Thứ 7, 27/07/2024, 18:47[GMT+7]

Hội Nạn nhân chất độc da cam/Ðiôxin tỉnh Nhiều hoạt động thiết thực giảm thiểu nỗi đau da cam

Thứ 3, 16/07/2013 | 08:24:26
670 lượt xem
Với trên 3 vạn người nghi nhiễm chất độc da cam (CĐDC), Thái Bình hiện là một trong những tỉnh có số nạn nhân CĐDC đông nhất cả nước. Xác định đây là đối tượng cần được sự quan tâm, chăm sóc thường xuyên, những năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh và tổ chức từ thiện thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam xã Đông Dương (Đông Hưng). Ảnh tư liệu: Hoàng Minh

Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh có 20.333 hội viên, sinh hoạt ở 1.893 chi hội. Với phương châm “Đoàn kết, nhân ái, chủ động, năng động, sáng tạo, xây dựng hội vững mạnh, tất cả vì nạn nhân chất độc da cam”, từ năm 2009, khi hệ thống tổ chức hội đã cơ bản hoàn thiện, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình hành động, đồng thời tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Thông báo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC.

 

Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội có sự chuyển biến, việc vận động tài trợ quỹ hỗ trợ nạn nhân CĐDC cũng có những bước nhảy vọt. Năm 2009, tổng kết 5 năm nhiệm kỳ I, các cấp hội chỉ huy động được nguồn tài trợ 6 tỷ đồng thì chỉ trong 4 năm (2009 - 2013) của nhiệm kỳ II đã vận động được trên 28 tỷ đồng, tạo điều kiện cho nhiều nạn nhân CĐDC có cơ hội nhận được sự trợ giúp của cộng đồng.

 

Cán bộ Tỉnh hội, các huyện, thành hội cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp đỡ các nạn nhân CĐDC thông qua nhiều hình thức như: trợ cấp khó khăn, hỗ trợ dạy nghề, tặng quà, tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, tặng học bổng, xe lăn, xe lắc, xe trợ đi, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, cấp máy trợ thính, giúp đỡ đồ dùng gia đình... Trong nhiệm kỳ I, Hội vận động trợ cấp được 6.000 suất quà, dạy nghề cho 120 đối tượng, tặng 300 chiếc xe lăn...

 

Giai đoạn 2009 - 2013, số lượng nạn nhân CĐDC nhận được sự trợ giúp không ngừng tăng lên. Tính đến hết tháng 5/2013, Hội đã vận động trao tặng 32.000 suất quà, dạy nghề cho 228 trường hợp, xây dựng 94 ngôi nhà tình nghĩa, trao 430 xe lăn, 56 xe trợ đi, 50 xe lắc, 86 ghế bại não, 8.000 chén thuốc bắc... cho các nạn nhân CĐDC trong tỉnh, góp phần  hỗ trợ các nạn nhân vượt lên những khó khăn trong cuộc sống.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Kim Nhật, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh cho biết: Kết quả lớn nhất Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh đạt được trong thời gian qua là việc đưa Trung tâm tẩy độc đi vào hoạt động. Qua 26 đợt tẩy độc, gần 700 nạn nhân CĐDC đã cải thiện sức khỏe, ăn ngủ tốt hơn, chất lượng cuộc sống nhờ vậy cũng từng bước được nâng lên.

 

Hội cũng thường xuyên phát động phong trào “Vì nạn nhân CĐDC/Điôxin Việt Nam” gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm cổ vũ tinh thần của cán bộ các cấp hội nỗ lực vươn lên xây dựng Hội vững mạnh, đồng thời huy động được nhiều nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ, đem lại lợi ích thiết thực cho các nạn nhân CĐDC.

 

Trong những năm tới, với mục tiêu tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn dân chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC; tổ chức các chương trình phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, xí nghiệp, trường học nhằm tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nạn nhân CĐDC; theo dõi, nắm chắc tình hình, hoàn cảnh gia đình các nạn nhân CĐDC để có kế hoạch giúp đỡ hợp lý, từng bước tạo điều kiện cho các nạn nhân CĐDC cải thiện cuộc sống, vượt qua mặc cảm, khó khăn, hòa nhập cộng đồng.

Vũ Hường

 

  • Từ khóa