6 hàng năm. Năm 2013, năm đầu tiên triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em (CSGD&BVTE) trong tình hình mới; Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2013 - 2020 tỉnh Thái Bình.

 

Ở tỉnh ta hàng năm Tháng hành động vì trẻ em đã được phát động, triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả, tạo dư luận xã hội rộng rãi; có sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức kinh tế, xã hội và mỗi gia đình. Việc huy động nguồn lực, trong đó có Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp có ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình hành động vì trẻ em. Trẻ em đã được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trong những điều kiện tốt hơn, đặc biệt 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhiễm chất độc da cam được hỗ trợ, nuôi dưỡng, chăm sóc tại gia đình và cộng đồng, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em phát triển tốt hơn. Trong xã hội đã xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân, nhiều tấm gương điển hình, hết lòng yêu thương con trẻ. Việc bảo đảm các quyền và lợi ích của trẻ em ngày càng được thực hiện tốt hơn. Có nhiều xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em.             

 

Có được những kết quả trên trước hết phải khẳng định công tác CSGD&BVTE của tỉnh những năm qua luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Thông tri số 07, ngày 26/5/2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác CSGD&BVTE; Hướng dẫn số 34-HD/LN ngày 15/4/2013 giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Sở ( LĐ, TB và XH) về thực hiện Chỉ thị số 20/CT/TW; UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh giai đoạn 2013 - 2020. Sở LĐTB và XH luôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong thực hiện các chương trình vì trẻ em. Trong đó, phải kể đến sự phối hợp với đoàn thanh niên, ngành văn hoá, thể thao và du lịch tổ chức các hoạt động vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em, ngành y tế khám, sàng lọc trẻ sơ sinh, phòng, chống, giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ, phẫu thuật chỉnh hình tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật tái hoà nhập cộng đồng…

 

Tuy nhiên, công tác CSGD&BVTE hiện nay cũng đang nảy sinh những khó khăn, thách thức mới như: chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, biến đổi khí hậu, tai tệ nạn xã hội, lối sống lai căng, thiếu văn hoá, tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, gia tăng dân số, tỷ lệ chênh lệch giới tính ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quá trình hình thành nhân cách và phát triển toàn diện của trẻ em. Hiện Thái Bình vẫn còn  trên 8.000 trẻ em mồ côi; gần 5.560 trẻ em bị khuyết tật, trong đó trẻ em khuyết tật về vận động 1.666, trẻ em bị sứt  môi 437 em, trẻ em mắc các bệnh về mắt 1.227 em; trẻ em bị câm điếc 651; trẻ em bị thần kinh 708; trẻ em khuyết tật khác 871. Những trẻ em này còn chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống và cơ hội hoà nhập để vươn lên.

 

Để Tháng hành động vì trẻ em năm 2013 đạt được kết quả tốt nhất, tạo cơ hội phát triển cho trẻ em nghèo, Sở LĐTB và XH chỉ đạo phòng LĐTB và XH các huyện, thành phố tổ chức tốt một số nhiệm vụ sau:

 

Một là: tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp huyện, thành phố từ tuần thứ tư của tháng 5 đến tuần đầu tháng 6 năm 2013. Căn cứ điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em để tạo sự ủng hộ và đồng thuận của xã hội với chủ trương, chính sách và đóng góp nguồn lực thực hiện các chương trình, mục tiêu vì trẻ em; hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

 

Hai là: rà soát lại việc thực thi các văn bản luật pháp, chính sách liên quan tới công tác CSGD&BVTE tại địa phương mình để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, kiến nghị các chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội bình đẳng tiếp cận các dịch vụ xă hội.

 

Ba là: tổ chức các sự kiện và các hoạt động truyền thông, vận động xã hội lồng gắn với các hoạt động nhân Năm gia đình Việt Nam, chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, Lễ vào hè... Tổ chức gặp mặt, biểu dương trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiêu biểu về tinh thần vượt khó vươn lên và những tập thể, cá nhân đóng góp, cống hiến cho CSGD&BVTE. Tổ chức cho các đơn vị và mời lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội thăm hỏi, tặng quà, tặng học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Mở các diễn đàn đối thoại, bình luận, định hướng về đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; trách nhiệm của các ban, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng CSGD&BVTE; các bài học kinh nghiệm, sáng kiến, cản trở đối với công tác CSGD&BVTE, thực hiện quyền trẻ em trong tình hình mới...  Tổ chức các sự kiện hoặc đợt vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp để xây dựng các công trình phúc lợi, đặc biệt là các công trình trường, lớp học, cơ sở vật chất, thiết bị vui chơi giải trí, sân chơi cho trẻ em tại cộng đồng, trường học.

 

Bốn là: phối hợp chặt chẽ giữa các phòng Giáo dục - Đào tạo, Đoàn Thanh niên, ngành LĐTB và XH, các phòng, ban có liên quan thực hiện việc giao, nhận, xác định trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục học sinh, đặc biệt học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh có nguy cơ vi phạm pháp luật trong khi nghỉ hè.

 

Tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ em kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng, tránh rơi vào tệ nạn xã hội, các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bị bóc lột sức lao động; phòng tránh tai nạn thương tích, tham gia giao thông an toàn, học bơi, sơ cứu người bị tai nạn, thương tích... Duy trì và phát triển các mô hình hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong trên địa bàn dân cư, các câu lạc bộ, các nhóm trẻ em. Giáo dục, hướng dẫn trẻ em kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia, làm việc nhóm, bày tỏ ý kiến phù hợp với lứa tuổi.

 

Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em thông qua các hình thức như: thi các trò chơi dân gian, thi bóng đá, cầu lông, đá cầu, bóng bàn... Tạo điều kiện để trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tham quan, du lịch, tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao. Định hướng, giáo dục trẻ em gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, không sử dụng, chơi trò chơi, đồ chơi phản văn hóa, bạo lực, khiêu dâm, có chất độc hại và không thân thiện với môi trường.

 

Tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao giữa trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với các trẻ em khác để tăng cường sự tự tin, hỗ trợ các em hòa nhập cộng đồng.

                        Bùi Công Nhan

(Phó giám đốc Sở LĐ - TB và XH)

 

  • Từ khóa