Thứ 7, 27/07/2024, 19:02[GMT+7]

Hướng tới kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 5 ngày làm vợ, cả đời làm dâu

Thứ 2, 22/07/2013 | 08:47:55
7,236 lượt xem
Trong đợt vào thành cổ Quảng Trị mới đây với đoàn cựu chiến binh Bộ đội Biên phòng, chúng tôi được Bảo tàng Thành cổ giới thiệu bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Lần theo địa chỉ ghi trong bức thư chúng tôi đã về xã Lê Lợi gặp chị Đặng Thị Xơ, vợ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh để được nghe chị kể lại những kỷ niệm về 5 ngày làm vợ, cả đời làm dâu và xuất xứ của bức thư trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Chị Đặng Thị Xơ, vợ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh.

Cảm nhận đầu tiên khi gặp chị Xơ là chị vẫn còn giữ được nét son sắt của thời con gái. 63 tuổi đời, hơn 40 năm về làm dâu nhà anh, chị chỉ làm vợ anh có 5 ngày. Anh, chị cùng ở xã Lê Lợi, chị ở xóm 3, anh ở xóm 2. Hai người yêu nhau được ba năm, hẹn nhau sau khi anh tốt nghiệp Đại học Xây dựng thì làm lễ cưới. Anh học năm thứ 4 thì mẹ “bắt” anh phải cưới vợ, thế là chị về làm dâu.

 

Sống bên nhau được 2 ngày thì anh trở về trường. Lúc đó, chị bảo anh lên huyện chụp ảnh làm kỷ niệm, anh nói để dịp khác. Nhưng rồi cái dịp khác ấy không còn nữa. Tết năm ấy anh về nghỉ bên chị được ba ngày nữa rồi trở lại trường và anh lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, khi ấy chị vừa tròn 22 tuổi. Chị nhớ như in ngày anh đi là mồng 2 tháng 1 năm 1972. Anh sang Namon> Định đi tàu hỏa để trở về trường. Vợ chồng chưa kịp bén hơi thì anh đã đi xa, tình cảm dồn nén vào những bức thư mà anh gửi đều đặn về cho chị mỗi tháng một lá. Trong thư, anh kể về cuộc chiến tranh khốc liệt và khuyên chị, nếu anh hy sinh thì đi bước nữa.

 

Lá thư cuối cùng anh viết đề tháng 9 năm 1972, mãi đến tháng 11 năm 1972 mới đến được tay chị. Hôm ấy, chị đang đi chữa mắt ở Hà Nội thì người anh chồng lên thông báo rằng: chú Huỳnh gửi thư về. Thư viết từ những trang sổ tay xé ra, dài gần 10 trang khổ nhỏ. Điều kỳ lạ là bức thư anh viết trước ngày hy sinh 4 tháng.

 

Đọc những dòng thư ấy người ta kinh ngạc trước những dự cảm kỳ lạ của anh. Anh vốn học Đại học Xây dựng Hà Nội, anh biết trước mình sẽ đi “nghiên cứu bí mật trong lòng đất” mà bình tĩnh, thanh thản đến lạ lùng. Phần trên của lá thư anh dành riêng cho mẹ, phần tiếp theo cho vợ. Anh viết: “Em thương yêu! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Xong lá thư này đến là nỗi buồn nhất. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được cái diễm phúc sớm phải xa rồi...

 

Nhưng, anh chỉ mong một điều là hãy đối đãi với mẹ, anh chị trong gia đình như khi anh còn sống để cho linh hồn anh được bừng nở trong giấc mơ trìu mến của em”. Cuối thư, đoạn dành cho chị, anh viết: “nếu có điều kiện vào Namon> lấy hài cốt anh về, đường đi như sau: Đi tàu vào Thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ Thị xã lần ngược lại hỏi vào thôn Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy sẽ tìm thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn...”.

 

Chị Xơ kể: Lá thư này chị nhận là tháng 11 năm 1972, tức là 5 tháng trước khi nhận được giấy báo tử của anh. Giấy báo tử ghi anh hy sinh ngày 2 tháng 1 năm 1973, trùng khớp ngày, tháng anh nhập ngũ, chỉ khác năm. Sau này, chị đã vào Namon> tìm anh nhưng không được. Đi hỏi thì nhà ngoại cảm nói anh “vô danh”, chị tự động viên: thôi anh ở trong đó với đồng đội.

 

Chị cũng đã sang xã bên tìm người cùng học, cùng nhập ngũ với anh; lên Hà Bắc tìm người đem chiếc ba lô của anh về cho chị... họ cũng không biết anh hy sinh ở đâu. Cuối cùng, chị đã tìm được người cần gặp là anh Cường, hiện là giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Chính anh Cường là người chôn cất ba người, trong đó có anh Huỳnh và khắc tên liệt sĩ trên tấm tôn.

 

Khi cả đoàn đến khu vực anh Huỳnh hy sinh thì ngay anh Cường cũng không nhận ra nơi mình đã chôn cất ba người đồng đội. Trong thư anh Huỳnh viết là ở thôn Nhan Biều 1, nhưng do yêu cầu đột xuất các anh lại xuống xóm 2 thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, khi làm nhiệm vụ lúc đó trên bến có 5 người; còn các bạn cùng học lại ở bến dưới. Quả bom đã làm ba người hy sinh, hai người bị thương. Anh Cường nói: Tôi liệm các anh trong tấm tăng võng và đặt ba đồng chí nằm theo hình tam giác, sau đó dùng tấm tôn khắc tên Lê Văn Huỳnh. Chiến trường xưa đã thay đổi rất nhiều, các vị trí đánh dấu không còn nữa, giờ đây là một bãi sắn mênh mông.

 

Thấy có người đi tìm mộ, anh nông dân tên Hậu mang ra hai tấm bia trong đó có tên của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Điều này khớp với nội dung trong thư anh gửi cho chị. Nhưng cả một bãi sắn lớn thế này làm sao tìm được nơi anh nằm? Ba ngày trôi đi, mọi người tuyệt vọng vì đào mãi mà không thấy. Chị tin rằng anh nằm đâu đây thôi, nhưng không thể đào tung cả bãi sắn này. Chị nhờ người vào chợ Đông Hà mua một đoạn sắt để thuốn, vừa thuốn, chị vừa lẩm nhẩm cầu nguyện anh linh thiêng cho chị tìm được anh để đưa anh về quê hương.

 

Bỗng nhiên, chiếc thuốn đâm vào vật gì đó, bằng giác quan của người lính, anh Cường biết là đã đụng vào tăng võng nên mới có âm thanh như thế. Mọi người đào lên thì thấy ba anh nằm giữa ba hố bom bị cày xới. Hơn 30 năm tìm kiếm, chị đã được nhìn thấy anh, chỉ còn biết ôm nắm xương chồng lặng lẽ khóc. Theo đồng đội kể lại thì cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ kéo dài 81 ngày đêm, anh Huỳnh hy sinh vào ngày thứ 77. Mẹ anh không chờ được anh cũng mất năm 1977.

 

Trên căn phòng tầng 2 của Công ty Phú Lợi - nơi chị Xơ đang công tác, tôi hỏi: Lúc anh hy sinh chị mới 23 tuổi, lại có nhan sắc, sao chị không đi bước nữa? Chị cười rất hiền và nói: Trong thư anh dặn: “Nếu hy sinh thì đưa hài cốt anh về quê”. Chính vì lời dặn ấy, chị đã 30 năm ngược xuôi tìm cách đưa anh về. Lúc tìm được anh về với quê cha, đất tổ thì chị đã già.

 

Căn nhà chị đang ở là do Hội Phụ nữ Quân Cảng Sài Gòn ủng hộ 20 triệu đồng và anh Chấn (Sở Giao thông vận tải) ủng hộ 10 triệu đồng. Hàng tháng, tiền trợ cấp không nơi nương tựa và thu nhập từ Công ty cũng được gần 4 triệu đồng, đủ chi tiêu. Hơn 40 năm đã qua, bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được lưu giữ tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị và Bảo tàng Thái Bình phải phục chế, song tình yêu son sắt, thủy chung của người vợ liệt sĩ thì vẫn luôn trọn vẹn và ngày một đằm thắm theo thời gian. Có một cựu binh Mỹ khi nghe giới thiệu bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã khóc và thốt lên: “Đến bây giờ tôi mới hiểu vì sao các bạn chiến thắng, vì các bạn đã biết trước tất cả”.

Bài, ảnh: Việt Hải

(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa